Cuộc gặp gỡ giữa “không tưởng” và “thực dụng” trong triết lý thiết kế của Bjarke Ingels

25/12/2024 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: THÚY HIỀN

Không để óc sáng tạo bị trói buộc bởi tư tưởng cũ kỹ, tự đưa mình ra khỏi hạn chế của tư duy nhị nguyên, Bjarke Ingels đã xây dựng BIG (Bjarke Ingels Group) như một đế chế trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế kiến trúc. Chính những thiết kế “không tưởng” và “thực dụng” của BIG trên khắp thế giới đã đưa anh trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho sự sáng tạo “bất chấp” khuôn khổ, táo bạo nhưng chắc chắn.

 

Kiến trúc sư 50 tuổi luôn giữ vững những triết lý thiết kế đặc biệt trong từng dự án. Ảnh Guerin Blask
 
Tài năng trong việc kết hợp những điều tưởng chừng không liên quan đã giúp giấc mơ vẽ truyện tranh của Bjarke Ingels thành hiện thực. Ảnh Big.dk
 
Cậu bé thích vẽ trở thành nhà sáng lập văn phòng kiến trúc quy mô toàn cầu
Bjarke Ingels sinh năm 1974 tại Copenhagen, Đan Mạch. Từ nhỏ, anh đã bộc lộ tài năng vẽ cùng những ý tưởng siêu hình. Sau khi đạt giải nhất cuộc thi vẽ với bức máy bay siêu thanh Concorde, anh nuôi giấc mơ trở thành tác giả truyện tranh. Nhưng đến năm 18 tuổi, khi tiếp cận với kiến trúc, những sáng tạo không tưởng gặp được môi trường lý tưởng, anh tìm thấy cách mới mẻ và triển vọng hơn để thể hiện thế giới sống động trong mình. 
Sau 5 năm học kiến trúc, Bjarke Ingels dành 3 năm để làm việc với người thầy nổi tiếng Rem Koolhaas và có được những kinh nghiệm nhất định trong quy hoạch đô thị. Quá trình học việc kết hợp với những trải nghiệm thực tế tại mô hình sinh thái của Copenhagen là nền tảng để Bjarke Ingels xây dựng nên triết lý thiết kế của mình sau này: Trong những dự án của anh, từ khi sáng lập BIG tới hiện tại đều được quy hoạch để linh hoạt với sự phát triển của đô thị và tối ưu trải nghiệm người dùng.  
 
Via 57 West là sự kết hợp kiến trúc châu Âu với sân trong và các tòa nhà cao tầng ở New York, theo các góc nhìn khác nhau sẽ cho ra những cảm nhận khác nhau. Ảnh Nic Lehoux
 

Biến trò chơi thành sự thật, LEGO Brand House là sự thể hiện theo đúng nghĩa đen về khả năng vô tận của những viên gạch LEGO. Ảnh Iwan Baan
 
Đương nhiên, không thể phủ nhận rằng chính tư duy quyết liệt đi tìm cái mới của Bjarke Ingels mới là yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công cho anh. BIG từ một công ty gia đình nhỏ năm 2005 đến nay vươn lên trở thành một tập đoàn quốc tế với 700 nhân viên và 7 văn phòng trên khắp thế giới: Copenhagen, New York, London, Barcelona, Thâm Quyến, Los Angeles và Oslo. 
Tính đến thời điểm hiện tại, Bjarke Ingels đã hoàn thành hơn 60 tòa nhà tại hơn 10 quốc gia. Bên cạnh vai trò là một kiến trúc sư anh còn là diễn giả và tác giả sách. “Yes is More” - tác phẩm đầu tiên của anh được ra mắt năm 2009, là cuốn truyện tranh về những triết lý thiết kế và cách Bjarke Ingels tiếp cận kiến trúc để kiến tạo 30 công trình kiến trúc ấn tượng.
 
Bảo tàng trưng bày The Twist như một tác phẩm điêu khắc bắc ngang qua sông. Ảnh Laurian Ghinitoiu
 
Bảo tàng Tirpitz ẩn mình dưới cát là cách Bjarke Ingels bảo tồn di tích từ chiến tranh Thế giới thứ hai. Ảnh Laurian Ghinitoiu
 
Triết lý không tưởng thực dụng và quan điểm kiến trúc là nghề thủ công tạo ra thế giới
Chủ nghĩa không tưởng thực dụng của Bjarke Ingels là thái độ cởi mở đối với những ý tưởng mới, cách tiếp cận độc đáo và thiết kế mang tính thử nghiệm. Bjarke Ingels khuyến khích các kiến trúc sư khám phá những khả năng mới của kiến trúc bằng cách vượt ra khỏi lối mòn tư duy.
Với khả năng kết hợp nhuần nhuyễn tính thực tế với ý tưởng hư cấu của Bjarke Ingels, kiến trúc không chỉ mang chức năng nguyên thủy mà đã trở thành công cụ để định hình nhiều thay đổi tích cực, đồng thời tạo ra vô số không gian đầy cảm hứng cho con người. Bjarke Ingels ví kiến trúc giống như một nghề thủ công và việc của nó là nhào nặn thế giới: “Chuyển đổi tất cả các cấu trúc phi vật chất của xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị thành các cấu trúc vật lý”.
Nhà tắm công cộng cảng Copenhagen giống như một cảng nước cho tàu thuyền neo đậu với các ụ tàu, cần cẩu, cầu phao... tiếp biến những chức năng vốn có của khu công nghiệp trở thành nơi con người thực hiện các hoạt động nâng cao sức khỏe. Ảnh Big.dk

