1.
Điêu khắc từ xưa vẫn được xếp trong nhóm thứ nhất – nhóm nghệ thuật tĩnh – cùng với kiến trúc và hội họa (trong 7 môn nghệ thuật kinh điển), và có những liên quan nhất định. Nhưng xem ra quá trình sáng tạo tác phẩm thì có khác rất nhiều. Một trong những điều khác biệt ấy chính là sự vất vả – theo đúng nghĩa đen – của người làm điêu khắc. Nhà điêu khắc phải “lăn lưng” vào để tạo nên tác phẩm hoàn thiện, vất vả – nhọc nhằn hơn nhiều so với họa s hoàn thành một tác phẩm hội họa, hay như kiến trúc sư chỉ thực hiện trên bản vẽ. Điêu khắc cũng là bộ môn nghệ thuật cho ra đời tác phẩm ít nhất, chắt lọc nhất; so với kiến trúc, hội họa, hay cả văn chương, thi ca, nghệ thuật biểu diễn. Điêu khắc là ngành kén người. Cũng thật dễ hiểu vì sao trong giới điêu khắc rất hiếm những gương mặt, những bóng dáng phụ nữ…
Vậy mà có một người phụ nữ Việt Nam, một nữ điêu khắc gia đã rạng danh ở châu Âu và trên thế giới, là tên tuổi lớn trong nền điêu khắc thế giới, được vinh danh là tài năng lớn trong nghệ thuật thế kỷ XX trong Từ điển Larousse. Đó lại là một người phụ nữ rất… phụ nữ – từ cái tên và vóc dáng, đến từ miền đất đầy dịu dàng thơ mộng – cố đô Huế. Người phụ nữ ấy là nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị tại Paris – 1967 (Ảnh tư liệu)
2.
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đến với nghệ thuật điêu khắc khá muộn (ở tuổi 40). Khó có thể lý giải vì sao một người phụ nữ đang hành nghề y với danh vị nghề nghiệp cao quý (tiến sĩ nha khoa) lại đến với điêu khắc và dấn thân cùng điêu khắc. Và trước khi học nghề trong xưởng của nhà điêu khắc Volti, bà chưa qua một trường mỹ thuật kinh viện nào. Càng khó lý giải về ngôn ngữ điêu khắc và những tác phẩm điêu khắc của bà. Với điêu khắc của Điềm Phùng Thị, chỉ có thể nói: hãy cảm hơn là hiểu.
Điều khác biệt nhất, đặc sắc nhất, và kỳ diệu nhất trong điêu khắc của Điềm Phùng Thị là 7 modules do bà sáng tạo nên. Đó là chìa khóa mở ra mọi cánh cửa; đó là những chất liệu đơn giản mà bí ẩn, có sức mạnh, có khả năng biến hóa và sáng tạo nên vạn vật hữu hình từ những ý tưởng sáng tạo vô hình. Những modules này xuất phát từ những mẩu vật liệu thừa trong xưởng điêu khắc thực hành, được bà gom nhặt và gọt giũa; ban đầu là 10 mẫu, sau rút lại còn 7 mẫu. Bà gọi đó là 7 ký hiệu (signs). Nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi là 7 mẫu tự, còn giáo sư – nhạc sĩ
Trần Văn Khê thì gọi là 7 nốt nhạc. Có người gọi đấy là 7 sắc cầu vồng, có người lại gọi là số 7 của nhà Phật… Dù có gọi bằng tên gì, thì 7 modules ấy – được lắp ghép và biến tấu – đã tạo nên một ngôn ngữ điêu khắc mang tên Điềm Phùng Thị – một thế giới điêu khắc kỳ lạ và kỳ diệu. Người ta có thể nhận thấy thứ ngôn ngữ ấy vừa sang trọng, lại vừa giản dị; vừa khỏe khoắn lại vừa mềm mại; vừa hiện đại kiểu phương Tây nhưng cũng vẫn thấm đẫm chất Đông phương và sâu lắng hồn dân tộc Việt. Từ cuộc triển lãm đầu tiên đầy ấn tượng năm 1966 ở Paris, cho tới những năm tháng cuối đời, bà lặng lẽ và bền bỉ đi theo con đường của riêng mình, tạo dựng nên thế giới điêu khắc của riêng mình. Nhiều người đã ví Điềm Phùng Thị như là “chiếc cầu nối Đông Tây trong một cuộc hội thoại siêu ngôn ngữ”.
Điêu khắc của Điềm Phùng Thị như chất chứa sâu thẳm những nỗi niềm, những suy tư và ẩn ức; như chính cuộc đời bà; thế nhưng với bao nhiêu con chữ từ bảng chữ cái gần 30 ký tự, cũng không thể nào nói hết được về những hình khối sắp xếp từ 7 ký tự kỳ diệu kia.
Không gian bên trong nhà trưng bày
3. Tôi có cảm giác áy náy khi đến thăm Nhà lưu niệm tác phẩm Điềm Phùng Thị, bởi đó không phải là điểm đến thăm sớm của tôi trong những lần đến Huế – mặc dù công trình nằm ngay trung tâm thành phố. Có thể tôi đã mải mê với những đền đài thành quách, những khung cảnh thơ mộng khác ở xứ thần kinh.
