Giông tố, sét, bão, lũ lụt… là những tác động khắc nghiệt của thiên nhiên tới ngôi nhà
An toàn trước có điều kiện tiêu cực, khắc nghiệt của thiên nhiên
Ngôi nhà, trước tiên là để chắn nắng che mưa, làm mát, giữ ấm, tạo nên môi trường ôn hòa có lợi cho sự sống và sinh hoạt ở trong đó. Một ngôi nhà an toàn, bền vững là ngôi nhà phải chịu đựng được các tác động tiêu cực của thời tiết, của thiên nhiên. Nhưng thời tiết, khí hậu không chỉ có nắng mưa mà nhiều khi, nhiều vùng miền còn có những tác động khắc nghiệt hơn. Đó là giông tố, sét, bão lũ, lụt… và thậm chí là động đất. Tất nhiên, một ngôi nhà ở bình thường có thể không kháng được tất cả yếu tố khắc nghiệt đó, nhưng cũng phải chống chọi được phần nào để giảm thiểu thiệt hại. Theo đó, ngôi nhà bền vững phải có kết cấu chắc khỏe, bộ mái, tường bao che bền vững… để đảm bảo an toàn cho con người sống trong đó. Những ngôi nhà ở vùng ven biển hay chịu gió bão phải có bộ mái kiên cố tránh bị tốc mái, để chở che cho cuộc sống con người. Nhà ở vùng nhiều sét phải có hệ thống chống sét tốt, để tránh bị sét đánh phá hủy, hư hại… Trong các trường hợp xảy ra biến cố, ngôi nhà cũng cần linh hoạt để đáp ứng điều kiện sống mới. Có thể lấy ví dụ nhà ở vùng lũ lụt, khi có lũ lụt xảy ra, nhà phải biến thành nhà nổi hoặc chuyển con người, tài sản, sinh hoạt lên tầng trên. Khi mà khí hậu và thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt như hiện nay thì sự an toàn, bền vững của ngôi nhà càng trở nên ý nghĩa.
An toàn hệ thống kỹ thuật
Một ngôi nhà hiện đại không chỉ có hệ khung kết cấu và các bộ phận kiến trúc. Ngôi nhà còn có các hệ thống kỹ thuật, đơn giản nhất là hệ thống điện và cấp - thoát nước. An toàn hệ
thống kỹ thuật là điều cần đảm bảo để duy trì ngôi nhà được vận hành, sử dụng bình thường. Trong điều kiện bình thường, các hệ thống kỹ thuật có thể không có vấn đề gì, nhưng khi xảy ra có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống cũng như sự an toàn của con người. Các sự cố ở mức nhẹ có thể gây khó chịu, bất tiện, ở mức nặng có thể gây thiệt hại về cả tài sản và tính mạng. Ví dụ như các sự cố điện có thể gây chập cháy hệ thống và thiết bị; ở mức độ cao có thể gây hỏa hoạn hay giật tử vong người. Hệ thống nước như vỡ ống, rò rỉ… có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người sống trong nhà. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp hỏa hoạn do chập điện, hay hệ thống điện không an toàn gây giật tử vong cho con người. Về nước, cũng có những trường hợp như ống nước vỡ hay nước mưa tràn vào nhà gây hư hại đồ đạc. Cần lưu ý là nước dẫn điện, nên nếu có sự cố điện xảy ra cùng sự cố nước tràn, nước ngập là cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, ở các chung cư hay một số nhà ở tư nhân có thang máy thì đây cũng là một hệ thống - thiết bị phải đảm bảo an toàn trong vận hành; bởi sự cố thang máy cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Lũ lụt là một điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt ở nhiều vùng miền, cần phải có những giải pháp nhà ở an toàn
An toàn hỏa hoạn
Hỏa hoạn là vấn nạn, là nguy cơ của tất cả công trình từ cổ chí kim. Trong ngôi nhà ở hiện nay, vấn đề an toàn hỏa hoạn càng được quan tâm hơn. Công trình bị hỏa hoạn thường bị phá hủy nặng nề, cùng với tài sản và tính mạng con người cũng rơi vào trạng thái rất nguy hiểm. Với hỏa hoạn, thì phòng hơn là chống. Phòng hỏa là điều rất quan trọng với mỗi công trình. Các công trình nhà ở hiện đại - đặc biệt là nhà chung cư đều có hệ thống báo cháy và chữa cháy. Tuy nhiên nhà ở tư nhân kiểu nhà phố thì không được như vậy - mà loại hình này lại chiếm số đông trong đô thị. Thế nên, phòng hỏa từ việc sinh hoạt là điều cần thiết. Các hoạt động có liên quan đến lửa như nấu ăn, hút thuốc, thắp nhang, đốt vàng mã… phải cực kỳ thận trọng. Cần thiết phải trang bị các bình cứu hỏa mini trong công trình. Một điều quan trọng khác là công trình phải có các lối thoát hiểm, cửa thoát hiểm, dụng cụ thoát hiểm được bố trí hợp lý khi hỏa hoạn xảy ra. Việc xây dựng những kịch bản và tập huấn con người với phương án thoát hiểm khi có hỏa hoạn là điều hết sức quan trọng để đối phó khi có tình huống thật - có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
An toàn trước các thế lực xâm hại
Đó là các yếu tố, các tác động bên ngoài không phải điều kiện tự nhiên có thể gây ảnh hưởng tới ngôi nhà và sức khỏe, tính mạng con người sống trong nhà. Đó là giặc, trộm, cướp, thú dữ… Ở ngôi nhà hiện đại trong đô thị, và trong thời bình thì không có giặc hay thú dữ; nhưng trộm, cướp thì vẫn có, thậm chí ngày càng nguy hiểm và tinh vi hơn. Việc thiết lập một hệ thống bảo vệ an toàn cho ngôi nhà và con người ở bên trong là điều cần được chú trọng. Đó là hệ thống cổng, hàng rào, các hệ thống chấn song sắt ở cửa sổ, hệ thống cửa cùng các loại chốt khóa đủ kiên cố - theo cách truyền thống để đảm bảo an toàn. Ở mức độ cao hơn là ứng dụng các công nghệ hiện đại để bảo vệ ngôi nhà như hệ thống camera an ninh, hệ thống cảnh báo đột nhập… Tuy nhiên, cũng cần lưu ý giải pháp linh hoạt và phù hợp để các phương án chống trộm cướp không mâu thuẫn hay xung đột với việc thoát hiểm khi có sự cố hỏa hoạn. Việc an toàn trước các thế lực xâm hại này thực tế có ý nghĩa tâm lý rất lớn với những con người sống trong không gian đó.
