Giữa những tường vây

15/11/2017 - Điểm đến

Bức tường giá mà chỉ đơn giản cho người ta tựa lưng vào đó, để ôm ghì người yêu rồi hôn nhau ngấu nghiến, thì còn gì để nói.

 

 

 

1Bất ngờ bạn đổ bệnh, một chứng bệnh lạ lùng khiến bạn không thể mở mắt ra được. Cứ như trong một cái bồn quay của xe trộn bê tông. À không, gần gũi hơn, bạn thấy như căn phòng mình đang ở đã biến thành cái máy giặt. Nó xoáy trộn liên hồi, nó nhào nặn, nó cấu bóp đầu óc lẫn ngũ tạng. Nếu bạn mở mắt, bao nhiêu thứ trong bao tử, sẽ tuôn ra hết, tuôn theo chiều thẳng đứng mới diệu kỳ, như thể nhạc nước dưới mặt đường phun lên.
Bác sĩ bảo nằm im, nhắm mắt. Và chịu trận.
Sẽ rất chậm hồi phục vì bạn suy nhược hơn người. Và chịu khó lắng nghe!
Ông bác sĩ này sáng nào bạn uống cà phê cũng gặp. Cái bệnh viện này thực chất là cái phòng khám nhỏ như cái trạm xá mà sáng nào bạn cũng cà phê bên hông của nó. Sáng nào cái ghế quen của bạn cũng tựa lưng vào bức tường bệnh viện, cao hơn đầu người là cái cửa sổ, luôn luôn đóng kín. 
Bạn dám cá, gần hết số khách của quán cà phê này chẳng mảy may nghĩ gì về bức tường sau lưng mình, bên trong khung cửa sổ sau lưng mình là thế giới ra sao. Bởi trước mắt họ, là con đường nội bộ cây xanh mát rượi. Người người qua lạ thảnh thơi, khách uống cà phê luôn đưa ra những đề tài hấp dẫn… để nghe lén!
Uống cà phê ở đó mấy năm nay rồi, bạn cũng vậy, mắt hướng về phía trước, nhìn những chuyển động và lên những kế hoạch. Ngồi ở góc cà phê sáng ấy, không có mấy ai nghĩ về hậu sự hay hậu cảnh đâu.
Cho đến khi nằm nhắm mắt lặng im trong bệnh viện, phía sau bức tường quen thuộc ấy. Lỗ tai dỏng ra bên ngoài cửa sổ. Cách một bức tường, bạn như nghe những lời của chính mình trong ngày khỏe mạnh, lời của chính mình trong những ngày thường… mà thấy xa xôi quá thể.
Bạn lắng nghe những câu chuyện xôn xao, biết cuộc sống ngoài kia đang trôi, ngoài tầm với. Như một dòng sông quê mình, không hối hả nhưng cũng chẳng vội vàng. Và, lần đầu tiên trong đời, bạn cảm nhận giá trị sâu hơn của một bức tường!
Bạn nằm bên trong 4 bức tường, như lùi lại một khoảng, với cuộc đời ngoài kia. Thậm chí, nếu bạn mở mắt, bốn bức tường sẽ lập tức xoay chuyển. Không có không gian, không còn thời gian.
Trong quan hệ giữa người với người, trước những rạn nứt, đổ vỡ người ta thường nói đã có một hố sâu ngăn cách. Nhưng người ta cũng nói, một bức tường quá lớn đã được dựng lên!
Cửa thì có thể mở chứ tường thì bó tay. Gặp một bức tường, là buộc phải quay đầu, chứ không thì chuẩn bị bông băng cho tình huống u đầu mẻ trán.
Tự nhiên bạn nhớ bức tường nhà anh Hồng.

