Bài dự thi: Đời nhà, đời người…

15/5/2024 - Nhà ở
Tác giả: TRẦN VĂN THIÊN

Đêm nay, tôi muốn về ngủ trong ngôi nhà của ngoại. Bóng đèn trái ớt từ trang thờ loang ra một vùng sáng lặng lẽ, mỏng tang, giăng vào cả chiêm bao đượm mùi dầu gió. Cái lạnh đầu mùa như những cánh chim đậu lại phía ngoài ô cửa, chỉ có hơi ấm của ngoại bịn rịn trên gối mền, an trú tựa một lời ru ngân trong sương…

 
Ngôi nhà mái ngói cũ xưa ông ngoại đã xây hồi má tôi tuổi còn con gái. Phía trước hướng ra thênh thang đồng bãi, phía sau tựa lưng vào vườn chuối lao xao. Mảnh sân đất cứng in đầy những dấu chân kí ức, trải bóng cây dừa lẻ loi bên lối vào, hàng ổi sẻ lưa thưa bông trắng, ngọn cóc già đơm lá nõn chua chua. Ở trước hè ngoại kê chiếc chõng tre bợt bạt, ngồi xuống nghe cựa lên tiếng của mưa nắng mỏi mòn. Bước qua cánh cửa gỗ xỉn màu, giữa gian nhà trên là chiếc tủ cổ xưa, bóng thời gian nhoà vào những hoa văn cách điệu. Bên trên mặt tủ là trang thờ ông ngoại tôi, khuôn mặt ông nhân hậu dưới ánh đèn nhỏ nhoi ấm áp, như thể ông vẫn chưa đi đâu xa khỏi ngôi nhà của đời mình, trên mảnh đất nguồn cội.  
Ở gian nhà trên, ngoại mắc một chiếc võng ngang hướng cửa sổ đón gió. Trên cánh võng đằm đượm mùi dầu thiên thảo, dù thức hay ngủ, ngoại luôn hướng mặt về phía trang thờ. Có phải ngoại muốn tìm gặp ông trong chiêm bao, giữa ngôi nhà chạm vào đâu cũng xao động kí ức?
 
 
Ngày nhỏ, tôi thường nhìn ra cửa sổ hướng tây nhà ngoại, phía ngoài rụng trắng bông mận như những chùm pháo hoa tí hon. Dẫu trong ngôi nhà nào, tôi cũng thích được ngồi bên những ô cửa sổ. Chúng tựa đôi mắt của ngôi nhà mở ra mảnh trời vòi vọi, nối hồn nhà với hồn đất, nối lòng người với bao la. Nhà nào có nhiều cửa sổ, những ô cửa thông ra muôn hướng, để ánh sáng chảy vào không gian sóng sánh tựa những dòng sông nhỏ, thì người trong nhà cũng sẽ rộng lòng như gió thổi qua hiên. Nhà ngoại nhiều cửa sổ, giữa dải đất trù phú gió đồng, tôi cứ nghĩ ngôi nhà như cái nơm úp gió. Mùa mưa, mùa nắng, trở bấc, lại nồm, gió hiu hiu như dòng sữa nuôi giấc ngủ tròn căng.
Qua gian nhà giữa sẽ ra hiên sau, ngoại kê dọc vách tường những cái chum đất ngấm màu rêu, luênh loang nước giếng. Nơi ấy, nước chảy réo rắt từ bầu chum lọc nước, ngoại đã đổ vào lưng lửng sạn sỏi tinh sạch, mát lành. Mỗi chiều tà, khói từ bếp củi cứ lâng lâng quấn quýt ngôi nhà, tản mác vào cả vành chum đất lót rơm khô dưới đáy, ủ chùm trái ngọt chín bói thanh thao. Gian bếp của ngoại có một chiếc phản gỗ, hẳn là từ thời tôi chưa được sinh ra, trên đó ngoại bày những rổ rá, thúng mủng, những bó rau, nải chuối gọn gàng, cũng là chỗ tôi thường ngồi xếp bằng ăn bữa cơm đạm bạc với ngoại, nghe mưa ghé xuống thềm nỉ non. 
Cái chạn bếp phủ bụi, ngoại xếp vào những chai lọ mắm muối thấp cao, từng cái hũ rỗng hết dầu, hết mắm ngoại rửa lại để dành. Mở nhẹ cánh cửa bện bằng lưới mùng, sẽ thấy những cái chén đất úp ngay ngắn bên trong, cạnh chồng dĩa đất giữa lòng in một chữ nôm màu xanh mực. Trên bức vách kề ô thông gió, ngoại treo xoong nồi thành hàng, mặt đế nám màu nhọ lửa. Giữa bếp lủng lẳng đôi gióng tre đen cời muội khói, đỡ hai trã cá, nồi canh, đề phòng lũ mèo rình mò ăn vụn. Ở một góc bếp, tro chảy tràn ra miệng lò lam nham, lẫn dăm vụn lá dương khô cháy dở. Cái ghế đẩu ngoại ngồi thổi lửa, lâu ngày lỏng đinh rệu rạo, đặt kề bao củi phi lao hăng hăng mùi nắng. Tất cả đều ám khói, và rịt ràng hình bóng của ngoại.
Những thập niên cuối của thế kỉ trước, để ý thấy những ngôi nhà ngói được xây lên ở thôn quê vùng Nam Trung bộ thường phảng phất một dáng dấp chung. Nhà ngoại tôi cũng thế. Những ngôi nhà khiêm nhường hướng mặt ra đồng gió lộng, với cửa chính, cửa sổ đều có hai cánh bằng gỗ sậm màu, phía trên trổ một ô cửa lam thông gió. Mặt trước nhà với những hoa văn nét thẳng giản đơn, những hình vuông, tam giác đối xứng, lặp lại, bình dị như lòng dạ người nhà quê thương khó. Mảnh ngói đất nung trong xứ sở nắng lửa, mưa dầm, bàng bạc màu dâu bể. Trong nhà, cũng thô sơ bộ bàn ghế gỗ, ấm pha trà cạnh bình thuỷ cũ xưa, cũng cọt kẹt một chiếc chõng tre, cũng đòng đưa cánh võng giữa nhà. Và ở sau vườn hay trước sân rêu, bao giờ cũng thấy một giếng nước bốn mùa leo lẻo.
 
