Bài dự thi: Nơi chốn trở về

17/7/2022 - Nhà ở
Tác giả: HÀ THÀNH

Tôi sinh ra và lớn lên, trưởng thành, lập nghiệp ở Hà Nội. Tôi đang ở trong một ngôi nhà ở Hà Nội và là “người Hà Nội” theo hộ khẩu. Nhưng nguyên quán tôi thì không ở đó mà là ở một làng quê trong một tỉnh kế bên thủ đô, cách trung tâm Hà Nội chừng 42 cây số. Từ khi còn bé xíu, tôi đã được bố đưa về quê chơi. Ở đó có ông bà nội và cô tôi. Trong ký ức tuổi thơ, tôi vẫn nhớ nhớ cái cổng nhỏ với hàng rào dâm bụt, nhớ ngôi nhà bình dị, khoảng sân với hai cây cau cao vút, căn bếp luôn thơm nồng khói lửa… Ngôi nhà của ông bà ở quê là nơi chốn quen thuộc với tôi từ ngày ấy.

 
 

 

 
Một năm bố tôi đưa chị em chúng tôi về quê vài lần, theo “xe tuyến” của cơ quan bố - chở cán bộ nội trú về nhà, vào cuối tuần; đi sáng thứ bảy, về chiều chủ nhật. Thích nhất là kỳ nghỉ hè, chúng tôi về quê và được ở nhà thoải mái, có khi vài tuần. Ngôi nhà ở quê cũng như nhà mình, nhưng cũng có nhiều thứ mới mẻ, lạ lẫm, thú vị với những đứa trẻ như chúng tôi. Quãng thời gian êm đềm đó cứ như thế, như thế cho tới khi tôi học hết cấp 2. Bao nhiêu năm, ngôi nhà vẫn vậy, bình yên, dung dị và hào phóng đón tôi trở về. Phải nói lại rằng: Tôi không được sinh ra ở đây, tôi cũng không sống ở đây. Bố mẹ tôi đi học rồi thoát ly, sinh con ở thành phố. Nói chính xác thì đó là ngôi nhà của ông bà nội tôi. Với chị em chúng tôi, về nơi đó - nói và hiểu một cách đơn giản là về quê.
Ngôi nhà đó, là một kiến trúc điển hình của đồng bằng Bắc bộ, với 3 gian hai chái, lợp mái ngói; khung nhà làm bằng gỗ xoan, xung quanh xây tường gạch. Ở gian giữa là bàn thờ, trước bàn thờ là bộ bàn ghế tiếp khách; hai gian bên là giường ngủ của ông và bà. Cô tôi ở trong 1 buồng (chái nhà), còn buồng bên kia là kho. Trước nhà có một khoảng sân vườn rộng thoáng, phía trái có gian nhà bếp lợp mái tranh. Ngoài cùng là một nếp cổng nhỏ xinh, tinh tế nhưng không quá cầu kỳ, rêu phong đượm màu thời gian. Trên trán cổng đề ba chữ Hán “Đồng Gia Cát” - nghĩa là cả nhà cùng may mắn - một thông điệp giản dị và ý nghĩa; dưới có dòng chữ đề năm xây dựng- 1945. Ông bà kể lại ngôi nhà là do cụ tôi xây, đúng vào năm nạn đói. Chính vì thế khi cải cách ruộng đất, cụ tôi bị quy là địa chủ; rồi sau sửa sai là thành phần trung nông. May mắn thay, qua những biến thiên thời cuộc, ngôi nhà vẫn thuộc về gia đình.
Lên cấp 3, tôi hay về quê một mình bằng những chuyến tàu chợ. Ông tôi đã mất. Cô tôi muộn màng rồi cũng lấy chồng làng bên. Bà tôi ở một mình, cô chú tranh thủ chạy qua chạy lại. Dẫu vậy thì nhà vẫn cứ vắng vẻ. Biết vậy! Bố tôi thì bận việc; tôi thì cũng bận học, và tuổi trẻ mải chơi… Tất nhiên khi đó, dù không còn là đứa trẻ nữa thì tôi về quê vẫn mang tâm thế của kẻ đi chơi, đi nghỉ, đâu phải băn khoăn nhiều chuyện người lớn!?
Cuộc đời có những éo le. Số phận con người là một điều rất khó đoán định. Lá xanh rụng trước lá vàng. Dẫu đó không phải là điều gì quá ghê gớm hay hiếm gặp, thì cũng là điều xót xa. Tôi đau buồn, mất thăng bằng một thời gian dài và hiểu sức chịu đựng của bà tôi đáng khâm phục như thế nào. Khi đó tôi mới ở tuổi đôi mươi, chưa đủ chín chắn và trưởng thành để gánh một trách nhiệm như thế. Nhưng rồi tôi hiểu, phải là tôi, không thể ai khác. Và sau đó, về quê với tôi không còn là những chuyến đi nghỉ, đi chơi nữa. Tôi thay bố tôi làm những phận sự mà tôi biết mãi mãi chẳng thể tròn. Cuộc sống thì càng ngày càng nhanh hơn, hối hả hơn; tôi cũng bận hơn. Căn nhà vắng hơn, cũ hơn, và bà tôi yếu hơn. Mỗi khi về nhà, nhìn bóng bà lặng im và nhỏ bé giữa căn nhà trống vắng, thấy nghẹn lòng… Nhưng có lẽ những lần tôi về hồi đó là những khoảng thời gian rất đẹp của hai bà cháu. Ngoài những lần có việc trong năm, thì như lời hẹn, tôi có mặt ở nhà vào chiều 29 hoặc sáng 30 Tết, gần 10 năm như vậy. Cô tôi giúp bà chuẩn bị mọi việc, nhưng có một việc bà luôn chờ tôi cùng làm, đó là lau dọn bàn thờ tất niên. Từ những năm tháng ấy, ngôi nhà đã trở nên thiêng liêng với tôi. Đó không chỉ là yếu tố tinh thần, mà với con mắt của người làm nghề, tôi hiểu rằng đây là ngôi nhà đẹp nhất với một cấu trúc chuẩn mực còn lại ở làng, và sẽ là ngôi nhà cuối cùng. Trong đó có bộ bàn thờ cùng đồ thờ cổ và đẹp nhất làng, chính người làng nói vậy. Làng tôi, như bao nơi khác, đô thị hóa đã làm cho tất cả nham nhở, vụn nát. Những ngôi nhà cột kèo mái ngói biến mất với một tốc độ nhanh khủng khiếp, những mảnh vườn cũng như vậy. Những đường nét kiến trúc tinh tế của ông cha đang lùi vào dĩ vãng. Ngôi nhà của bà tôi, dẫu không phải là kiệt tác thì vẫn cứ là một ngôi nhà đẹp - và tôi trân quý gìn giữ nó…
 

