1. Em trai bạn kể, suốt thời gian bạn nằm trong phòng mổ, mẹ bạn ở nhà cứ lăng xăng quanh mấy cái ban thờ. Mẹ không chịu ngồi yên, đầu tiên là đốt nhang khấn nguyện lầm rầm, tàn ba lượt nhang vẫn chưa yên dạ, mẹ chuyển qua… độc thoại trước ban thờ, với bà. Bà thì ngồi trên kia với ông, đã ba năm nay, cứ hiền từ mỉm cười nhìn xuống, hỏng biết bà hiểu mẹ bạn muốn nói gì hôn nữa, vì mẹ nói năng rối rắm kinh khủng… Khi gia đình bạn bình tĩnh lại, em trai trêu mẹ, chắc trên ban thờ có ông bác sĩ nào ngồi. Tức thì, nó bị ba bạn mắng!
Với mẹ, ban thờ là nơi đầu tiên cũng là nơi cuối cùng mẹ tìm đến mỗi khi gia đình hữu sự. Sự cát lẫn sự hung. Ngẫm, bạn thấy rõ ràng, những cột mốc quan trọng của đời người, hình như ai cũng gắn liền với cái ban thờ. Khi bạn đầy một tháng, rồi đầy một năm tuổi, khi bạn chuẩn bị bước vào những kỳ thi, khi bạn được dựng vợ gả chồng, khi bạn thập tử nhất sinh, và cuối cùng, khi bạn chỉ còn là một ý niệm!
2. Bạn thì nhớ lắm cái khuya sáng đeo ba lô chuẩn bị tót lên xe ba chở xuống Sài Gòn thi đại học, mẹ níu áo lại, biểu vô thắp nhang cái rồi đi, con. Nghe mẹ nhắc, ba bạn bữa đó có hơi giật mình, ừ, ba cũng quên mất. Nhang thắp xong, hai cha con lên đường. Mùi nhang trầm cộng với hương hoa cau của nội cứ vương vất mãi. Con gái bồi hồi ôm ba từ phía sau lưng. Tấm lưng ấm áp vững chãi chở che, Sài Gòn và những kỳ thi quan trọng đang chờ đón!
Rồi thì vào đại học, rồi thì ký túc xá. Vui ơi là vui, mà nhớ cũng mênh mông là nhớ. Đêm đêm bạn bè giường trên giường dưới hỏi nhau, chứ không phải… Facebook hỏi, mày đang nghĩ gì, bạn nói, mình nhớ
“ông Tướng thầy Ba”!
Ông Tướng thầy Ba là ai? Bạn không biết, nhưng, nhiệm vụ quan trọng ở nhà trong suốt thời niên thiếu của bạn là chiều nhập nhoạng tối, khi trời đất giao thần, bạn phải thắp nhang ở hai chỗ. Một ở bàn thờ vọng thiên trước nhà và một ở xưởng mộc của nội.
Xưởng mộc của nội thờ ông Tướng thầy Ba. Bàn thờ là một cái kệ gỗ hơi cao. Bạn phải bắc ghế mà vói tay thắp nhang nên mặt mũi ông Tướng thầy Ba thế nào, bạn không hề biết. Ban ngày trời sáng thì mải chơi, mải học, tới giờ nội nhắc thắp nhang thì nắng đã tắt, thời đó xứ bạn còn xài đèn dầu nên chuyện tò mò nhìn mặt hai ông này có cho tiền bạn cũng không dám. Lần đầu thực thi nhiệm vụ, bạn hỏi nội rồi con lầm rầm cái gì trong miệng mới đúng, nội biểu thì cứ cầu cho con thi đậu. Vậy là chiều nào cũng như chiều nào, có con nhỏ đứng khi nhón chân này khi nhón chân khi, khi gãi lưng khi gãi bắp chân vì muỗi cắn lầm rầm xin ông Tướng thầy Ba cho con thi đậu. Dù hồi ấy, cả năm thi có hai lần (mà thầy cô dễ ẹt), mới thi xong cũng khấn thi đậu, ngày tết cũng khấn thi đậu, mùa hè cũng khấn thi đậu. Cũng theo lời biểu của nội, thắp nhang xong, khấn thi đậu xong, con phải gõ ba hồi chuông. Tiếng chuông sẽ chở ước nguyện của con đi. Đi xa thật xa (và bạn đã từng nghĩ, nhiều khi nó đi xa quá, có khi nào nó đi lố không!) Khổ nỗi, bạn có tật sợ ma, trời nhá nhem tối là sợ đủ thứ, trại mộc thì không còn ai. Bởi vậy, lần nào cũng như lần nấy, nghe bạn gõ ba hồi chuông xong, ông nội bạn “ậy” lên một tiếng, con nhỏ dộng chuông nghe dở ẹt! Bạn cười hí hí, tại con sợ sợ, con không gõ n-h-ỏ g-i-ọ-t, gõ k-h-o-a-n t-h-a-i, gõ t-h-u-n-g d-u-n-g được. Nội hỏi sợ gì, nói con sợ ông Tướng thầy Ba, nội hỏi chứ con thấy mặt mũi ổng sao mà sợ, nói con có thấy gì đâu (vẻ mặt trả lời câu hỏi này là luôn trầm tư, bạn chẳng biết lý do). Vậy sao sợ? Con hông biết, chắc tại trời tối với lại chắc tại cái cửa hay kêu cọt kẹt! Nội thở dài.