 
Con cháu tha hương lâu ngày trở về, đôi khi khựng lại trước bậc thềm, nhìn lên mà đếm tuổi nhà bao tháng năm chất ngất. Bởi trước mỗi ngôi nhà thường đắp nổi những con số như 1985, 1994, 1978, chính là năm ngôi nhà được nên vóc nên hình, giản dị mà vững chãi. Những con số cất lên tiếng nói của thời gian, đánh một dấu mốc vào kí ức đời người. Chính những năm ấy, giấc mơ về một ngôi nhà vững vàng giữa mưa tuôn, bão thốc của những người nông dân cần lao dầu dãi, đã được thành hình trên mảnh đất có xương máu ông cha. Chúng ngỡ bị bỏ quên cho đến khi ta thảng thốt ngước nhìn, và nhận ra đã mấy mươi năm ngôi nhà cho ta mái ấm. Từng thế hệ ra đời, lớn lên, tha hương, trở về, dựng vợ gả chồng, đón dâu rể mới, trẻ khóc chào đời, già về cát bụi, nối tiếp nhau neo vào ngôi nhà dằng dặc kí ức. Đã mấy mươi năm ánh lửa yêu thương vẫn hui hút cháy dưới mái nhà phong bạt. Như ngôi nhà cũng cần những hơi ấm, cần bàn tay người vun vén trước sau.
Đời nhà đã hoà vào đời người như thế.
Ông tôi thuở ấy cũng đánh dấu năm xây ngôi nhà ở trước hiên. 1982, con số không chỉ để trang trí. Nó âm thầm gợi thức giữa lòng cháu con một mái nhà của trầm tích đời người, lắng sâu trong mắt ngoại. Khi tôi viết những dòng này, ngôi nhà đã hơn 40 năm vẹt mòn sương gió, chứa đựng hai mươi mấy năm ngoại chỉ còn gặp ông trong chiêm bao. Sinh mười người con, qua binh biến loạn lạc, ngoại còn bảy. Bảy nếp nhà theo tháng năm cũng lần lượt được dựng lên quanh nếp nhà của ngoại. Con trai con gái, con dâu con rể, cháu chắt quây quần mỗi ngày giỗ quải, lễ tết. Khi đó, ngước nhìn lên con số 1982, nhận ra thời gian tàn nhẫn bao nhiêu, để biết quay về cội rễ, biết gìn giữ những nếp nhà của đời người, gìn giữ ngọn lửa thâm tình trước cơn bão vật chất vẫn âm ỉ cuộn lên những cuộc cắt chia. Và còn để biết gìn giữ ngôi nhà của mọi ngôi nhà, chính là tâm hồn mình, khi xung quanh ngổn ngang bao lọc lừa giả tạo.
Lớn lên bên ngoại, tôi đã trồng những gốc cây của nhớ thương quanh nhà, rễ cắm sâu vào kí ức bền chặt. Tôi về đứng giữa mảnh sân, ngỡ như ngoại vẫn chải đầu trên chõng tre mỗi sáng, rồi vo vo những sợi tóc rụng giắt lên mái hiên. Ngỡ như tôi vẫn bé thơ đung đưa chân ngoài tấm phản, trông theo tấm lưng mướt mải mồ hôi của ngoại, giữa những vồng khói củi cuộn bay. Ngỡ như gốc mận, thân dừa vẫn rợp bóng sân nhà, hàng rào bông trang hoa đỏ, hoa vàng vẫn tắm mình trong nắng sớm. Ngoại đã qua hơn 90 mùa gió bấc, đêm nay gió lạnh ngoài thềm có rào rạt trong giấc ngủ của ngoại? Ông có lại về ngồi lặng im bên chỗ ngoại nằm, giữa thăm thẳm chiêm bao? 
Tôi nhận ra đời người luôn có những ngôi nhà không tuổi, chính là những ngôi nhà vĩnh viễn trong tâm tưởng, được dựng lên bằng kí ức khôn nguôi…
 
Theo Kiến trúc & Đời sống số 215

Các tin khác