Bản vẽ cổng mặt tiền chính tường rào có chữ ký xác nhận của ông H. Meneault ngày 19.12.1939
Vĩnh Yên, Đồng Bùa, từ địa danh đến kỷ niệm
Những tư liệu đó tôi mới được vợ chồng tiến sỹ Nguyễn Nhã - dược sỹ Phạm Vân Loan trao tại nhà riêng ở phường 7, quận quận Phú Nhuận vào một ngày cuối năm 2021. Đó là các bản vẽ, văn bản hành chính về xây dựng, nhà đất tại đô thị Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc từ thập niên 20-30 của thế kỷ trước mà gia đình đã cất giữ nhiều năm.
Nhưng trước hết, xin được phép kể qua về hoàn cảnh gia đình. Theo vai về họ hàng thì tôi gọi vợ chồng tiến sỹ Nguyễn Nhã - dược sỹ Phạm Vân Loan là cô chú.
Cụ nội tôi là Phạm Quý Chương (1886-1944) sinh trưởng tại Hà Nội, là con trai út của Phó bảng Phạm Hy Lượng (1834-1886). Năm 1886, sau khi Phó bảng Phạm Hy Lượng mất thì vài tháng sau cụ Phạm Quý Chương mới ra đời. Cụ Phạm Quý Chương tốt nghiệp trường Hậu bổ, Hà Nội, một cơ sở đào tạo viên chức hành chính ở Hà Nội thời Pháp thuộc. Ra trường, cụ được bổ làm tri huyện(1), lần lượt từ huyện Yên Phong-Bắc Ninh đến các huyện Kim Sơn, Yên Mô-Nình Bình rồi về huyện Yên Lạc-Vĩnh Phúc. Sau khi nghỉ hưu, cụ sống tại Vĩnh Yên.
Cụ Phạm Quý Chương có vợ là Phạm Thị Lợi (?-1946). Hai cụ sinh được 7 con trai và 7 con gái. Một trong 7 người con gái là bà Phạm Thị Bảo (1909-1990). Bà Bảo có chồng là nghệ sỹ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi (1907-1992). Hai ông bà Phạm Văn Mùi - Phạm Thị Bảo sinh được 2 con trai, 5 con gái trong đó có cô Phạm Vân Loan.
Tiếp theo, xin nói thêm về địa giới hành chính Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc trước 1945. Tôi dựa theo tài liệu “Địa chí tỉnh Vĩnh Yên” ấn hành năm 1939 do “Nha Học - chánh tỉnh Vĩnh Yên soạn theo lời chỉ dẫn của quan công sứ Henri Meneault”(2). Theo đó, tỉnh Vĩnh Yên có hai đô thị là Tỉnh lỵ và Tam Đảo. Tỉnh lỵ đặt tại làng Tích Sơn, huyện Tam Dương có 5 phố trong đó có phố Vĩnh Thành.
Khoảng từ đầu thập niên 30 đến trước năm 1954, gia đình cụ Phạm Quý Chương ở tại phố Vĩnh Thành đồng thời có đồn điền ở ấp Đồng Bùa sát chân núi Tam Đảo. Địa danh Đồng Bùa nay thuộc xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo từ điển Wiki thì xã Tam Quan hiện nay trước năm 1945 thuộc Tổng Quan Ngoại. Tổng này có các xã: Quan Nội, Quan Ngoại, Quan Đình, Đông Lộ, Sơn Đình, Đại Điền và các ấp: Nhân Lý, Đồng Bùa, Suối Đùm, Đồng Hội, Sơn Thanh.
Hiện chưa rõ cụ Phạm Quý Chương về hưu năm nào nhưng trong giấy tờ nhà đất năm 1939, 1940 ở Vĩnh Yên đã ghi cụ là “tri huyện về hưu”. Thời gian đó, gia đình bà Phạm Thị Bảo - ông Phạm Văn Mùi cũng ở Vĩnh Yên. Theo cô Phạm Vân Loan thì bố cô là ông Phạm Văn Mùi lúc đó làm Trưởng ty Nông tín cuộc ở Vĩnh Yên.
Hai cụ Phạm Quý Chương - Phạm Thị Lợi cư trú ở Vĩnh Yên, các con của hai cụ thì cư trú ở nhiều nơi xung quanh, từ Vĩnh Yên đến Yên Lạc, Lập Thạch và cả Hà Nội. Năm 1944 cụ Phạm Quý Chương mất, năm 1946 cụ Phạm Thị Lợi mất. Khoảng từ năm 1947, ông Phạm Văn Mùi được gia đình giao trông nom ruộng vườn ở ấp Đồng Bùa.
