1.
Một bữa, có anh bạn là dân làm gỗ ghé chơi, đề nghị tặng cho một cái bàn, ngay dưới cây dù xanh tự nhiên ấy, giống y như cái bàn có dù ở các quán cà phê, tức là anh ghép hai nửa mặt bàn tròn lại, giữa bàn là một cái ô trống vừa cho thân cây vươn lên tỏa cành.
Người tặng thì thích vì làm được một sản phẩm quá đẹp, quá xứng với cái hoàn mỹ của ngôi nhà. Anh kiến trúc sư chủ nhà cũng thích, vì ý tưởng xanh đã gặp nhau. Ngay chiều ấy, anh đề nghị vợ con dọn cơm ra đó mà ăn. Cũng vui, dù dọn từ bếp ra thì bất tiện hơn bàn cơm trong nhà một chút. Trưa hôm sau, anh hý hửng ở nơi làm việc chạy về, đòi ăn cơm chỗ ấy nữa, vợ anh chiều, nhưng ngồi ăn xem ra hơi… nóng. Mặt trời trực diện xuống, lá bàng kim chưa đủ ken dày để che mát cho cả nhà. Thế là anh quyết định, vậy thì từ nay, sáng anh sẽ cà phê ở đó, chiều cả nhà dùng cơm ở đó. Buổi trưa thì tự do, vì có khi anh không về nhà. Dĩ nhiên là quá hợp tình hợp lý. Nhưng anh tính không bằng… trời tính. Ngay chiều đó, khi đang ngồi ăn cơm vui vẻ, con gái anh chợt hú lên kinh khiếp, vợ anh quáng quàng bỏ chạy, thằng con trai thì cười khành khạch, trước mặt nó, một con sâu nái to hơn chiếc đũa trên lá cây (hay trên trời) vừa rớt cái bạch xuống bàn. May mà không rơi vô tô canh cho nước văng tung tóe chơi…
Anh nói, sau lần đó, anh vẫn cứ muốn ngồi ở đó ăn cơm, nhưng con gái và vợ xem ra bất hợp tác quá nên mất vui. Mà mất vui thì còn gì bữa cơm gia đình. Nên mọi thứ quay về nếp cũ. Buổi sáng cà phê ở cái bàn dù xanh, đôi khi anh thấy mình cũng nhất thiên hạ rồi.
Cái ước muốn thẳm sâu được hòa mình vào thiên nhiên của anh, cũng không có gì khó hiểu, bởi anh vốn là một người ra đi từ miền quê. Anh vào đại học khi quê nhà còn chưa có điện. Nhà thì con đông, chiều nào có thêm anh chị nào dắt chồng con về ngủ chơi thì trước khi trời tắt hẳn nắng chừng 50 phút, là mẹ anh trải chiếu ra giữa sân phơi dọn cơm. Ăn lúc trời còn sáng sủa để sau đó còn dọn dẹp, rửa chén. Những bữa cơm như thế mới thực sự làm ẩm ương ký ức của anh khi nhớ về mẹ. Sân phơi gạch tàu đỏ au sát bên vườn cau. Bữa cơm chiều vui vừa kết thúc thì lũ ve cũng bắt đầu ồn ào náo nhiệt.
Giờ đây, nghĩ tới mâm cơm ngoài sân phơi cho gia đình hơn chục người anh thương mẹ đến tê liệt. Anh nhớ bà không bao giờ bưng nổi nồi cơm, mà phải là người trai trẻ mạnh nhất nhà. Còn thức ăn thì bình dị con cá chiên, rau luộc, măng kho mà sao cứ ngon thần thánh. Anh không cắt nghĩa được vì sao nó ám ảnh anh. Vì không gian hay thời gian? Vì mẹ hay vì sự cơ cực của mẹ? Vì tiếng cười hay vì lũ ve? Vì tất cả còn nguyên đó, vun đầy và chan chứa, chưa sứt mẻ thứ gì?...