Mãi về sau này, khi ông đã mất rồi, bà mới nói, ông chê mày thì chê cho vui, chứ ông lo lắm. Ông sợ số mày lận đận, lật đật lầy đầy. Ông sợ đời mày mãi không t-h-o-n-g d-o-n-g n-g-â-n n-g-a n-g-ẫ-m n-g-ợ-i được. Tiếng chuông chiều, những tiếng chuông chiều suốt thời hoa niên của bạn, có ai ngờ lại là một điềm dự báo. Ông nội thương bạn nhiều nhất nhà, có phải vì ông linh cảm được khoảng đời trước mắt xao xác của bạn không. Nhà bạn ở bây giờ không có chuông mõ để bảng lảng mơ màng. Nhưng hễ chiều chiều, tiếng chuông trong óc bạn lại vang lên, từng sợi, từng sợi chuông dài, buông chùng một vùng trời hoài niệm.
Bàn thờ vọng thiên thì đỡ ám ảnh hơn. Một phần là nó gần đường, xe cộ thỉnh thoảng qua lại. Một phần, chắc nhờ nó đẹp. Hồi còn loanh quanh trong làng trong xóm, bạn đã biết tự hào nhà mình có cái bàn thờ vọng thiên đẹp nhất. Rồi bán kính tự hào của bạn được nới rộng ra hơn khi về nhà bạn bè tứ xứ thời đại học. Rồi thời gian kéo đến tận bây giờ, với bạn, vẫn chưa có cái bàn thờ ngoài trời nào đẹp hơn cái ngôi nhà gỗ bé tí có hai cây bông giấy bện cành trên mái như cái tác phẩm mà nội bạn đã tạo ra. Dưới thấp, bà trồng một hàng huệ trắng, hoa cứ thay phiên nhau nở, hoa đã thơm suốt thời hương khói thần tiên của bạn. Thơm đến tận bây giờ, dù, giải phóng mặt bằng, làm đường Xuyên Á, bàn thờ vọng thiên ba bạn đã dẹp đi. Còn ông Tướng thầy Ba thì sau khi ông mất, trại mộc không còn ai nối bước ông duy trì, chú bạn đã thượng các ông lên trang ở trong nhà. Giờ đây đêm đêm, gõ chuông cho ông Tướng thầy Ba và thắp nhang khắp sáu ban thờ là việc làm của chú. Vì nhà không còn đứa cháu nào mạnh cẳng nữa, toàn là người già, chú là người trẻ nhất ở tuổi… 55. Tiếng chuông của chú ngân đều, tĩnh tại. Tiếng chuông ướp mọi thứ như mềm giãn ra một chút. Nghe chú gõ chuông, bạn ước chi còn ông, thể nào ông cũng “ậy”
lên một tiếng, thằng này gõ chuông vậy mà hay!
3. Quay lại chuyện ban thờ, các nhà nghiên cứu văn hóa phong tục sẽ nói có căn cơ, ban thờ người Việt đặt đúng nhất ở nơi nào. Nhưng, rõ ràng đã có sự chuyển dịch, chưa thể xác định được là đáng mừng hay đáng lo. Nhưng nó là tất yếu, khi lối sống đã thay đổi quá nhiều. Nhà bạn dù còn quê kiểng đó, nhưng bàn thờ vọng thiên đã không còn. Kệ thờ ông Tướng thầy Ba cũng được thượng lên trang, “ở chung” với Quan Công!
Ở phố, ban thờ dường như ngày càng ở chỗ cao hơn và… vắng hơn. Thành phần thờ phượng cũng đơn giản hơn, mỗi nhà một cái ban thờ chứ không cần chiều chiều, phải đốt một nắm nhang trong tay mới đủ mà cắm khắp lượt một vòng thờ tự trong nhà. Có nhiều lý do được đưa ra, cái nào cũng hợp lý. Anh nói, ban thờ là nơi thiêng liêng nhất, phải đặt ở nơi cao nhất có thể. Chị nói, thờ tứ thân phụ mẫu là chuẩn nhất, muốn lạy thần thánh phật tiên gì thì vô chùa. Con trai nói, nhà mình phong cách kiến trúc hiện đại, ban thờ nên biệt lập một phòng riêng để không phá vỡ phong cách… cuộc tranh luận đâu chỉ trong nội bộ một gia đình!
Một lần, bạn đến thăm nhà một tổng biên tập đã về hưu của một tờ báo lớn ở thành phố. Nhà đẹp, ban thờ được bố trí cao hơn khu vực tiếp khách khoảng 5 bậc tam cấp. sau lưng là bếp và phòng ăn. Gần đó là phòng ngủ. Bác tổng biên tập già chỉ nói giản đơn, lúc đầu, KTS bố trí ban thờ ở tầng trên, mọi thứ đều có vẻ hợp lý và rất đẹp. Nhưng tui già rồi, con cái thì du học hết, nên thứ duy nhất tui cần KTS chỉnh sửa bản vẽ là ban thờ dời xuống đây, cho tui tiện hương khói, nhà có mùi hương khói mới ấm được.
Bất giác, bạn nhớ mùi hương khói ấm nhà mình thuở xưa, rồi bạn nghĩ, hay mình cũng thờ ông Tướng thầy Ba, rồi ngày ngày mình khấn nguyện cho con thi đậu. Chứ cuộc đời, càng về sau này, bạn thấy hình như ngày nào mình cũng phải thi, thi trầy thi trật, thi hoài mà mãi cũng chưa qua!
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 103