Ngôi nhà, là nơi che mưa nắng để mang lại môi trường ôn hòa, điều kiện sống tốt cho con người
An toàn sử dụng
Ngôi nhà phải an toàn trong sử dụng. An toàn trong sử dụng nghĩa là người sống và sinh hoạt trong đó không bị ảnh hưởng bất lợi hay nguy hiểm từ các yếu tố, bộ phận trong ngôi nhà gây ra. Việc này có liên quan tới tất cả các vấn đề kiến trúc, nội thất hay kỹ thuật trong công trình. Ví dụ như cầu thang các bậc có chiều cao phải đều nhau, không bị hẫng bước; sàn phòng tắm hay sân có nước phải đảm bảo lát gạch chống trơn; hệ thống lan can cầu thang, giếng trời, sân thượng… phải đảm bảo chiều cao, khe hở tiêu chuẩn an toàn; hệ thống điện trong sử dụng (công tắc, ổ cắm) phải an toàn không rò điện, không chập cháy… Để có một không gian sống an toàn trong sử dụng, thì khi xây nhà cần phải có bản thiết kế của nhà chuyên môn; và thi công đúng theo thiết kế, tránh chắp vá, sửa chữa, có thể gây nên những vấn đề tiêu cực. Nên ứng dụng một số công nghệ, vật liệu mới cho công trình như sử dụng kính an toàn không gây sát thương khi vỡ, hay các loại aptomat chống giật cho hệ thống điện. Ở căn hộ chung cư trên tầng cao, cần lưu ý giải pháp an toàn ở vị trí logia; bởi thực tế đã có nhiều trường hợp người ngã ở vị trí này xuống dưới.
An toàn môi trường
Môi trường là điều ít người nghĩ đến cùng với không gian sống, với ngôi nhà ở. Nhưng thực tế nó có ý nghĩa rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người sống trong đó. Ngoài môi trường, bao cảnh xung quanh - có thể không tác động được, thì điều cần quan tâm chính là môi trường nội tại của ngôi nhà, cụ thể là bầu không khí. Không khí trong ngôi nhà có thể chứa nhiều loại khí độc hại; ví dụ như ở bếp nấu phát sinh ra khí: Carbonic (CO2), Carbon ôxít (CO), Nitơ đioxit (NO2), Sunfurơ (SO2)…; ở phòng vệ sinh phát sinh ra khí: Metan (CH4), Amoniac (NH3), Hidro Sunfua (H2S), Carbonic (CO2), Carbon ôxít (CO)… Đây đều là những loại khí gây độc hại tới sức khỏe con người, gây nhiều loại bệnh như hô hấp, tim mạch, tuần hoàn, thần kinh… Một nguồn phát thải khí độc nữa ít ai ngờ tới: Đó là từ các loại vật liệu xây dựng. Trong các loại vật liệu xây dựng dùng để tạo dựng nên các thành phần kiến trúc và nội thất, có một số vật liệu - tiêu biểu là sơn tường và gỗ công nghiệp có chứa các các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (Volatile Organic Compound - VOC). Một số hợp chất VOC thường gặp bao gồm Formaldehyd, Benzen, Perchloroethyene… Các loại khí này thải vào không gian sống trong thời gian dài. VOC nếu tiếp xúc nhiều sẽ gây ra các vấn đề liên quan đến hô hấp, hay mắt, mũi, cổ họng. Nặng hơn nữa có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan bao gồm hệ thần kinh trung ương, gan và thận. Thậm chí, VOC còn được biết đến là chất gây ung thư mức độ cao khi tiếp xúc nhiều với thời gian lâu dài. Trẻ em và những người bị hen suyễn dễ bị tác động xấu từ hợp chất này. Để đảm bảo môi trường trong nhà an toàn, trong lành cần tạo điều kiện cho không gian luôn thông thoáng khí bằng cách mở cửa để thông gió tự nhiên. Trong những trường hợp phòng hay không gian bí nên lắp thêm quạt thông gió để tăng cường luân chuyển không khí, thải khí độc ra và đón khí tươi vào. Sử dụng “vật liệu xanh” với những tiêu chuẩn VOC được chứng nhận cũng là điều cần thiết để môi trường sống trong lành, an toàn hơn.
Những “chuồng cọp” ở chung cư gây ảnh hưởng tới việc thoát hiểm nếu có hỏa hoạn xảy ra
Môi trường, bầu không khí trong nhà ở cũng là một yếu tố an toàn có ý nghĩa
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 185