GS.TS Trần Văn Khê với câu chuyện kiến trúc và âm nhạc

11/1/2025 - Chuyên đề
Tác giả: GS.TS TRẦN VĂN KHÊ Ảnh LÊ NGỌC HÂN

LTS: Thư gửi các kiến trúc sư dưới đây được trích từ bài “Kiến trúc và âm nhạc” của GS.TS - nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê in lần đầu trong Nội san “Lá thư kiến trúc” của “Liên hội ái hữu kiến trúc Hải ngoại” tháng 7.1990. Sau đó bài viết được chính ông sửa lại và in trong sách “Trần Văn Khê và âm nhạc dân tộc”, do NXB Trẻ xuất bản năm 2000. KT&ĐS trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần trích bài viết về chuyện giống và khác giữa kiến trúc với âm nhạc cũng như chia sẻ tâm sự của người làm nghề. Tựa bài do KT&ĐS đặt.

 
 
Thân gửi các bạn Kiến trúc sư,
Đây không phải là một bài khảo luận về đề tài “Kiến trúc và Âm nhạc”, vì từ trước đến giờ đã có một số chuyên gia thẩm quyền đã đề cập vấn đề này. Vả lại, muốn so sánh, vạch rõ những đại đồng tiểu dị giữa kiến trúc và âm nhạc thì phải biết rõ cả hai môn nghệ thuật ấy, mà chính tôi chỉ biết về âm nhạc, còn kiến trúc thì không phải là chuyên môn của tôi.
Vì vậy, xin các bạn coi đây là một bức thư của một người nghiên cứu âm nhạc, có nhiều cảm tình với các bạn kiến trúc gửi đến các bạn để mạn đàm về đề tài mà nội san đã nêu.
Chẳng biết các bạn có nghe hay có đọc câu này lần nào chưa: “Kiến trúc là một thứ âm nhạc cô đọng” (L’architecture est une musique figeé). Ai mà nói lạ vậy? Tại sao kiến trúc mà lại là một thứ âm nhạc? Mà tại sao lại cô đọng?
Ai nói? Goethe? Joseph von Goers? Ông Fritz Winkel, một cố vấn nổi danh về kiến trúc chưa dám khẳng định ai là tác giả câu này.  
Ông Daniel Charles, chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc và âm nhạc cho rằng ông Schelling, người đương thời với Hegel đã viết ra câu đó (EncyclopedieUniversalis – Tr. 143-202).
Thôi thì cứ tạm gác qua một bên chuyện ai viết câu đó, chỉ tự hỏi tại sao người ta có thể cho rằng kiến trúc là âm nhạc?
Người ta nghĩ rằng kiến trúc là một loại âm nhạc, có lẽ trong quá trình thay đổi hay phát triển, kiến trúc và âm nhạc phương Tây đã gắn liền với nhau và có nhiều liên quan mật thiết.
1. Kiến trúc và âm nhạc đều là nghệ thuật, đều căn cứ trên sự trang trí, đều có liên quan đến những định luật thẩm mỹ, định luật về con số, đều có những cấu trúc đặc thù.
2. Nhưng kiến trúc tổ chức không gian, âm nhạc bố cục trong thời gian.
3. Kiến trúc quan tâm đến sự vật ta nhìn thấy, làm cho ta đẹp mắt. Âm nhạc để ý đến âm thanh ta nghe được, làm cho ta vui tai.
4. Kiến trúc áp dụng kỹ thuật và nghệ thuật để tạo một cơ sở vật chất giúp cho sự tấu nhạc đạt được hiệu quả cao, cho người nghe nhận thức âm thanh một cách thoải mái. 
Các bạn kiến trúc sư có đồng ý chăng, giữa kiến trúc và âm nhạc nếu có những đặc tính căn bản giống nhau thì trong chi tiết cũng có vài cá tính khác nhau?
Nhưng kiến trúc và âm nhạc, đều đang trải qua một giai đoạn khó khăn.
Kiến trúc và âm nhạc liệu có còn là nghệ thuật để chúng ta phụng sự? Vì sáng tác độc đáo, mà ít người hiểu và thưởng thức, liệu có thể giúp cho người nghệ sĩ sống được với nghệ thuật của mình chăng?
Hay là phải chạy theo thị hiếu của đại chúng “thương mại hoá” nghệ thuật để biến nó thành một món hàng người ta bán để làm giàu”? Kiến trúc và âm nhạc trong những năm tới liệu có tránh được bịnh thời đại đó chăng?
Xin thân mến chúc các bạn kiến trúc sư Việt Nam tại hải ngoại và trong nước nhiều sức khoẻ được may mắn sống với nghề nghiệp và nghệ thuật của mình, để tìm cho kiến trúc Việt Nam một sinh lực mới, một hướng phát triển mới, vừa giữ được sắc thái dân tộc, vừa mang được tính chất thời đại.
 
THEO KIẾN TRÚC ĐỜI SỐNG SỐ XUÂN ẤT TỴ 2025

Các tin khác