Hiền Lương - Khát vọng thống nhất non sông

15/4/2025 - Điểm đến
Tác giả: HÀ THÀNH

Hiệp định Geneve năm 1954 đã chia cắt đất nước Việt Nam thành đôi miền Nam - Bắc. Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải ở tỉnh Quảng Trị chảy qua là ranh giới. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài 21 năm với một cuộc trường chinh vĩ đại thống nhất non sông của nhân dân Việt Nam.

 
Toàn cảnh cầu Hiền Lương năm 1961, nhìn từ bờ Bắc (ảnh tư liệu, tác giả chụp lại trong “Nhà trưng bày Vĩ  tuyến 17 và Khát vọng thống nhất”)
 
Hiền Lương – Đôi bờ chia cắt
Cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã trở thành bến bờ chia cắt. Trong suốt khoảng thời gian dài dằng dặc đó, cầu Hiền Lương, bến Hiền Lương là biểu tượng của sự cách trở, chờ đợi - ngóng trông, của sự ly tán và nỗi đau mất mát. Hiền Lương là khát vọng thống nhất non sông, Bắc Nam liền một dải. Để xóa nhòa cái ranh giới nằm giữa cây cầu dài chưa đầy 200m đó, để đi tới chiến thắng cuối cùng thu non sông về một mối, nhân dân Quảng Trị ở đôi bờ sông Bến Hải, bến Hiền Lương và quân dân Việt Nam đã bền bỉ, anh dũng, kiên trung viết nên những trang sử hào hùng ở nơi đây. Hiền Lương là một chiến trường chính trị, ngoại giao, và cũng là chiến trường bom đạn. Đôi bờ Hiền Lương trở thành nhân chứng lịch sử, mang nỗi đau chia cắt, chứng kiến những tang tóc đau thương và mãi là khát vọng bất diệt về một tương lai hòa bình, độc lập, thống nhất.
 
Đôi bờ sông Bến Hải đoạn bến Hiền Lương
 
Từ cầu Hiền Lương nhìn về bờ Nam. Cây cầu lịch sử này được thực dân Pháp xây dựng năm 1952, và bị bom Mỹ đánh sập năm 1967. Năm 2002 cầu  được phục chế lại và khánh thành  vào ngày 18/05/2003
 
Cầu Hiền Lương và đầu cầu phía bắc nhìn từ bờ Nam
 
Bờ Bắc nhìn từ trên cầu Hiền Lương lịch sử. Một cây cầu Hiền Lương mới đã được xây dựng kế bên vào năm 1996
 
Cây cầu lịch sử
Ngược dòng lịch sử, trước khi có cây cầu bắc qua khúc sông rộng khoảng 100m, thì nơi đây chỉ có một bến phà. Cầu Hiền Lương đầu tiên được xây dựng năm 1928 dưới thời nhà Nguyễn, do phủ Vĩnh Linh huy động nhân dân trong vùng góp sức. Cây cầu này được làm bằng gỗ, đóng cọc sắt, rộng 2m, trọng tải chỉ đủ cho người đi bộ. Năm 1931 cây cầu này được Liên bang Đông Dương sửa chữa lại nhưng xe cộ muốn qua sông thì vẫn phải đi bằng phà. Năm 1943 cầu được nâng cấp thêm một lần nữa, lúc này xe cơ giới loại nhỏ có thể qua được.
Đến năm 1950, Pháp đã cho xây lại cầu bằng bê tông cốt thép, dài 162m, rộng 3,6m, trọng tải 10 tấn nhằm phục vụ mục đích quân sự. Cây cầu này tồn tại được hai năm thì bị du kích Việt Minh đặt bộc phá đánh sập để ngăn chặn sự tiến công của quân Pháp. Tháng 5.1952, Pháp xây lại một cây cầu mới gồm 7 nhịp, dài 178m, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm cầu bằng thép, mặt lát bằng gỗ thông, rộng 4m, hai bên có thành chắn cao 1,2m, trọng tải cầu tối đa là 18 tấn. Đây chính là cây cầu lịch sử chia cắt đất nước trong những năm tháng chiến tranh.
 
