Cải tạo nhà – không dễ

14/11/2023 - Chuyên đề
Tác giả: Bài HƯƠNG ANH Ảnh HT & tư liệu

Đi trên phố, hay trong ngõ, dễ thấy rất nhiều những tờ quảng cáo sửa chữa, cải tạo nhà dán ở khắp nơi. Hoặc vào trang công cụ tìm kiếm Google, tìm nội dung sửa chữa, cải tạo nhà cũng thấy vô vàn kết quả của những nơi cung cấp dịch vụ này. Rõ ràng đây là một nhu cầu cần thiết và phổ biến đối với nhà ở đô thị. Sửa chữa, cải tạo nhà là chuyện cũ, không mới, nhưng cũng có những vấn đề đáng bàn trong bối cảnh hiện nay.

 

 

 
Cải tạo – việc làm cần thiết
Làm mới, sửa chữa, cải tạo là những mức độ khác nhau chỉ chung những hoạt động thay đổi, chỉnh trang, nâng cấp… các hạng mục công trình nhằm đạt tới giá trị lớn hơn về công năng, thẩm mỹ và kỹ thuật. Dù công trình có thiết kế và thi công tốt thì qua thời gian sử dụng cũng sẽ đến lúc xuống cấp và bất cập trong sử dụng, nên việc cải tạo là cần thiết và không thể tránh. Với công trình nhà ở gia đình, việc sửa chữa, cải tạo là thường thấy vì nhu cầu cuộc sống luôn thay đổi, và công trình nhà ở gia đình quy mô nhỏ, dễ tiến hành làm hơn những công trình công cộng trong các khâu thủ tục và chi phí. Việc làm mới, sửa chữa, cải tạo có thể làm nhân một dịp nào đó, như tết nhất, cưới xin nhưng cũng có thể không cần vào dịp nào cả mà là đã đến lúc phải làm việc đó. Có nhiều lý do để tiến hành việc cải tạo, nhưng tập trung chủ yếu vào các lý do sau:
- Cải tạo công năng: Trong quá trình sinh sống và sử dụng, có nhiều nhu cầu thay đổi và phát sinh, nên cần phải cải tạo. Đó có thể là cần thêm phòng chức năng, thay đổi chức năng phòng, thêm diện tích sử dụng hay thay đổi mục đích sử dụng của các không gian. Ví dụ như tầng trệt đang làm phòng khách thì chuyển thành nơi kinh doanh, phòng ngủ biến thành phòng làm việc... Cũng có khi là sự thay đổi ở yếu tố phong thủy. Ở quy mô lớn hơn, có thể chuyển đổi công năng cả công trình, như nhà ở thành văn phòng, nhà hàng; công trình có cấu trúc nhà ở gia đình thành căn hộ cho thuê... Về quy mô, có thể mở rộng diện tích xây dựng hay nâng cao thêm tầng. Nói chung, việc cải tạo công năng thường thay đổi nhiều thứ, phức tạp và tốn nhiều chi phí xây dựng cũng như thời gian.
- Cải tạo hình thức: Cũng như thời trang, xu hướng, phong cách, hay “mốt” của kiến trúc cũng thay đổi theo thời gian, và cái nhìn về thẩm mỹ của con người cũng thay đổi. Vì thế, có những công trình đến lúc nào đó sẽ bị lạc hậu về thẩm mỹ, và cần cải tạo. Dễ thấy những năm gần đây các xu hướng kiến trúc mới hiện diện và xâm nhập vào đời sống rất nhanh. Bên cạnh đó, qua thời gian có những hạng mục công trình liên quan đến thẩm mỹ xuống cấp, cần tu sửa, cải tạo. Việc cải tạo này có thể ở mức độ nhỏ như sơn lại tường với màu sơn mới, sơn lại những cấu kiện sắt thép, thay cửa với chất liệu mới, hiện đại hơn… và cũng có thể ở mức độ cao hơn như thay đổi cả ở hình khối, đường nét kiến trúc sang một diện mạo mới.
- Cải tạo kỹ thuật: Các hệ thống kỹ thuật trong ngôi nhà có thể đến một lúc nào đó xuống cấp, hoặc không còn phù hợp những nhu cầu sử dụng đã thay đổi, nên cần cải tạo. Đó là các hệ thống điện, nước, điều hòa nhiệt độ… Việc thay đổi này có thể là nâng cấp để tiện dụng, an toàn hơn; cũng có thể là mở rộng theo sự thay đổi của công năng như bổ sung thiết bị, nâng tầng… Ví dụ như có thể lắp thêm hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, pin mặt trời; thay thế, bổ sung các thiết bị trong phòng vệ sinh; thay thế hệ thống chiếu sáng thế hệ mới, thay thế hệ thống điều hòa nhiệt độ hiện đại và kinh tế hơn… Có thể thấy trong những năm gần đây, rất nhiều công trình nhà ở đã cải tạo để lắp bổ sung thang máy - một thiết bị rất có ý nghĩa, tiện dụng trong sinh hoạt và sử dụng. Nếu chuyển đổi chức năng công trình thì việc cải tạo kỹ thuật là điều bắt buộc.
Tuy nhiên, sự phân định các nội dung cải tạo như trên chỉ là tương đối để thấy rõ các phạm vi. Còn trong thực tế, việc cải tạo các nội dung như trên hầu hết là liên quan đến nhau, và đều phải thực hiện cùng lúc trong quá trình thi công cải tạo sửa chữa. Ví dụ như nâng thêm tầng nhà đồng nghĩa với việc vừa cải tạo công năng, vừa cải tạo hình thức công trình; hay lắp thêm thang máy cũng là cải tạo công năng và kỹ thuật. Việc sửa chữa, cải tạo cần đặt trong mối quan hệ chung để có những giải pháp kiến trúc - kỹ thuật phù hợp để tiện lợi cho cả thi công và tiện nghi trong sử dụng.
 

