Em làm tôi xúc động thật sự, và suy nghĩ nhiều về gia đình thứ hai của mình khi vẫn chưa quyết định được mình có tiếp tục đồng hành với họ nữa hay không. Chỉ sau một tin nhắn, tôi nhận ra thẳm sâu lòng mình. Tôi trân trọng nơi ấy, thấy quý rất nhiều đồng nghiệp và đặc biệt, tôi nhớ nôn nao một chỗ ngồi.
Không cần phân tích sâu xa, chỉ cần nhìn vào thời lượng chúng ta có mặt ở nơi ấy, bạn sẽ thấy ngay rằng, bàn làm việc là một nơi thực sự quan trọng. Nói nó quan trọng nhất có khi cũng không sai, đặc biệt là với dân văn phòng. Bàn làm việc cần được bố trí khoa học để chúng ta thuận tiện di chuyển, thao tác dù một mình hay trao đổi với đồng nghiệp? Bàn làm việc nên bằng chất liệu nào và trang bị những gì? Bàn làm việc cần được nghiên cứu dựa trên đặc thù công việc và điều kiện của công ty?... Tất cả những điều đó, đã có kiến trúc sư nội thất và phòng quản trị lo. Và điều thú vị nhất là, dù văn phòng đó, cơ quan đó có 100 chỗ ngồi – modul như nhau thì chỉ cần sau 1 tuần ‘tiếp quản”, từng chỗ ngồi sẽ bắt đầu có khác biệt. Dù muốn hay không, bàn làm việc sẽ dần dần phô bày cá tính người đang sử dụng nó. Người ngăn nắp, sạch sẽ; kẻ hoa hòe búp bê thú bông; người tiết giản, kẻ bề bộn ngồn ngộn sách báo… Bàn làm việc có khi được trang trí theo mùa, theo tâm trạng. Bàn làm việc còn là một cuộc trưng bày hình ảnh con cái, gia đình. Là một vườn hoa mini, một bộ sưu tập thủy tinh, một gian hàng bánh kẹo…
Bàn làm việc là chỗ để… làm việc, dĩ nhiên. Nhưng đâu chỉ có thế.
Mới đây, theo vov.vn, kênh NDTV (Ấn Độ) vừa đăng tải clips CEO Mark Zuckerberg giới thiệu trụ sở làm việc mới của Facebook tại Menlo Park, California, Mỹ. Mặc dù là người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất hành tinh và sở hữu khối tài sản “khủng” lên tới 33,4 tỷ USD nhưng bàn làm việc của Mark Zuckerberg khá đơn giản và không có gì đặc biệt hơn so với những nhân viên khác của Facebook. Trên bàn làm việc của mình, vị CEO 31 tuổi để sách, máy tính, logo công ty, chai nước, mô hình vệ tinh, vài tác phẩm nghệ thuật, và... đồ chơi khủng long nhồi bông màu xanh!
CEO Facebook cũng có một phòng riêng để tiếp khách hoặc họp hành, nhưng căn phòng này không tách biệt với mọi người, vẫn nằm trong một không gian chung, và mọi người đều có thể nhìn thấy hết mọi thứ đang diễn ra trong đó. Mark Zuckerberg chia sẻ, anh muốn tạo ra một văn hóa mở và minh bạch trong công ty, và tin rằng điều đó sẽ giúp mọi người có thể làm việc tốt nhất.
Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng sự giản dị và thành công của Mark làm tôi nhớ đến rất rất nhiều không gian làm việc của các “chóp bu” khác mà tôi được biết trong quá trình làm việc của mình. Đó là chữ giám đốc, chữ chủ tịch mạ vàng to oạch từ cửa phòng đến tận bàn ngồi. Sau lưng ghế ngồi như ngai vàng là ngà voi, là sừng nai, là tranh chữ tàu mã đáo thành công mạ vàng sáng lóe. Trước mặt, là bộ salon gỗ quý chạm rồng, chân sư tử. Trên ấy bày một là bộ đồ trà viền vàng, nạm bạc, trên ấy là bình hoa giả đỏ đỏ vàng vàng, đúng màu hạp tuổi, vân vân và vân vân… Vâng. Bàn làm việc thể hiện cá tính, văn hóa, tầm vóc và gì gì nữa tôi không dám nói. Cũng như không dám cả so sánh những gì họ đã “làm được” cho đất nước này.