Toàn cảnh cầu Hiền Lương ngày nay nhìn từ cột cờ giới tuyến
 
Cột cờ giới tuyến và đầu cầu phía Bắc
 
Tượng đài “Khát vọng thống nhất non sông” ở bờ Nam với hình ảnh người thiếu phụ cùng con đang ngóng chồng và những người thân yêu ở bờ Bắc qua dòng sông chia cắt
 
Chiếc cổng ở đầu cầu phía Bắc của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.. Trên mặt cổng hướng về phía Nam có dòng khẩu hiệu, cũng là khát vọng: “Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập dân chủ và giàu mạnh muôn năm”
 
Ảnh trái Tháp canh của phía Việt Nam Cộng hòa ở bờ Nam  Ảnh phải Dàn loa phóng thanh ở bờ Bắc, dùng để phát thanh, tuyên truyền và biểu diễn văn nghệ cho nhân dân ở bờ nam
 
Cây cầu này tồn tại được 15 năm (từ 1952 đến 1967) thì bị bom Mỹ đánh sập
Từ 1972 đến 1974, để phục vụ chiến trường miền Nam, công binh Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã bắc chiếc cầu phao dã chiến cách cầu cũ 20m về phía Tây. Đến năm 1974 chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho xây dựng lại bằng bê tông cốt thép dài 186m, rộng 9m, có hành lang cho người đi bộ rộng 1,2m (khi đó ranh giới Bắc - Nam đã dời xuống phía Nam ở sông Thạch Hãn). 
Sau ngày hòa bình lập lại, cầu cũ ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1996, Bộ Giao thông Vận tải đã cho xây cây cầu mới dài 230m, rộng 11,5m, nằm về phía Tây cầu cũ, nằm trên tuyến quốc lộ 1A. Năm 2001 cây cầu sắt năm 1952 - một chứng tích lịch sử của sự chia cắt đất nước được phục chế lại nguyên bản theo thiết kế của chiếc cầu cũ bị bom Mỹ đánh sập năm 1967.
Ngày 18.5.2003, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức khánh thành công trình phục chế cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Cây cầu được phục chế dài 182,97m gồm 7 nhịp dầm thép đặt trên các trụ bê tông, mặt lát gỗ lim, hai bên có lan can bằng thép.
Trong những năm tháng chiến tranh, cầu Hiền Lương và dòng sông Bến Hải đã chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ dai dẳng của miền Bắc là Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, với miền Nam là Quốc gia Việt Nam, sau là Việt Nam Cộng hòa. Đó là cuộc chiến màu sắc, cuộc chiến âm thanh và cột cờ giới tuyến. Trong sự mâu thuẫn chính trị và đối nghịch quan điểm giữa hai bên, đôi bờ Hiền Lương và cây cầu trở thành chiến trường tranh chấp bởi đây là nơi giáp mặt của hai chính quyền đối lập. Ở giữa cây cầu có một vạch sơn trắng làm ranh giới, mỗi bên quản lý một nửa cây cầu. Ban đầu phía Việt Nam Cộng hòa sơn nửa cầu phía Nam màu xanh, thì phía Bắc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng cho sơn màu y như thế. Và sau đó phía Nam sơn màu khác đi để thể hiện sự phân chia đối lập thì phía Bắc lại cho sơn cùng màu để cây cầu có một màu, thể hiện khát vọng thống nhất. Cuối cùng vào năm 1975, cây cầu có chung một màu xanh thống nhất.

 
Hình ảnh người vá cờ Hiền Lương. Lá cờ này có kích thước 9x12m, là một trong những lá cờ treo ở bờ Bắc sông Bến Hải trong giai đoạn 1957-1962
 
Ngôi sao bằng đồng trên đỉnh cột cờ giới tuyến ở bờ Bắc sông Bến Hải trong giai đoạn 1955-1956
 