  
    

 

Cải tạo nhà – không dễ
Ai làm nghề thiết kế chắc đều đã từng thiết kế cải tạo, và đều biết rằng cải tạo là không dễ. Bởi nó có những sự ràng buộc, xung đột giữa cái cũ và cái mới, giữa công năng và thẩm mỹ, kỹ thuật. Đặc biệt với những công trình cải tạo mở rộng, nâng tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng thì việc cải tạo càng khó. Cùng với đó là hệ thống kỹ thuật (điện, nước, điều hòa…) thường chôn âm tường, nên khó định vị, xác định chủng loại vật tư, công suất. Nếu không có bản vẽ thiết kế cũ hoặc bản vẽ hoàn công thì việc thiết kế, thi công cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều khi làm đến đâu, biết đến đấy hay vừa thi công vừa khảo sát. Không phải vô lý khi nhiều công ty, đơn vị tư vấn tính giá thiết kế cải tạo công trình cao hơn giá thiết kế xây mới. Bởi ngoài việc khó như đã nói ở trên, còn thêm chi phí khảo sát, đánh giá hiện trạng công trình; tùy quy mô và mức độ cải tạo mà việc khảo sát, đánh giá hiện trạng phải làm ở mức nào. Đây là việc cần thiết và cũng là bắt buộc khi thiết kế cải tạo. Ở mức độ nhỏ, việc cải tạo có thể là xử lý cục bộ những chỗ hỏng, xuống cấp, thay thế một số cấu kiện; ví dụ như sơn lại tường, cấu kiện sắt thép, thay cửa, chống thấm cho tường, mái, thay thế hay lắp thêm thiết bị… Nhưng ở quy mô lớn, cải tạo cả công trình với chức năng mới, hình thức mới thì việc thiết kế cũng như thi công cải tạo rất phức tạp, và liên quan hầu hết tới mọi hạng mục, bộ môn kiến trúc - kỹ thuật; từ phá dỡ, đổ bê tông, xây tường mới, trát, ốp lát, lắp đặt hệ thống điện nước, sơn bả… 
Việc cải tạo có quy mô liên quan tới cả công năng, hình thức, kỹ thuật thì quan trọng nhất là kết cấu công trình, nhất là khi phá dỡ hay nâng tầng. Đây là nội dung phải khảo sát, đánh giá hiện trạng rất kỹ để đảm bảo an toàn cả khi thi công cũng như sử dụng. Nếu công việc này làm ẩu hay sơ sài, chủ quan thì có thể phải trả giá rất đắt, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người và những bên liên quan phải vướng vòng lao lý. Cách đây hơn 10 năm,  ngày 31.3.2011 ở Hà Nội đã có một vụ sập nhà 5 tầng trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa. Công trình bị sập khi đang thi công cải tạo mà nguyên nhân được xác định là đơn vị thi công đã phá dỡ nhầm vào cấu kiện chịu lực của công trình. Và mới đây thôi, ở TP.HCM, ngày 24.9.2023 một vụ sập nhà đã xảy ra trong hẻm đường Bình Quới, quận Bình Thạnh. Công trình 1 trệt 3 lầu bị sập hoàn toàn khi đang thi công sửa chữa cải tạo. Nguyên nhân được xác định là công trình bị lún nghiêng dẫn tới sập. Hai trường hợp này là điển hình, mà nguyên nhân không thể vô can là công tác khảo sát hiện trạng thiếu hoặc không đầy đủ, thấu đáo.
Việc cải tạo công trình còn khó ở công tác thi công. Như bình thường, theo nguyên tắc thì xây từ dưới lên trên, hoàn thiện từ trên xuống dưới; nhưng ở công trình cải tạo thì không như thế, các khu vực cải tạo có thể ở nhiều nơi, nhiều tầng trên công trình, nhiều khi rất vướng và chồng chéo nhau trong quá trình thi công. Bên cạnh đó có những thứ, những hạng mục giữ lại, không thay đổi cần được bảo vệ để không bị phá vỡ, hỏng hóc nên việc thi công phải hết sức thận trọng. Lại có những trường hợp cải tạo nhà nhưng gia đình gia chủ không thể hoặc không muốn chuyển tạm thời đi nơi khác, thì việc thi công công trình và sinh hoạt gia đình rất vướng và “làm phiền” lẫn nhau.
Trong những năm gần đây, cùng với sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật và sự phổ biến thiết bị, công nghệ mới, vật liệu mới, nhiều công trình nhà ở được cải tạo theo hướng hiện đại, tiện nghi hơn. Bên cạnh đó, loại hình nhà ở căn hộ chung cư cao tầng phát triển đã tạo nên một thị trường sửa chữa, cải tạo nhà ở sôi động. Các công trình cũ xây đã lâu, các căn hộ chung cư cũ cũng có nhu cầu thay đổi về hình thức hiện đại hơn, thẩm mỹ hơn. Nhiều nhà ở mặt phố biến thành văn phòng, nhà hàng, quán cà phê… Đó là nhu cầu rất thực của đời sống. Thực tế, nhiều công trình cải tạo rất thành công, từ con vịt xấu xí hóa thành thiên nga. Đó là nhờ những giải pháp thiết kế hợp lý của kiến trúc sư và sự khéo léo, tài tình của những người thợ. Nếu làm khoa học, đúng quy trình, quản lý tốt, thì việc cải tạo công trình sẽ có ý nghĩa kinh tế hơn nhiều so với việc đập đi xây mới; và tất nhiên cũng có ý nghĩa trong việc tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhưng cũng cần nhắc lại: cải tạo không dễ!
 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 209

Các tin khác