Bjarke Ingels đã nhào nặn nhiều giấc mơ thành sự thật, giữa không tưởng và thực dụng. Các tác phẩm của Bjarke Ingels đều đã trở thành biểu tượng của vùng đất mà nó hiện diện. Như Bảo tàng Tirpitz (Brabrand, Đan Mạch) được thiết kế bằng cách tạc những lối dẫn ẩn trong cồn cát, hay khu dân cư phức hợp Via 57 West (New York, Hoa Kỳ) hiện diện lấp lánh như kim tự tháp đá quý bên bờ sông Hudson. Hay như cách tòa chung cư cao cấp Vancouver (Canada) thách thức trọng lực, ngôi nhà Lego (Billund, Đan Mạch) biến Billund trở thành thủ đô của trẻ em; phòng trưng bày điêu khắc The Twist (Jevnaker, Na Uy) khiến bất cứ khách tham quan nào cũng phải trầm trồ…
 
“Các tòa nhà nên đối thoại với môi trường và khí hậu địa phương để trở nên phù hợp với cuộc sống của con người”. The Mountain Dwellings (Copenhagen, Đan Mạch) như một khu phố ngoại ô với những khu vườn đón nắng trên mái chạy xuyên suốt tòa nhà 10 tầng. Ảnh Maria Gonzalez
 
“Yes is more”, phát triển ý niệm mới về tính bền vững 
Tính bền vững vốn luôn có sẵn trong mỗi dự án của Bjarke Ingels. Năm 2003, sau dự án Copenhagen Harbour Baths, tính bền vững trở thành trọng tâm trong triết lý thiết kế của Bjarke Ingels. Anh cho rằng tiêu chuẩn trong thiết kế không còn là tỷ lệ vàng mà là 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Từ nguyên tắc chung, kiến trúc sư có thể đưa ra những giải pháp đa chiều và mang tới các kết quả bất ngờ không giới hạn.
Nhà tắm công cộng cảng Copenhagen giống như một cảng nước cho tàu thuyền neo đậu với các ụ tàu, cần cẩu, cầu phao... tiếp biến những chức năng vốn có của khu công nghiệp trở thành nơi con người thực hiện các hoạt động nâng cao sức khỏe. 
Cách tiếp cận này của Bjarke Ingels đã xóa bỏ định kiến rằng bền vững sẽ đi kèm với sự hạn chế. Thay vì suy nghĩ làm thế nào để kiến trúc tồn tại trong môi trường thì Bjarke Ingels xem xét cách kiến trúc có thể mang lại lợi ích cho trái đất mà không làm xáo trộn cuộc sống. Bên cạnh khả năng đột phá của ý tưởng, anh đào sâu vào các giải pháp thiết kế mới. 
 
Các tấm pin quang điện “Dragonscale” của Google Bay View chứng minh rằng các tấm pin mặt trời có thể là một lớp mái đẹp xuất sắc. Ảnh Iwan Baan
 

CopenHill Energy Plant - Copenhagen, Đan Mạch với sân trượt và bức tường leo núi cao nhất thế giới đã chứng minh một nhà máy chuyển đổi chất thải có thể làm nhiều hơn nữa. Ảnh Dragoer Luftfoto
 
Vẫn là triết lý “không tưởng”, Bjarke Ingels muốn kiến trúc không chỉ giải quyết các thách thức ở hiện tại mà còn phải giảm thiểu những nguy cơ trong tương lai, thậm chí kiến tạo một hệ sinh thái mới. Bằng sự giao thoa của công nghệ với tài nguyên xây dựng tại chỗ, các hình thức xây dựng mới sẽ là điểm mấu chốt trong kế hoạch. Một trong những dự án tham vọng đó có Olympus, nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ in 3D ICON để tạo ra nơi định cư trên mặt trăng.
Có thể nói cuộc gặp gỡ của “không tưởng” và “thực dụng” là cơ duyên cho sự bền vững, trở thành kim chỉ nam trong triết lý thiết kế của của Bjarke Ingels. Lèo lái BIG trở thành công ty kiến trúc hàng đầu và đưa dấu ấn vươn tới mặt trăng, Bjarke Ingels xứng đáng trở thành một trong những nhà thiết kế có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới mà tạp chí Time vinh danh.
 
Olympus được đồng thực hiện với SEArch+ và NASA, sử dụng công nghệ in 3D ICON để tạo ra hình thức xây dựng mới bằng nguyên liệu bụi mặt trăng. Ảnh Bic.dk
 
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ 222

Các tin khác