Nếu so sánh với 38 tượng đài của bà được dựng ở khắp nước Pháp và hàng chục cuộc triển lãm tiếng tăm ở nhiều nước châu Âu, châu Á, sự vinh danh lớn lao mà thế giới đã dành cho bà, thì dường như nhà lưu niệm này có vẻ thật khiêm nhường so với tác giả. Nhưng đó cũng là một sự logic – theo cá nhân tôi. Một người phụ nữ hàng chục năm sống ở nước ngoài, trong thành đạt và danh vọng; thế nhưng cuối đời vẫn trở về với Tổ quốc, với đất mẹ, với quê hương. Một người được coi là “công dân thế giới” lại trở về thành một người phụ nữ nhỏ nhắn, dịu dàng xứ Huế, như muôn đời vẫn vậy. Nói về tác phẩm của bà hay sự đóng góp, ảnh hưởng của bà đối với nền điêu khắc thế giới, điêu khắc Việt Nam hẳn còn là câu chuyện dài. Nhưng câu chuyện của cuộc đời bà, mà hình như được ghi khắc, ẩn giấu trong những tác phẩm đặt ở nhà trưng bày khiến tôi kính trọng và cay mắt.
Có thể rất không hợp lý khi đang nói về nghệ thuật điêu khắc mà lại nói sang chuyện khác. Nhưng nó sẽ hoàn toàn hợp lý nếu như kể câu chuyện đó ở trong nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị ở Huế. Nơi đó là không gian cuối cùng của bà cùng người bạn đời ngót nửa thế kỷ bên nhau – ông Nguyễn Phúc Bửu Điềm. Tên ông được bà lấy để đặt cho nghệ danh điêu khắc của mình. Hai người đã cùng sống, cùng sẻ chia, cùng trở về và cùng vĩnh viễn nằm bên nhau ở mảnh đất quê hương. Bà thiết kế mộ phần cho chồng và cho chính mình – ra đi sau ông 5 năm. Họ không có con… Mối tình đẹp và thủy chung ấy cũng giản dị và rất thực. Và điều cảm động nữa, dường như cảm nhận về chuyến đi xa của mình, trước khi mất không lâu, bà đã hiến tặng toàn bộ tác phẩm nghệ thuật của mình cho thành phố Huế, để hôm nay Huế có một địa chỉ văn hóa đặc sắc hòa cùng những giá trị văn hóa – di sản cố đô, tôn vinh nhau và cùng tỏa sáng.
“Khi sáng tác, tôi đã đau khổ, đã hạnh phúc. Tác phẩm đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa. Tôi trao lại các bạn, hoặc đúng hơn, nói theo cách của Bissière, tôi trao tôi cho các bạn…” (Điềm Phùng Thị).
Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, số 1 Phan Bội Châu, TP Huế
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc, sinh năm 1920 tại làng Châu Ê, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế; mồ côi mẹ từ năm 3 tuổi và theo cha sống ở Tây Nguyên 9 năm mới về Huế học tiểu học.
Năm 1946, tốt nghiệp nha khoa tại trường Đại học Y khoa Hà Nội, khóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó bà đi theo kháng chiến phục vụ trong ngành y dược.
Năm 1948, bị bệnh và được đưa sang Pháp điều trị, tiếp tục theo học và nghiên cứu nha khoa, hành nghề nha sĩ. Năm 1953 kết hôn cùng người đồng nghiệp, đồng hương là nha sĩ Bửu Điềm; cùng nghiên cứu và trình luận án tiến sĩ nha khoa với đề tài “Tục ăn trầu”.
Năm 1959 – 1961 bắt đầu đến với nghệ thuật điêu khắc, và vẫn hành nghề nha sĩ. Năm 1966 triển lãm đầu tiên tại Paris, thời gian sau này bà chuyên tâm sáng tác điêu khắc. Tổ chức nhiều triển lãm chung và riêng ở Pháp và châu Âu
Năm 1978 triển lãm tại Trung tâm Mỹ thuật Hà Nội và Huế. Đây là triển lãm nghệ thuật đương đại và trừu tượng đầu tiên ở Việt Nam sau 1975
Năm 1991 bà được vinh danh – trở thành mục từ trong cuốn Từ điển Larousse – Nghệ thuật thế kỷ XX: Từ điển về hội hoạ và điêu khắc (NXB Larousse thực hiện và ấn hành). Năm 1992, bà được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật, khoa học, văn chương châu Âu.
Tháng 12.1992 bà cùng chồng về Việt Nam sống và làm việc tại thành phố Huế quê hương.
Ngày 25.2.1994, khánh thành Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại địa chỉ số 1, Phan Bội Châu, TP Huế. Đây cũng là nơi ông bà sống đến cuối đời.
Ngày 29.1.2002 nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị qua đời tại thành phố Huế. Trước khi mất bà hiến tặng toàn bộ di sản nghệ thuật cho nhân dân thành phố Huế quê hương.
Một số tác phẩm tiêu biểu
Tác phẩm “Thẹn thùng” (chất liệu thạch cao – 1966)
7 mẫu tự – ngôn ngữ điêu khắc của Điềm Phùng Thị
Tác phẩm “Xiếc IV” (chất liệu nhựa tổng hợp – 1971)
Tác phẩm “Trông chồng” (chất liệu thạch cao – 1966)
Tác phẩm “Phật từ bi” (chất liệu đất nung – 1966)
Tác phẩm “Hân hoan” (chất liệu xi măng), được đặt trước cửa trong khuôn viên nhà trưng bày
Tác phẩm “Cha tôi” (chất liệu xi măng)
Tác phẩm “Im lặng” (chất liệu gỗ, 1988 – 1993)
Tác phẩm “Thủy thần” (chất liệu đồng)
Tác phẩm “Tượng đài vươn cao” (chất liệu nhôm – 1986)
Tác phẩm “Cha con” (chất liệu nhôm – 1978)
Bài và ảnh Hà Thành
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 108