Tôi là con ốc bé tí trong một guồng máy to, chỗ ngồi của tôi cũng bé tí trong một cao ốc, nhưng thật may mắn, nghĩ về nó, tôi luôn cảm thấy ấm áp và gần gũi vô cùng. Tôi nhớ một lần về thăm cô giáo cũ, khoe cô cái hình góc làm việc xinh xắn của mình, cô giáo thân thương đã truyền cho tôi một suy nghĩ bằng an mà trước đó tôi chưa từng nghĩ ra. Theo cô, có một cái bàn làm việc để điệu đà, là một may mắn, vì trước hết, em đang có việc làm, một công việc không phải dầm mưa dãi nắng, không phải chợ đời tất tả ngược xuôi.
Cô giáo của tôi, suốt quãng thời gian dạy học của mình, cô toàn chấm bài, soạn giáo án trên cái bàn… ăn cơm của gia đình. Và dù bàn làm việc của cô là bàn ăn cơm, nhưng điều đó, chưa từng làm giảm một chút kính trọng lẫn thương yêu của bao lớp học trò dành cho cô cũng như, chưa từng khiến cô cảm thấy đó là một sự khó khăn, hay thiệt thòi. Và thật diệu kỳ, đứa học trò bé nhỏ ngày nào giờ đã quá 40, với trái tim đầy thương tích, lại được cô an ủi, vỗ về thông qua Facebook của anh chàng Mark giản dị kia.
Bàn làm việc, hóa ra cũng chẳng là gì.
Bàn làm việc, đã có lúc, tôi muốn đổ hết mọi trách nhiệm cho nó, vì sự ra đi của một người.
Mùa xuân năm đó, sau kỳ nghỉ dài cho tết, anh muốn sắp xếp lại công ty. Phòng riêng của anh, vốn chẳng rộng rãi mấy, phá dỡ đi một bức tường, coi như nhập chung với phòng nhân viên. Bàn của anh lui về một góc, vì theo anh, anh cũng ít khi ngồi. Công việc của anh hầu hết diễn ra ở phòng họp và ở ngoài văn phòng, anh muốn nhường không gian lại cho nhân viên, càng nhiều càng tốt.
Tôi tin anh luôn biết cần làm gì cho công ty của mình, từ kế hoạch đường xa đến chăm chút những chi tiết nhỏ trong từng cái email. Nhưng tôi cũng từng nghe nói, chỗ ngồi của mỗi người đôi khi cũng ảnh hưởng đến nỗi thịnh suy, trong sự thăng tiến của cá nhân hoặc sự mất còn của cả doanh nghiệp. Tôi nhớ mình đã e ngại nhắc anh, công ty đang làm ăn suôn sẻ, nếu không quá bức bách thì anh thay đổi làm chi. Anh kết thúc nỗi lo sợ mơ hồ trong tôi bằng một lý luận khác, nhân viên của anh làm việc hơn 8 tiếng mỗi ngày ở đó, họ cần thoải mái và vui vẻ, họ mới thực sự là “người nuôi nấng” anh, giúp anh vận hành công ty khỏe mạnh cho đến thời điểm này.
Giữa hè năm đó, anh đi, sau 50 ngày bạo bệnh. 50 ngày nháo nhào, 50 ngày cũng nhanh như một cơn mơ. Mọi thứ không gì kiểm soát được, chỉ có thể đổ hết vào số trời. Đổ hết vào thuyết nợ nần trần gian, anh đã trả xong nợ, thì anh đi trước. Mọi người ở lại tự lo phần nợ của đời mình, rồi cũng sẽ chung đường với anh. Ấy mới thực sự là một chuyến vĩnh hằng an lạc. Anh đi với một gương mặt cười, tôi tin như thế vì biết những gì anh đã để lại cho đời. Nhưng cũng nhiều khi chới với trong nhói buốt nhớ nhung, tôi chỉ ước giá mà lần đó anh đừng xê dịch gì hết chỗ ngồi của mình, thì mọi thứ có khác hơn không?
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 113