Các con của bà Phạm Thị Bảo - ông Phạm Văn Mùi là cô Phạm Thị Vân Yến sinh năm 1935; chú Phạm Văn Tuấn sinh năm 1936; chú Phạm Văn Quảng sinh năm 1937; cô Phạm Vân Phụng sinh 1938; cô Phạm Vân Loan sinh năm 1940, cô Phạm Vân Bằng sinh năm 1946... vẫn còn nhớ thời gian ở Vĩnh Yên và những chuyến lên Tam Đảo, vào ấp Đồng Bùa. Hiện gia đình chỉ còn vợ chồng cô Loan chú Nhã sống tại TP.HCM, còn mọi người định cư ở Canada, Mỹ. Nhưng khoảng cách địa lý bây giờ không còn là trở ngại. Internet kết nối mọi người vòng quanh trái đất. Nhân nói chuyện Đồng Bùa, Vĩnh Yên, các cô chú năm nay đều đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn nhớ được một số chi tiết và chia sẻ “những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ” thời xa xưa.
Chú Phạm Văn Tuấn kể, ấp Đồng Bùa có nhiều ruộng nằm sát chân núi Tam Đảo. Từ Vĩnh Yên đi Tam Đảo đến cây số 11 rẽ trái là ấp Đồng Bùa, rẽ bên phải là đồn điền của ông Bạch Thái Bưởi. Thời đó vào khoảng năm 1947-1948, toàn đi bộ. Chú Phạm Văn Quảng nhớ lại, có thời gian cả nhà phải tản cư từ Vĩnh Yên lên Đồng Bùa. Có lần chú Quảng, chú Tuấn được ông Phạm Văn Mùi dẫn lên một ngôi chùa trên triền núi Tam Đảo. Cô Phạm Thị Vân Yến thì nhớ Đồng Bùa có nhiều ruộng và suối, nhà ở Đồng Bùa toàn nhà sàn.
Theo cô Phạm Vân Loan, bà Phạm Thị Bảo là người được các cụ giao làm “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Thập niên 40-50 nhiều biến động, gia đình nhiều lần dọn nhà, tản cư, đi đâu bà Bảo cũng mang theo giấy tờ nhà đất trong một bọc vải. Năm 1954, cả nhà di cư vào Sài Gòn, có mang theo giấy tờ này. Cô Loan nhớ lại, những ngày đầu mới vào Sài Gòn, gia đình sống tạm ở “trại định cư Gia Định” ngay chỗ trường Hà Huy Tập đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh ngày nay.
Rồi mọi việc cũng dần ổn định, gia đình chuyển đến cư ngụ trong một ngôi nhà nay thuộc đường Nguyễn Công Hoan, phường 7, quận Phú Nhuận. Ông Phạm Văn Mùi tiếp tục sáng tác và dạy nhiếp ảnh, cô Loan tiếp tục theo học trường Trưng Vương Sài Gòn, chú Phạm Văn Quảng đi dạy học. Từ 1968 đến 1972, chú Phạm Văn Quảng làm Hiệu trưởng trường Trung học kiểu mẫu Thủ Đức. Khoảng thời gian đó, chú Nguyễn Nhã (sinh năm 1939) sau khi tốt nghiệp Ban văn sử địa Đại học Sư phạm Sài Gòn và dạy ở trường Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long 1 năm cũng mới chuyển về Trung học kiểu mẫu Thủ Đức. Nhờ dạy cùng trường với chủ Quảng nên chú Nhã có cơ hội làm quen với “em gái của hiệu trưởng” là cô Phạm Vân Loan. Năm 1972 cô Loan, chú Nhã làm đám cưới.
Năm tháng qua đi, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhiều người đi định cư nước ngoài, bà Phạm Thị Bảo và ông Phạm Văn Mùi lần lượt mất vào đầu thập niên 90. Cô Loan, chú Nhã ở lại Việt Nam, sống ngay tại ngôi nhà bây giờ đã trở thành “Nhà lưu niệm nghệ sỹ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi”. Chú Nguyễn Nhã vẫn theo đuổi nghiên cứu và đến năm 2003 bảo vệ thành công luận án tiến sỹ cấp quốc gia đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trở lại với câu chuyện đã nhắc ở đầu bài, một ngày cuối năm 2021, ngay trong ngôi nhà lưu niệm vốn đã có rất nhiều tư liệu về nhiếp ảnh, lịch sử, ẩm thực, ca trù, vợ chồng tiến sỹ Nguyễn Nhã giới thiệu với tôi những tư liệu gia đình là các loại giấy tờ mà ông bà Phạm Văn Mùi - Phạm Thị Bảo đã mang theo từ Vĩnh Yên vào Sài Gòn năm 1954.
Bản vẽ mặt bằng, mặt đứng chính diện và mặt cắt ngôi nhà hình bát giác có xác nhận ghi ngày 19.12.1939
Bản vẽ mặt bằng, mặt đứng chính diện, mặt cắt nhà gạch có phòng khách thay thế ngôi nhà bát giác
Trang 27 “Địa chí tỉnh Vĩnh Yên” thống kê đồn điền của người Việt Nam tại tỉnh Vĩnh Yên năm 1939
Bản vẽ, giấy tờ nhà đất thời Pháp thuộc ở Bắc kỳ có gì đặc biệt?