Hình ảnh quân giải phóng và du kích Bắc Quảng Trị
 
Cũng tương tự như vậy với cuộc chiến âm thanh và cuộc chiến cột cờ. Đó là hệ thống loa phóng thanh của hai bên chính quyền Bắc - Nam. Hai bên đều liên tục trang bị và nâng cấp hệ thống loa to hơn, mạnh hơn đối phương để tuyên truyền sang bờ bên kia nhằm mục đích có lợi cho phía mình và chỉ trích đối phương. Có những chiếc loa công suất tới 500W, âm thanh truyền đi tới hàng chục cây số. Cột cờ hai bên cũng đua nhau vươn theo chiều cao và độ rộng của lá cờ, nhằm gây ảnh hưởng tới tâm lý nhân dân và binh lính đối phương. Sau nhiều lần thay cột cờ và lá cờ, năm 1962, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dựng một cột cờ cao 38,6m, với lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg, cách đỉnh 10m có một cabin để lính đứng treo và thu cờ. Cột cờ này được xem là cột cờ cao nhất giới tuyến.
Mặc dù theo hiệp ước, đôi bờ Hiền Lương là khu vực phi quân sự (DMZ), song bom đạn vẫn nổ ở nơi đây. Phía Việt Nam Cộng hòa đã nhiều lần không kích nhằm vào cột cờ và hạ tầng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở bờ Bắc. Phía Bắc cũng đáp trả bằng hệ thống pháo phòng không. Theo ước tính, từ 19.5.1956 đến 28.10.1967, những người lính an ninh miền Bắc giới tuyến đã treo hết 267 lá cờ cỡ lớn. Sau khi cột cờ bị bom Mỹ đánh gãy vào ngày 2.8.1967 và cầu Hiền Lương cũng bị sập, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thêm 11 lần dựng cờ bằng gỗ cao 12-18m, 42 lần lá cờ bị bom phá hỏng. Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thực sự là một chiến trường trên nhiều phương diện.
 
Tranh gốm ở chân cột cờ giới tuyến khắc ghi lại lịch sử và khát vọng Hiền Lương
 
Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” ở bờ Bắc. Nơi đây trưng bày những hình ảnh và hiện vật lịch sử liên quan tới cầu Hiền Lương, sông Bến Hải suốt trong những năm từ 1954-1975
 
Chiếc loa có công suất 500W, đường kính rộng 1,7m; hiện được đặt trước sân nhà trưng bày
 
Di tích Quốc gia đặc biệt
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã thống nhất, non sông liền một dải tròn nửa thế kỷ; nhưng bến Hiền Lương vẫn còn đó, mãi còn đó bên dòng sông Bến Hải, để ghi khắc một quá khứ bi thương mà hào hùng, oanh liệt trong lịch sử Việt Nam. Cụm di tích Hiền Lương - Bến Hải trở thành điểm đến không thể thiếu, không thể bỏ qua đối với những ai hành hương về Quảng Trị. Nơi đây là chứng nhân lịch sử, là dấu ấn khắc ghi những chờ đợi và mất mát đau thương của cả dân tộc.
Năm 2013, Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (thuộc huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, Quảng Trị) đã được Thủ tướng công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Hiện nơi đây vẫn còn những di tích, công trình từ những năm tháng chiến tranh. Ngoài cây cầu Hiền Lương được phục chế như đã đề cập, còn có cột cờ giới tuyến, cổng chào, đồn công an vũ trang, dàn loa ở bờ Bắc, tháp canh ở bờ Nam… Bên cạnh những công trình - di tích lịch sử, một số hạng mục mới cũng được xây dựng như tượng đài “Khát vọng thống nhất non sông” ở bờ Nam, nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”… Tới đây du khách sẽ cảm nhận rõ hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, của nỗi đau chia cắt và cái giá của hòa bình, độc lập, thống nhất. Và cũng ở nơi đây, dưới chân cột cờ giới tuyến ở bờ Bắc, hàng năm cứ vào sáng ngày 30.4, tỉnh Quảng Trị lại tổ chức lễ thượng cờ thống nhất non sông. Hoạt động - nghi thức ấy đã trở thành mỹ tục đẹp đối với nhân dân Quảng Trị và để lại trong lòng du khách những ấn tượng không phai.

 
Cột cờ giới tuyến ở bờ Bắc
 
Đá chủ quyền Trường Sa đặt dưới chân cột cờ
 
Một buổi lễ thượng cờ thống nhất non sông vào sáng ngày 30/4
 
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ 226

Các tin khác