Những chia sẻ cảm xúc chân thành về “Ngôi nhà thân yêu”
Nếu nói về nội dung, có thể thấy có hai câu chuyện chính được kể. Mảng đề tài phong phú nhất là các kỷ niệm với ngôi nhà thân yêu. Những kỷ niệm có từ thời xa xưa, ngôi nhà thơ ấu, ngôi nhà thời chiến, ngôi nhà ở quê xa, ngôi nhà thị thành, ngôi nhà miền biển, ngôi nhà miền núi đồi… thường ẩn hiện trong các bài viết của các tác giả.
Tác giả Trần Văn Thiên đã mở đầu trong Đời nhà, đời người bằng một tình huống cụ thể: “Đêm nay, tôi muốn về ngủ trong ngôi nhà của ngoại. Bóng đèn trái ớt từ trang thờ loang ra một vùng sáng lặng lẽ, mỏng tang, giăng vào cả chiêm bao đượm mùi dầu gió…”, để rồi kết thúc câu chuyện bằng chia sẻ: “Tôi nhận ra đời người luôn có những ngôi nhà không tuổi, chính là những ngôi nhà vĩnh viễn trong tâm tưởng, được dựng lên bằng ký ức khôn nguôi”.
Trong bài Thân thương những bậc thềm nhà, tác giả Chung Thanh Huy gửi đến bạn đọc cảm xúc của mình: “Những bậc thềm giản dị nơi căn nhà ngày xưa của ba mẹ đã nâng bước chị em tôi đi xa hơn, bước cao hơn trong cuộc đời mình. Để rồi mỗi lúc trở về, được chạm chân lên những bậc thềm thân quen lòng tôi lại ngập tràn cảm giác bình yên, hạnh phúc… Nhất là khi chị em tôi thật may mắn vì vẫn còn được thấy hình bóng ba mẹ trên bậc thềm nhà ngồi đón đợi con cháu”.
Tác giả Nhã Minh trong Ký ức về những ngôi nhà chia sẻ câu chuyện gia đình bạn đã trải qua 4 ngôi nhà qua nhiều năm gian khổ để rồi đến lúc ước mơ trở thành sự thật, “Tôi chỉ mong sau một đời vất vả, lo toan, từ giờ cha mẹ đã có thể an lòng mà nghe nắng nghe mưa dưới một mái nhà chắc chắn… Và, những ngôi nhà không chỉ đơn giản để che nắng mưa, chúng đã trở thành ký ức, thành nỗi nhớ niềm thương, thành tri kỉ của các thành viên trong gia đình”.
Có lẽ nhiều người sẽ đồng tình với kết luận trong Nhà nhỏ có tình yêu của Đặng Thị Diễm Thúy: “Nhà với tôi không chỉ là nhà, nhà là nơi đầy ắp tình yêu. Để đón tôi quay về bằng tình thương vô điều kiện - mọi lúc”.
Người đọc cũng có thể gặp những chia sẻ đong đầy tình cảm yêu thương trong câu chuyện Ngôi nhà và những mùa hoa bỏ lại của Nguyễn Trần Thanh Trúc, Ngôi nhà ký ức của Hạ Quân,…
Mảng đề tài lớn tiếp theo là quá trình tạo dựng, chăm sóc ngôi nhà. Thông thường, thời gian tạo dựng, làm chủ một ngôi nhà là cả một quá trình dài mà các chủ nhà đưa vào đó rất nhiều sự quan tâm, thời gian, tiền bạc, công sức vả cả tình cảm. Xen vào đó là mảng đề tài mua sắm - tiêu dùng, chăm sóc cho ngôi nhà thân yêu. Tùy từng câu chuyện, các tác giả đã chuyển tải nhiều tình cảm vào bài viết và lồng ghép thông tin về kiến trúc xây dựng như ý tưởng thiết kế, thi công, thị trường vật liệu, nhà đất… nhưng quan trọng nhất là tình cảm với ngôi nhà thân yêu. Qua những câu chuyện dự thi, có thể nói ngôi nhà là kết tinh của tình yêu gia đình, tình yêu vợ chồng, tình yêu giữa các thế hệ.
Chuyện của tác giả Lê Ngọc Bích Vân trong Nơi hồi sinh hạnh phúc không chỉ là quá trình mua một căn nhà ở xã hội mà là câu chuyện cảm động khi người chồng thân yêu của chị tuy đã đi xa nhưng vẫn như hiện diện để cùng chị bước qua đau thương, nỗ lực tìm cách tạo dựng được tổ ấm cho chị và đứa con thân yêu của hai người. Người đọc cũng chia vui với chị qua tâm sự: “Vì tình yêu dành cho anh mà mỗi lời anh nói ra, tất cả vẫn còn khắc thật sâu, thật đậm để em luôn có động lực để tiến lên phía trước, quyết không gục ngã trước những thử thách của cuộc đời. Căn nhà mơ ước năm xưa của anh, em đã dần hiện thực hóa được rồi”.
Tác giả Trần Thị Thủy lại chinh phục người đọc bằng quá trình mua nhà kéo dài 15 năm ở xứ người trong Ngôi nhà quả ngọt. Người đọc chia vui với chị bằng cái kết có hậu: “Nằm đu đưa trên chiếc võng bạt, nghe tiếng chim lích rích chuyền cành, mùi các loại hoa dâng hương ngàn ngạt, tôi cứ ngỡ, mình đang ở quê nhà. Nhớ về những khó khăn vất vả đã trải qua, tôi thầm cảm ơn ông trời, đã ban tặng cho chúng tôi, ngôi nhà quả ngọt xứ người”.