 
Bà tôi ngày một già yếu hơn. Rồi cô chú tôi chuyển về ở cùng bà để tiện chăm sóc. Nhà đông vui hơn không còn vắng vẻ như trước nữa, và tôi cũng yên tâm hơn. Nhưng rồi ngôi nhà không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống mới. Căn bếp mái tranh vách đất bị phá đi, thay vào đó là một căn nhà xây gạch mái ngói cho cô tôi dạy học. Cái chái nhà xưa là buồng của cô biến thành nhà bếp mới - đun bếp gas, nối liền với nhà để xe và nhà vệ sinh khép kín xây mới ở ngoài sân. Điều đó tốt hơn cho cuộc sống, và tốt hơn cho sinh hoạt của bà tôi, vì bà yếu rồi. Nhưng tôi vẫn cứ tiếc. Tôi tiếc gian bếp với vách đất xiêu xiêu, cùng những kèo, xà tre ám khói; và tiếc bếp lửa củi rơm bập bùng bao nhiêu kỷ niệm với những câu chuyện của bà… Tôi tiếc tòa nhà chính 3 gian hai chái không còn nguyên vẹn - độc lập với 2 ô cửa sổ ở chái nhà nhìn ra sân... Mỗi lần sửa cái gì, cô chú đều gọi điện hỏi ý kiến tôi. Tôi buồn nhưng chẳng biết làm thế nào, đành nói với cô chú rằng xây cất thêm cái gì cũng được, nhưng cố gắng đừng làm sai lệch gì kiến trúc nhà chính và cái cổng.
Bà tôi mỗi ngày mỗi yếu; cũng phải thôi, tuổi cao rồi. Nhiều lần bà nói chuyện với tôi về ngôi nhà, về “quyền lợi” cũng như phận sự, trách nhiệm của tôi. Những lần ấy tôi đều trốn tránh, lảng đi. Tôi bảo: Bà còn sống lâu, lo làm gì! Đúng là tôi sợ, sợ cái ngày ấy sẽ đến. Tôi muốn mãi mãi đây là ngôi nhà của bà, ngôi nhà luôn có bà và là nơi trở về của chúng tôi. Nhưng rồi cũng chẳng lần lữa được mãi, sau một trận ốm nặng, bà không muốn để lâu tình trạng này hơn nữa… Thế rồi bà, cô chú, tôi… tất cả ứa nước mắt ký vào bản di chúc của bà - bản di chúc mà tôi chấp bút (vì bà không biết chữ) xác nhận quyền thừa kế cho tôi; và tất nhiên cuối cùng là xác nhận của chính quyền. Từ đó, bà thanh thản lắm!
Rồi cái ngày ấy cũng đến, như lẽ thường ở đời. Tôi đứng ở vị trí của bố tôi, thay cho bố tôi. Bà đi rồi, căn nhà hoang vắng trống trải. Tôi nhìn lên bàn thờ, nhìn lên mái nhà, nhìn ra cổng… tất cả ký ức tuổi thơ, những năm tháng trôi qua như một cuốn phim quay chậm. Tôi chưa thể quen với ý nghĩ đây là ngôi nhà của tôi, là mảnh đất của tôi theo cách sở hữu. Đôi khi tôi cảm thấy quá sức của mình…
Một năm vài ba bận tôi lại trở về, trở về căn nhà ấy. Đó không phải là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nhưng vẫn và mãi mãi là nơi trở về của tôi. Mỗi lần về lại thảng thốt, buồn và xót xa vì những viên ngói vỡ, những cột kèo, khung cửa cứ cũ dần, mọt dần, yếu dần… Cuộc sống nơi thành phố và công việc thì cứ cuốn đi, mải miết, mải miết. 
Tôi cứ đi về phía trước. Căn nhà cũ hơn và như đang lùi lại phía sau… Nhưng đó vẫn là một phần của cuộc sống, cuộc đời tôi, bởi lẽ khi tôi trở về, tôi được chậm lại và lùi lại, để chạm vào quá khứ - không chỉ của riêng tôi. Ở đó tôi nhìn thấy hình bóng cụ tôi, ông bà tôi, bố tôi; thấy ngọn gió quê nhà thổi mãi!
 
 
 Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 1983

Các tin khác