Một cái bóng đèn sáng trưng biến đêm thành ngày có lẽ là phát minh lãng mạn và vĩ đại nhất trong tâm trí của bất cứ một đứa trẻ nhà quê nào trong thời của bạn.
Bạn nhớ khi mình 10 tuổi, phía trước nhà bạn có một đường dây điện chạy qua, nhưng điện vẫn còn xa lắm. Chiều tới, nhà nào nhà nấy tranh thủ ăn cơm sớm trước khi mặt trời thu hết ánh sáng vào một cái túi, xách đi. Những dịp nhà có đông người tụ về, bà tôi trải một tấm đệm to giữa sân, cả chục con người quây quần bên nồi cơm nóng hổi. Ăn xong, ông lo đi châm dầu cho mấy cây đèn.
Ông là người khéo tay lại hay làm nên nhà bạn lủ khủ đèn dầu do ông tự chế. Đèn dầu đủ hình đủ dạng, hễ thấy ở đâu có một chai đẹp, cổ nhỏ là ông xin, ông lượm về. Rồi ông làm cho nó cái nắp vặn, ông lấy cây kim của bánh xe đạp để dẫn tim đèn lên. Mấy cây đèn dầu này khi bưng đi bạn phải lấy tay khum khum che gió. Trước khi đi ngủ, có khi ông không thèm chu mỏ thổi mà giơ hai ngón tay “bóp cổ” ngọn lửa. Nhanh như tắt công tắc, không gian nhường hết cho bóng đêm. Bà hay đùa, trong nhà này ông mày là thủ lĩnh đèn đầu. Ông mày là là chúa tể đèn dầu, đừng có chọc ổng giận, cây đèn nào ông mày làm cũng có ông thần đèn núp trong đó hết đó!
Bạn nhớ suốt quãng đời thơ dại của mình, anh em trong nhà đêm đêm cứ thi nhau chơi trò ăn lửa. Hồi đó chẳng biết chơi trò ăn lửa thì ban đêm cũng chẳng biết làm gì sau khi học bài xong. Trò này có nguy hiểm không, tới bây giờ bạn cũng còn phân vân lắm. Anh hai bạn mỗi lần xoa bụng than đói thì thế nào đi ngang cây đèn cũng thò tay quơ một nắm lửa bỏ vô miệng. Anh hai làm bạn phục sát đất vì diễn y như hát xiệc. Sau đó thì bạn biết, có quơ ngón tay qua lại ngọn lửa đèn dầu cả chục lần cũng không sao, miễn quơ cho nhanh, lửa đèn dầu không kịp ngơ ngác nữa thì sức đâu mà gây phỏng. Tắt đèn bằng cách “bóp cổ” ngọn lửa như ông cũng… dễ ẹt. Bóp phát thả ra liền, đèn tắt phụp chẳng đủ kịp để xuyến xao!
Nhưng đèn học của chị em bạn thì khác. Bà bắt ông phải mua loại có ống khói lớn đàng hoàng. Đó cũng là một cách để con cháu giữ được một đôi mắt sáng vì nhờ có ống khói, ngọn lửa ít bị gió lay nên luôn sáng đều, sáng đủ. Anh em bạn học hành quanh một cái bàn tròn. Cây đèn ống khói ở giữa tỏa sáng cho ba cái đầu chụm lại cho đến khi bạn vào lớp 4.
Có một nhóm chú bác thấy đường dây điện chạy ngang địa phương bèn nghĩ cách. Bà con ủng hộ rần rần, góp tiền cho mấy chú đi mua bình hạ thế. Vậy là có điện. Một sự kiện “chấn động một cách sáng sủa” trong khi hầu hết các vùng lân cận vẫn chưa biết điện đóm là gì.
Đêm đầu tiên thay vì thổi đèn trước khi đi ngủ, cả nhà bạn thức tới 12 giờ khuya. Ba giờ sáng, anh hai thức dậy đi tiểu, bật đèn sáng choang. Cả nhà thò đầu ra khỏi mùng, nhìn nhau cười khoái chí.