Mỗi tác giả một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng những trang tham dự cuộc thi viết là nơi bạn đọc có nét chung là sự chia sẻ cảm xúc chân thành về “Ngôi nhà thân yêu” của mình. Kiến trúc & Đời sống chân thành cám ơn các bạn đã tham gia cuộc thi, cám ơn các nhà tài trợ, các thành viên ban giám khảo đã góp phần làm nên thành công của cuộc thi. Hẹn gặp lại các bạn ở những cuộc thi thú vị tiếp theo.
Trích một số ý kiến các giám khảo
- Nhà văn - nhà báo Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ TP.HCM: “Cá nhân tôi khi chấm bài tôi nghiêng về chất lượng văn chương. Tôi đánh giá cao Đời nhà, đời người vì nó có dấu hiệu của văn chương. Ta gặp nhiều bài viết có gì kể nấy nhưng riêng tác giả này viết có chất văn học, có độ sâu nhất định. Ngôi nhà quả ngọt, Ký ức về những ngôi nhà là những bài mà tôi rất thích. Tuy nhiên, khi đọc với tư cách của một người viết, tôi thấy tiếc cho các tác giả. Giá như các tác giả nhấn nhá thêm chi tiết, gia công chăm sóc thêm thì bài viết sẽ hoàn chỉnh hơn”.
- Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Khánh Chi: “Về mặt văn bản, có nhiều bài viết tốt cả về văn phong, câu chữ, bố cục. Các tác giả đã bộc lộ cảm xúc tốt, mang tính tích cực, truyền thụ được tình cảm với người thân, với ngôi nhà qua bài viết của mình”.
- TS.KTS Phạm Phú Cường, Trưởng khoa Kiến trúc - ĐH Kiến trúc TP.HCM: “Các tác giả dự thi không phải là các kiến trúc sư hoặc là các cây viết chuyên nghiệp. So với tiêu chí của cuộc thi thì chúng ta đã nhận được các bài viết tốt chia sẻ cảm xúc của bạn đọc về ‘ngôi nhà thân yêu’ của họ”. Có thể kể ra những bài được đánh giá cao như Ký ức về những ngôi nhà; Ngôi nhà quả ngọt; Nơi hồi sinh hạnh phúc; Đời nhà, đời người; Ngôi nhà và những mùa hoa bỏ lại…
Kết quả cuộc thi
1 Giải Nhất
Trần Văn Thiên, quận Tân Bình, TP.HCM với bài Đời nhà, đời người…, đăng trên KT&ĐS số 215
2 Giải Nhì
- Nguyễn Hiên, huyện M’Drắk, Đắk Lắk với bài Ký ức về những ngôi nhà đăng trên KT&ĐS số 196
- Trần Thị Thủy, CHLB Đức với bài Ngôi nhà quả ngọt, đăng trên KT&ĐS số 214
5 Giải Ba
- Trần Anh Tuấn, Ngôi nhà tơ nhện, quận 7, TP.HCM, đăng trên KT&ĐS số 215
- Lê Ngọc Bích Vân, Nơi hồi sinh hạnh phúc, quận 10, TP.HCM, đăng trên KT&ĐS số 215
- Nguyễn Trần Thanh Trúc, Ngôi nhà và những mùa hoa bỏ lại, TP. Thủ Đức, TP.HCM, đăng trên KT&ĐS số 203
- Hạ Quân, Ngôi nhà ký ức, huyện Iagrai, Gia Lai, đăng trên KT&ĐS số 208
- Bùi Thị Chiến, Nhà hàng xóm của những chú ong!, huyện Nho Quan, Ninh Bình, đăng trên KT&ĐS số 215
10 PHẦN THƯỞNG CỦA HỘI KIẾN TRÚC TP.HCM SƯ DÀNH CHO SINH VIÊN
1. Ngô Thị Mỹ Vân, Nhớ ngôi nhà năm xưa, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM, đăng trên KT&ĐS số 201
2. Trần Ngọc Huy, Những khoảng xanh quanh ngôi nhà của tôi, Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, đăng trên KT&ĐS số 202
3. Trần Thị Phương, Đường về nhà là vào tim ta, Học viện Báo chí & Tuyên tuyền, đăng trên KT&ĐS số 204
4. Vũ Thị Thu Hằng, Người may mắn nhất là người có một mái nhà, Học viện Ngân hàng, đăng trên KT&ĐS số 206
5. Lê Anh Vy, Bập bùng, ĐH Kiến trúc TP.HCM
6. Mai Thị Như Ý, Cứ ngỡ thiên đàng là nơi xa lắm, hóa ra chính là ở nhà mình, ĐH Cần Thơ
7. Nguyễn Lý Kim Ngân, Ngôi nhà cũ của tôi, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM
8. Nguyễn Đỗ Xuân Thu, Ngôi nhà thân yêu, ĐH Tây Nguyên - TNU
9. Nguyễn Thị Xuân Thu, Biết ơn căn nhà cũ đã ấp ủ gần ba thế hệ, ĐH Nông Lâm TP.HCM
10. Nguyễn Thị Kim Anh, Gói ký ức - Trao yêu thương, ĐH Kinh tế TP.HCM
Ban giám khảo
1. Nhà văn - nhà báo Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP.HCM, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh;
2. KTS Lưu Hướng Dương, Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh;
3. TS.KTS Phạm Phú Cường, Trưởng khoa Kiến trúc - Đại học Kiến trúc TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh;
4. Nhà báo - nhà thơ Nguyễn Khánh Chi, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam;
5. Nhà báo Phạm Hy Hưng, thành viên Hội đồng biên tập ấn phẩm Kiến trúc & Đời sống - Phụ san Tạp chí Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian và địa điểm trao giải, Ban tổ chức cuộc thi viết về “Ngôi nhà thân yêu” sẽ thông tin trong số báo tháng 6.2024.
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ 215