1. Lại một mùa cưới nữa đến. Hễ cuối năm là người ta lại hồ hởi cưới nhau hoặc phải cưới nhau… cho xong. Giống như việc gì làm được hôm nay chớ để lại ngày mai, huống gì việc cưới. Hoãn đến sang năm có khi cô dâu chẳng còn là cô dâu ấy, hoãn đến tháng sau thôi thì biết đâu, chú rể tưởng là anh chàng quê gốc miền Tây lại đổi thành một Việt kiều mới quen hai tuần nào đấy.
Cưới, à giống như để… giữ nguyên hiện trường. Ngay lúc này đây, tôi yêu em, ta yêu nhau và chúng tôi muốn chốt lại tình yêu này cho đến cuối đời. Cưới xong là không đổi thay, cưới xong là mọi thứ an bài, là trong nhờ đục chịu vân vân. Bởi vậy, nghi thức cưới, từ thuở xa xưa đã là một nghi thức quan trọng của đời người.
Trong sách Nghi lễ đời người, (các tác giả Lê Trung Vũ – Lưu Kiếm Thanh – Nguyễn Hồng Dương; Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc), nghi thức dẫn cô dâu vào phòng đã được hướng dẫn khá chi tiết như sau:
“Yết gia tiên xong, chào bố mẹ chồng và họ hàng bên nội rồi, ông cầm hương (gọi như vậy, nhưng lúc này trong tay ông không còn hương nữa) dẫn cô dâu chú rể vào buồng riêng, tức buồng cưới. Chiếu chưa trải gấp gọn ở đầu giường, ông mở chiếu, rải thật khéo, phẳng phiu, không được xô lệch “tịch bất chính, bất ngọa” (chiếu không thẳng, không nằm). Vì vậy phải là chiếu mới, mới trải phẳng được. Ông cầm hương làm việc này có nghĩa ban phúc lộc cho đôi vợ chồng trẻ.
Một cái án (nhỏ) đặt giữa buồng, trên bày rượu và các món ăn. Ông đốt hương án, rót rượu ra một cái chén, xẻ vào hai chén, đưa cho cô dâu chú rể. Ông lui ra, khép cửa buồng lại. Người vợ đứng phía đông, người chồng đứng phía tây, cùng vái chào nhau, cùng nhấp rượu, rồi bê mâm thức ăn ra giường ăn chung. Đó là lễ hợp cẩn và là bữa cơm đầu tiên của hai vợ chồng ngồi chung một mâm”.
2. Tôi nhớ bữa đó, anh trai tôi chặc lưỡi, thôi ba má khỏi lo, tụi con thuê khách sạn làm hết rồi. Cô tôi chưng hửng mất mấy giây, rồi định thần lại, cương nghị nói anh phải xin ý kiến của dượng về việc này.
Đây không phải là lần đầu tiên cô thấy hẫng. Cái hẫng đầu tiên khi anh tôi tuyên bố gom hết lễ dạm ngõ, lễ nói, lễ hỏi, lễ cưới vào làm một. Dù vậy, cô dượng tôi chấp nhận vì hiểu cô con dâu của mình không có thời gian. Rồi đợi lúc vắng người, cô mở tủ lấy ra đôi bông tai vàng y hình bông mai đưa anh xem.
Cô tôi có năm anh con trai và hai chị gái. Việc nuôi nấng họ dĩ nhiên là đâu mấy dễ dàng. Nuôi ăn, nuôi học, rồi lo dựng vợ gả chồng. Ngoài làm ruộng cùng dượng, cô tôi còn nuôi thêm heo. Mỗi lần phá bầy heo (*), cô tôi lại nhín ra một ít để mua vàng cất, khi thì đôi bông tai, khi thì sợi dây chuyền, khá hơn là cái kiềng đeo cổ… Nhờ nuôi heo, cô tôi cứ thủng thẳng cưới vợ gả chồng cho hết 6 đứa con, giờ còn lại mỗi anh là con trai út. Cô dâu mới là Việt kiều anh quen đâu trên mạng. Cô tôi hiểu về mạng rất lờ mờ, nhưng với cô, quen đâu cũng được, miễn chúng nó thương nhau. Khác với 6 lần trước, nhà cửa những ngày cận cưới luôn nhộn nhạo rạo rực. Nhưng lần này sao cô cứ thấy buồn buồn. Mọi thứ sao cứ khác những gì cô dượng tôi trù tính. Không đãi tiệc ở nhà, chuyện ăn uống giao hết cho nhà hàng. Ở nhà chỉ làm lễ gia tiên nên sự cực nhọc vơi đi hơn nửa. Khác với những lo toan cô đã dành cho 6 đứa con kia…
Hễ chuẩn bị cưới dâu là cô tôi sắm một đôi chiếu mới, một cặp gối mới, một cái chăn mới để chuẩn bị phòng cưới cho con mình. Rồi cái đêm trước ngày rước dâu, cô là người dọn phòng, sắp đặt. Những việc này phụ nữ quê tôi làm như một chức phận truyền đời. Mẹ chồng luôn là người chuẩn bị phòng cưới. Tấm lòng của một người mẹ và mong muốn con mình hạnh phúc sẽ khiến họ làm chuyện này cẩn trọng và đầy thương yêu.
Cô nói cô biết tục xưa thì phải thế nào và cô đủ phóng khoáng để vừa giữ vừa bỏ cho vừa vặn với thực tại mà vẫn đủ nghiêm cẩn. Phòng cưới ở nhà có thể không lộng lẫy, không lãng mạn như ở khách sạn. Nhưng cô tin nó ấm vì nó được vun vén. Cặp đôi đó sẽ hạnh phúc viên mãn vì được thương yêu và chăm chút từ nơi gọi là mái ấm.
Nhưng giờ thì anh nói đã có khách sạn lo. Cú hẫng (tưởng là) cuối cùng khiến cô dượng tôi quyết không nhân nhượng nữa. Gì thì gì, thằng út và vợ nó phải có đêm tân hôn ở nhà. Cuộc chiến tưởng sẽ khó khăn ai ngờ cô dượng tôi chiến thắng quá dễ dàng. Sau vài câu mào đầu, anh đồng ý đêm đầu tiên sẽ ngủ ở nhà. Ngay cái phòng mà các anh lớn đã trải qua đêm tân hôn. Cô tôi vui lắm. Hôm sau, đôi vợ chồng son đi du lịch trăng mật. Anh con trai áp út ghé chơi, nghe mẹ kể lại “chiến công”, đêm tân hôn của thằng út cuối cùng là ở nhà chứ không phải khách sạn. Anh này cười cái khạch, má khéo lo, tụi nó làm đêm tân hôn khi con nhỏ mới về nước, trước ngày đám cưới ba tuần kìa!
Cô tôi thở dài, kiểu này thì không biết cái nào mới là cái hẫng cuối cùng.
(*) Người ta nuôi heo nái để đẻ con, heo con khoảng một tháng tuổi thì bán đi, chuẩn bị dưỡng sức cho heo mẹ đẻ lứa sau. Ngày bán heo con gọi là ngày phá bầy.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 114