Mẹ anh giờ không còn nữa, căn nhà bố mẹ giờ gia đình anh trai anh chăm sóc. Về quê nhiều khi anh cũng kêu con cháu làm mâm nhậu dã chiến giữa sân với ý định vớt vát chút gì hương xưa hồn cũ, nhưng mãi mãi, anh không thể nào tìm lại được cái hương vị và không khí ngày xưa ấy. Anh nhủ lòng, chắc tại mẹ không còn nữa. Mẹ mà còn, thì hình như bàn ăn, chiếu ăn, hay thậm chí cái manh con mẹ trải ra giữa đồng cho cha con anh ăn ngày gặt lúa cũng là một bàn ăn hoàn hảo.
2.
Bàn ăn gia đình là nơi để ăn. Dĩ nhiên và không dừng ở đó. Ấy còn là nơi giao lưu ở tầng nấc sâu hơn một chút cho những thành viên trong mái ấm với nhau. Hôm nay sao trông mẹ không ngon miệng, ba ngày nay sao thấy bố dễ bị nghẹn, Cu Tí nghe lời ai mà dạo này chịu ăn rau… tâm tư và tình cảm coi vậy mà hiện ra hết đó. Không giấu được đâu. Con gái mà đang giận hờn với người yêu ngồi ăn như mèo hửi, không buồn nói chuyện với ai. Ông bố gặp trục trặc trong làm ăn tranh thủ ăn xong rồi đi nằm… bởi vậy, nói bàn ăn chính là trái tim vật chất của mỗi ngôi nhà cũng không quá lời. Ngày gia đình Việt Nam, có năm nhà nước chọn chủ đề là bữa cơm gia đình. Tức là lấy bàn ăn là điểm tựa chứ gì.
Hồi trước, tôi có làm kế toán cho một doanh nghiệp gia đình, thỉnh thoảng buổi trưa ở lại đó ăn cơm. Xin không bàn đến ngành nghề và thành bại của doanh nghiệp, chỉ kể chuyện bữa ăn ở đó mà thôi. Lúc nào cũng vậy, ông bà chủ và cô con gái nhỏ xíu cũng ăn riêng, bàn ghế sang trọng bậc nhất, phòng máy lạnh hẳn hoi. Còn lại khoảng hơn chục “người ăn kẻ ở” thì ăn riêng phía sau. Trong đó, có cả bà mẹ ruột của ông chủ. Không phải ông bạc đãi mẹ mình, nhưng bà tính bình dân, thoải mái nên bà chỉ thích ngồi ở ngoài cho nó… mát (dù ông chủ ra sức lôi mẹ mình vào phòng máy lạnh). Tôi vài lần khiêng cưỡng ngồi ăn cùng ông bà chủ vài lần, sau đó cũng tìm cách “dạt vòm” ra sau nhà ăn với mọi người, bởi ở đây mới vui. Ăn cơm là phải vui. Mồ hôi mồ kê dù có đầm đìa nhưng nghe mấy anh mấy chị lao động chân tay kể chuyện tiếu lâm thì ăn rau đôi khi nghe cũng bổ như ăn… thịt.
Nhiều khi tưởng đùa mà ngẫm ra lại thật, cái anh tếu táo nhất hay tặc lưỡi thương “bà chủ và con nhỏ” phải ngồi ăn trên đó. Nhưng thực sự là thế, có lần cơm xong, ông chủ có việc đi liền, con bé 7 tuổi nhảy bay xuống mâm cơm bình dân dưới này đòi ăn thêm 1 chén nữa, nó nói con biết ba sắp đi nên con ăn nhín nhín để bụng xuống đây ăn… cho đã. Bà nội nó nói, ừa, thằng cha mày nóng tính như quỷ, bữa nào trốn được thì xuống đây ăn với bà, để mẹ mày ăn với nó được rồi. Ngồi ăn với người nóng tính hay rầy rà thì có ngồi phòng máy lạnh có khi cũng không vui. Mà không vui là không ngon, cháu nhỉ.
Kể tới đây, tôi lại nhớ người tiếu lâm của mình cùng một câu chuyện trên bàn ăn của anh. Mà thôi, đó là một câu chuyện rất khác nên xin kể vào dịp… khác.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 115