 

2Bố anh Hồng là một đại tá công an, ông đã lập bao nhiêu chiến công từ trước ngày hòa bình. Ông được nhà nước cấp cho một căn nhà có bề ngang 6 mét, dài 25m. Nhà mặt tiền hẻm cụt. Anh Hồng có một người em tên là Quân, hai anh em Hồng - Quân đã trải qua một tuổi thơ đầm ấm, vui vẻ trong con hẻm cụt đó. 
Nhưng đùng một cái, nhà nước quy hoạch, giải tỏa trắng ba bốn căn nhà trong cùng, hẻm thông ra một con đường lớn khác. Sau đó ít lâu, hẻm được nâng cấp thành đường, có tên hẳn hoi (nhưng dân cư trong hẻm không ai biết nhân vật được đặt tên ấy là ai, có chiến công gì). Vậy là nhà anh Hồng sau khi bị xén mất 4m chiều dài, trở thành nhà mặt tiền ngon lành. Giá nhà tăng lên gấp chục lần so với thời còn là hẻm cụt.
Dù biết giá nhà đã lên rất cao, cũng không có nhu cầu mua bán gì và sự yên tĩnh đặc trưng của hẻm cụt đã không còn nữa nhưng bố anh Hồng nhất định không bán đi khi có người hỏi mua. Ông nói đây là ngôi nhà kỷ niệm của gia đình, là nơi hai anh em Hồng - Quân đã lớn lên nên giá nào cũng giữ lại. Sau cuộc giải tỏa cắt xén, cả nhà dồn sức xây lại thành 4 tấm. Ông nói vui, hai thằng Hồng - Quân lấy vợ, mỗi thằng một tầng, vợ chồng già của ông một tầng, còn tầng trệt thì dùng chung. Gia cảnh sum vầy ai cũng ước mơ.
Nhưng không, sau khi hai anh em Hồng - Quân lấy vợ, bốn đứa cháu nội lần lượt ra đời thì xáo trộn mỗi ngày một căng thẳng. Hai bà con dâu bà nào cũng muốn giành lấy mặt tiền làm nơi mua bán, làm ăn. Những tị nạnh giữa trách nhiệm và quyền lợi đạt đến đỉnh điểm, ba anh Hồng đắng cay chấp nhận chia nhà ra làm hai, bằng một bức tường.
Bố anh Hồng ở với gia đình anh, còn mẹ anh thì đã mất trước đó ba năm.
Vậy là từ một khối kiến trúc đẹp đẽ của một căn nhà phố hoàn chỉnh, giờ thành hai căn nhà có bề ngang 3 mét, dài 20 mét. 
Bạn vừa đi đám tang bố anh Hồng về. Quan tài của ông nằm ở… ngoài sân. Vì phía trong nhà đã chia đôi ra rồi, quan tài đặt ở nhà nào cũng hẹp, lệch và… không tiện.
Từ đám tang ra về, bạn cứ luẩn quẩn nghĩ về những bức tường và sự chia cách khốc liệt mà nó mang đến.
Con người đã dựng lên biết bao bức tường trên toàn thế giới. Xấu tốt đúng sai lịch sử sẽ phán xét. Có những bức tường mà lịch sử của nó gắn liến với lịch sử của đất nước. Ở nơi này, một bức tường mới được dựng lên, khắc sâu những tranh chấp và nguy cơ chiến tranh tàn khốc. Ở nơi kia, hàng triệu người reo mừng khi một bức tường được đập bỏ.
Năm 2014, nhân kỷ niệm 25 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, một “bức tường” gồm 8.000 quả bóng màu trắng phát sáng đã được dựng lên dọc theo biên giới cũ giữa đông và tây Đức.
Bức tường này thực chất là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có tên gọi là Biên giới ánh sáng của hai tác giả Marc Bauder và Christopher Bauder. Sau sự kiện, các quả bóng sẽ được cắt dây và bay lên không trung, và bức tường biến mất, giống như sự biến mất của Bức tường Berlin.
Bức tường, hầu hết đều không thể bay lên và tự tan biến được (trừ khi nó là sản phẩm sắp đặt nghệ thuật). 
Giữa những tường vây, con người càng trở nên hẹp hòi hay phóng khoáng, bạn ứ biết. Nhưng để đập phá những bức tường, bạn biết là luôn nhọc nhằn hơn việc dựng lên rất nhiều.

Bài Trương Gia Hòa minh họa Leftstudio

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 109

Các tin khác