Coi chừng chó dữ

15/12/2017 - Điểm đến
Tác giả: Bài Trương Gia Hòa ảnh Leftstudio

Người ở với người, làm ác, làm sai thì có pháp luật trừng trị, hoặc có thể, có lương tâm trừng trị. Nhưng giữa đời thường, người dùng chó để trị người, thì nẻo lương tâm nào cắn rứt đây?

 

 

1Thằng em đi chích ngừa về, nằm bải hoải không đi làm nổi. Ông chú ghé nhà cho nó bịch xoài, vẻ mặt ái ngại nhìn thằng cháu mà không biết phân trần hay xin lỗi ra sao. Nó bị con chó nhà chú cắn, khi vừa chống chân xuống chiếc xe gắn máy.
Nhà chú có treo cái biển “coi chừng chó dữ” ở ngoài cổng rào. Con chó thì chú xích lại ở ngay cửa chính. Sợi dây xích chó dài khoảng hơn 2m, tại bữa đó thằng em chạy xe hơi nhanh, khi dừng lại thì đã nằm trong vòng nguy hiểm có bán kính hơn 2m của con chó rồi. Nó cắn là lẽ đương nhiên. Đâu có trách chú được. Càng đâu thể nào trách… con chó. 
Con chó nằm đó là để cắn người, để giữ của cho chủ. Cú cắn của nó là một sự khẳng định giá trị trung thành, giá trị của một kẻ bảo vệ tuyệt đối. Đó là một chiến công.
Ai quen vào nhà chú thì cửa cổng vẫn mở đó. Cứ bước vào, nhưng làm ơn chỉ đứng ngoài sân. Ai có gì dùng gì, ai có nấy dùng nấy. Bóp kèn, hoặc gọi to. Chú và thím sẽ đi một đường vòng khác, ra dắt khách vô. Dĩ nhiên là không theo cửa chính. Cửa chính là của chó.
Và một chút sơ sẩy sai quy trình, thằng em dính chưởng.
Dính chưởng thì đi chích ngừa. Y học bây giờ phát triển mà, lo gì. Sẽ hơi mệt một tí, tốn kém một tí, mất thời gian một tí. Cộng ba cái một tí lại, thằng em có được một bài học to về sự cảnh giác. Bài học này giá cao hay giá thấp tùy người chiêm nghiệm. Nhưng cũng kể từ đó, cả nhà tôi ngại ghé nhà chú hẳn.
Thực ra, câu chuyện chưa kết thúc như vậy. Mà nó rẽ sang hướng khác khi con chó cắn thằng em được ba ngày, nhà chú mất chiếc xe gắn máy. Hỏi xe dựng ở đâu, ngoài sân à, chú bảo không, xe dựng trong phòng khách. Mọi người nhất loạt ồ lên, ủa con chó đâu? - Thằng trộm nó quăng cho cục thịt quay, con chó sùi bọt mép nằm co quắp ngay cửa chớ đâu! Hiểu rồi hén.