Điện thực sự là ánh sáng trong nghĩa đen của nó. Những cây đèn dầu của ông lui vào một góc rồi mai một dần. Cho đến một ngày, cả nhà chỉ còn lại một cây đèn cho bà và mẹ bạn nhóm bếp. Không ai hay lũ đèn còn lại đã biến đi đâu. Chúng giận dỗi, tủi hờn vì không còn ai tin dùng nữa nên bỏ đi hay sao? Sau đó, cả cây đèn dưới bếp cũng bốc hơi không tăm tích khi mẹ bạn tha về một cái bếp gas. Cúp điện, đã có bà hàng xóm bán tạp hóa xòe ra một nắm đèn cầy.
Điện đã “thay mặt ông trời” làm được quá nhiều thứ. Trong xây dựng nhà cửa cũng vậy. Chỗ nào ánh sáng trời không đến được thì lắp bóng đèn. Muốn một bức tranh luôn lung linh hay huy hoàng, điện đều làm được hết. Ở bàn thờ, nhang chẳng thèm tỏa hương thơm trầm mặc nữa. Điện làm ba nén nhang thắp suốt bốn mùa. Điện làm tỏa hào quang những nhân vật vốn đã rất nhiều hào quang. Điện năng là quyền năng. Ông mặt trời nhiều khi cũng nhíu mày: “Tao cũng nể mày ghê á điện!”
Những “khoái cảm” do điện mang đến muôn hình vạn trạng. Cho đến bây giờ, điện đồng nghĩa với sinh hoạt và sản xuất. Thậm chí, không có điện, con trai bạn như muốn ngạt thở. Nó đi lại trong nhà như đồ thiếu sinh khí. Nó than nóng nhưng không chịu tắm vì không xài được máy nước… nóng. Nó sợ con chu chu quái quỷ gì đó của nó trên mạng bị chết vì cái iPad hết pin. Còn vợ bạn, không có điện thì đồng nghĩa với ăn… nhà hàng. Nhiều khi bạn ước ao, giá mà thành phố cho cúp điện cả tuần luôn đi. Vợ con gì mà chán quá, sống phụ thuộc công nghệ một cách quá đáng.
Điện cũng là ánh sáng ở một trường nghĩa rộng hơn khi thông qua một cái máy vi tính, một ti vi, một điện thoại, người ta tiếp cận được gần hơn kho tri thức khổng lồ của nhân loại. Thông qua cái máy giặt, cái nồi cơm điện, cái máy lạnh, điện giải phóng đáng kể nỗi cực nhọc của hàng tỉ phụ nữ. Và có điện, kinh tế chắc chắn biến chuyển. Tin đưa, Lý Sơn hiện giờ đang mọc lên như nấm những cửa hàng kinh doanh hàng điện máy! Nhưng cả hai, rõ ràng đều luôn tiềm ẩn những tia cực tím! Tia cực tím của ánh sáng trời có thể gây ung thư da và tàn phá nhan sắc. Còn lệ thuộc điện, lệ thuộc công nghệ thì con người sẽ ra sao là một câu chuyện dài. Câu chuyện về sự mạnh mẽ (khi có công nghệ) và yếu ớt (khi vắng mặt công nghệ) đến đáng thương của hậu duệ vượn người.
Dông dài về điện về đèn dầu, bạn chợt nhớ ông chú.
Chú của bạn ở Mỹ khi hay tin bà mất đã tức tốc đặt vé bay về. Chú kịp về để cùng đại gia đình đưa bà ra đồng nằm cạnh ông. Bà mất ở tuổi 93 nên gia đình đau buồn vừa phải để bà ra đi nhẹ nhàng. Chôn bà xong, chú và ba bạn quay về sắp xếp bàn thờ cho bà theo đúng phong tục và nếp nhà.
Sau đám tang, ai nấy đều cạn sạch năng lượng nên cả nhà đóng cửa ngủ sớm, mọi bề bộn dọn dẹp sau. Nhưng cái người trải qua 17 giờ bay, cái người bị lệch múi giờ thì không ngủ được. Người đó lục tung nhà kho, tìm được một chai rượu dáng rất đẹp. Vậy là suốt đêm ngồi mày mò làm một cây đèn dầu. Sáng hôm sau, đặt đèn lên bàn thờ của bà, chú của bạn mới khóc. Cả nhà bạn thấy cây đèn dầu chú làm để trên bàn thờ bà thì cũng ôm nhau khóc. Ông của bạn, người suốt đời chơi đùa với những cây đèn dầu hình như vẫn còn lẩn quất đâu đây.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 106