Trong hồ sơ gồm nhiều loại văn bản khác nhau có một văn bản viết tay giao ước mua ấp Đồng Bùa còn lại là giấy tờ liên quan đến nhà đất, xây dựng thuộc khu Vĩnh Thành. Xin giới thiệu với bạn đọc mấy văn bản đáng chú ý, xếp theo thứ tự thời gian.
Đầu tiên là một văn bản viết tay đề ngày 18.8.1928 giao ước thỏa thuận trong đó cụ Nguyễn Đạo Kính ở huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông bán lại đất tại ấp Đồng Bùa cho cụ Phạm Quý Chương ở phố Nam Ngư, Hà Nội. Theo văn bản này thì “Cái ấp Đồng Bùa này có một trăm sáu mươi mẫu thực điền, ước hai mươi mẫu hoang điền và 20 mẫu thổ” và “tọa lạc tại địa phận xã Quan Đình, tổng Quan Ngoại, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên”.
Trong tài liệu “Địa chí tỉnh Vĩnh Yên” đã dẫn ở trên, tại trang 27, phần thống kê “Đồn điền của người Nam” có danh sách 15 người trong đó Phạm Quý Chương có 162 mẫu. Người nhiều nhất là Đỗ ĐìnhThuật 3.874 mẫu, người ít nhất là Nguyễn Văn Thảo, 100 mẫu.
Văn bản thứ hai là bản đánh máy tiếng Pháp nội dung là Biên bản trúng đấu giá lô đất 505 lập ngày 2.12.1939. Theo đó cụ Phạm Quý Chương là người trúng thầu lô đất 505 diện tích 264m2 với giá tiền là 145 đồng và 20 xu đồng đông dương (piastre). Biên bản này ngoài chữ ký của 3 thành viên Ban bán đấu giá còn có chữ ký của cụ Phạm Quý Chương cùng con dấu, chữ ký phê duyệt của ông H.Meneault. Một kênh tham khảo khác là từ điển wiki cũng ghi Meneault là công sứ Pháp ở Vĩnh Yên từ 1937 đến 1940.
Văn bản thứ ba là bản đánh máy “Phân ranh và cắm mốc” lô đất 505 lập ngày 9.12.1939. Văn bản này ghi người sở hữu là Phạm Quý Chương, có mô tả vị trí cùng họa đồ lô đất. Bên dưới biên bản này có chứng nhận và chữ ký của ông H. Meneault.
Văn bản thứ tư là bản đánh máy tiếng Pháp được lập tại Vĩnh Yên ngày 9 tháng 3 năm 1940. Văn bản này có nêu chi tiết người đứng đơn là “Phạm Quý Chương, tri huyện về hưu, ngụ tại số 39 đường Lê Quân Duyệt, Vĩnh Yên”.
Điều đặc biệt là kèm theo văn bản này có những bản vẽ kiến trúc để minh họa.
Theo trình bày thì cụ Phạm Quý Chương sở hữu 6 lô đất trong đó có lô số 505 tại Som-Chiên, khu Vĩnh-Thành, Vĩnh Yên. Cụ đã được cấp phép xây dựng một bức tường bằng gạch chạy quanh khu đất, và một ngôi nhà hình bát giác tọa lạc giữa khu đất đó. Cụ đã xây xong bức tường bao quanh bằng gạch. Tuy nhiên vì ngôi nhà bát giác dự kiến bị chật nên cụ xin phép được xây thay vào đó, một nhà gạch có phòng khách và hai nhà độc lập có bản vẽ kèm theo.
Theo các phần ghi chú viết tay thì văn bản đã được chuyển qua hai bộ phận ngay trong ngày 9.3.1940 và ở bộ phận tiếp theo là ngày 15.3.1940.
Các bản vẽ tay trên giấy can còn giữ được đến hôm nay có đủ kích thước, tỷ lệ cụ thể. Bản vẽ tường cổng mặt tiền chính và nhà bát giác ghi ngày phê duyệt 19.12.1939, người ký là công sứ H. Meneault. Bản vẽ nhà chính và hai nhà phụ gồm mặt bằng, mặt cắt và mặt đứng chính diện.
Đây là những tư liệu gợi nhiều kỷ niệm của người trong gia đình về một thời quá khứ. Xin chia sẻ để bạn đọc có thêm tư liệu về chuyện xây dựng, kiến trúc ngày xưa.
Biên bản đấu giá lô đất 505 và Biên bản định ranh và cắm mốc lô đất 505
Văn bản trình bày lý do xây nhà và Văn bản viết tay ghi ngày 18.8.1928 có thông tin về đất ở ấp Đồng Bùa
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 188