2Trước đây tôi có viết bài Cửa nào ngăn được lòng tham. Đó không phải là một câu hỏi nghiêm túc mà chỉ là một câu hỏi vu vơ mà thôi. Không cánh cửa nào ngăn được lòng tham cả, bởi người gian có đến một ngàn lẻ một cách để đột nhập vào nhà bạn, không cần qua cánh cửa nào. Và qua sự việc con chó nhà chú, thì tôi bổ sung rằng, cộng thêm một con chó dữ ở ngay cửa, cũng không ngăn được lòng tham. Thậm chí, nó còn kích thích lòng tham.
Nhà có chó dữ thường là nhà giàu. Không hiểu sao trong đầu tôi từ bé đến giờ luôn nghĩ vậy. Chắc bởi gia sản nhiều, trộm cướp rình rập suốt ngày nên họ nuôi chó để chúng sợ mà tránh xa. Nhà nào mà nuôi chó bẹc giê thì giàu hơn nữa. Bởi nghe nói nuôi giống đó còn phải cho ăn thịt bò. À, giống như là nhiều tiền, nhiều vàng thì phải có két sắt cho an toàn vậy. Nhưng, một con chó dữ và một cái két sắt lại dường như khác hẳn nhau ở một triết lý nào đó mà tôi gọi tên chưa được.
Làng tôi hồi xưa nghèo (có làng nào mà ngày xưa không nghèo?) bà con lối xóm quê tôi cũng nuôi chó, nhưng toàn chó cỏ hiền ru. Nhà có khách nó sủa lên vài tiếng rồi thôi. Đêm đêm, vài con hứng chí sủa trăng, râm ran một hồi rồi em nào cũng ngủ. Cái thời mà con người còn thiếu cái để ăn thì nuôi chó cũng là một quyết định cần cân nhắc.
Ông nội tôi nuôi một con Ki khi tôi - là con Câu hai tuổi. Nó bé tí, ông đoán là nó đi theo một chiếc xe bò nào đó chở mía về lò đường mà bị rớt lại ngay trước cửa nhà. Thôi coi như là duyên vậy. Người và chó coi vậy chứ cũng cần duyên. 
Vậy là nguyên tuổi thơ của con Câu lớn lên với con Ki lông vàng ấy. Nó hiền khô, suốt ngày luẩn quẩn chơi đùa với mấy đống dăm bào, chẳng có xì căng đan nào xảy ra cả, suốt thời thơ ấu của tôi, tức là suốt cuộc đời của nó. 
Cùng với con Câu, con Ki đã là một thành viên trong nhà suốt 16 năm trời. Khi con Câu vào đại học, thì ở quê nhà, con Ki chết. Vì già. Ba tôi chôn con Ki sau vườn, gần gốc mãng cầu. 
Con Ki ra đi theo quy luật tử sinh, mang theo biết bao kỷ niệm về tình bạn với con Câu. Sau đó, ba tôi cũng không muốn nuôi con Kì, con Kí, con Kị nào nữa cả. Ba tôi nói tuổi đời của chó ngắn hơn của người, nuôi chi rồi thương, rồi nó bỏ đi thì người cũng buồn lòng mấy đoạn.

  


3.  Bây giờ người ta làm clip về những chú chó cưng giúp chủ ra sao, những câu chuyện xúc động về lòng trung thành của chúng cũng hay được chia sẻ với nhau. Chó thực sự dễ thương, thực sự là bạn của con người. Tôi luôn tin như thế. Và mong sao chuyện nuôi chó chỉ nên là như thế mà thôi.
Thực ra thì tôi biết, có những chú chó thực sự tinh khôn, chúng thường được gọi là chó nghiệp vụ, giúp ích hiệu quả trong tìm kiếm và khắc chế tội phạm. Chúng được huấn luyện, chăm sóc để “tác nghiệp” trong những trường hợp con người bất khả. Tội phạm sau khi bị phát hiện, việc trừng phạt, là một câu chuyện khác. 
Người ở với người, làm ác, làm sai thì có pháp luật trừng trị, hoặc có thể, có lương tâm trừng trị. Nhưng giữa đời thường, người dùng chó để trị người, thì nẻo lương tâm nào cắn rứt đây?
Tôi ngẫm ra rồi, mỗi chúng ta, dường như đều có nuôi sẵn một con chó dữ trong mình mà không hề hay biết. Có khi ta vô tình, nói một lời gây sát thương người đối diện. Có khi ta cố ý, bạt tai một đứa vừa hành động chẳng ra gì. Những việc ấy, là của con chó dữ trong ta mà ra. 
Người nóng tính, khẩu xà tâm phật thì con chó dữ ấy hay cắn càn chứ không mang mầm dại. Đau một tí rồi thôi, thậm chí không cần phải chích ngừa. Người khẩu phật tâm xà, tẩm ngẩm tầm ngầm, cúi trên lòn dưới lâu lâu cắn ta một phát, tưởng nhẹ, mà hóa nặng vì con chó của họ đầy mầm ác trong người…
Con chó dữ trong ta, còn có thể là một chứng bệnh mà ta không hay biết. Ta cưng chiều bản thân ta, tức là ta cũng nuôi nấng cái mầm bệnh – chó dữ ấy. Cho đến một ngày, nó bất ngờ quật khởi. Chó cắn chủ là điều vẫn xảy ra. Mầm bệnh bên trong ta một ngày phát tác, khiến đời ta ngắn lại dăm ba năm hoặc thậm chí phải “dừng cuộc chơi” sau dăm lần vào ra bệnh viện.
Vậy mới thấy, cái biển treo “coi chừng chó dữ” hình như ai cũng nên trang bị một cái cho mình. Vâng, ngay trước ngực hoặc sau lưng mình. Chứ không phải để treo ngoài cổng rào, để đe nẹt kẻ trộm hay là xua mấy đứa con nít đi chỗ khác chơi.
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 119

Các tin khác