
.jpg)
1. Khi còn là vùng hoang sơ, chỉ có các buôn, bản làng thì sân chùa, cổng vào đầu làng, là hình ảnh của những “không gian công cộng”, nơi tập hợp gặp gỡ của người dân vào những buổi trời mát mẻ, được mùa, cúng Thổ Thần, Thổ Địa, Thành Hoàng để tạ ơn. Bên cạnh đó, ngoài kiến trúc tín ngưỡng, những làng khá giả hơn thì xây dựng nhà Vuông đầu làng vừa làm nơi giữ trật tự, vừa gặp gỡ giao lưu. Tất cả hoạt động mang tính cộng đồng chỉ thể hiện ở phạm vi nhỏ trong sinh hoạt thường ngày, tập trung đông đảo nhất trong những lễ hội Kỳ Yên và có sự giao lưu của các làng lân cận.
Đến khi các công trình công cộng được xây dựng, các khoảng trống trước công trình đó là nơi thu hút người dân đến sinh hoạt. Các bến thuyền tại các kinh rạch (nay là đường Hàm Nghi và Nguyễn Huệ) không chỉ là nơi buôn bán trao đổi hàng hóa, hai bên bờ sông là nơi giao lưu và hình thành các quán cốc.
Trong vùng Đông Dương ba nước gồm Việt Nam - Lào - Campuchia thì Sài Gòn là thành phố được đầu tư xây dựng bài bản, có quy hoạch bởi đại tá Coffin. Các công trình có tính chất của “không gian công cộng” như nhà làm việc, nhà thờ, chợ, trung tâm thương mại, cở sở giáo dục, tôn giáo, nơi các quan chức nhà nước giải trí thể dục, thể thao, đua ngựa... đều được xây dựng trên địa hình cao ráo, có tầm nhìn ra sông, cảnh quan đẹp.
Sài Gòn thời đó đã tạo nên tiếng vang đến thương nhân ở vùng xa như Ấn Độ, Trung Quốc, Bắc Á, châu Âu. Trên đường đi buôn bán có thành phố cuối vùng Đông Dương rất đẹp, như viên ngọc nên họ đặt tên là Hòn Ngọc Viễn Đông, hình thành truyền miệng giữa các thương nhân đó trong lúc trao đổi mua bán lẫn nhau.
Sự thực thì thành phố đã “mở” từ lúc đó, đã lôi cuốn các thương nhân qua chuyến đi buôn bán đều phải ghé qua vừa để xem vừa buôn bán. Người dân trong vùng đều tìm ở đô thị này, từ những nhu cầu thiết yếu đến cơ hội làm ăn, thậm chí là sinh sống. Họ “đi thành phố” để tìm cơ hội buôn bán, để giải trí… Người dân cũng “lên thành phố” để ở, để sống, để có tương lai, để học, để được trị bệnh... Từ đó tiềm ẩn trong nhận thức của người dân ở các tỉnh thành miền Tây và miền Đông, nếu đời sống khá giả, họ sẽ bằng mọi cách đưa con cái “lên thành phố” tức là đến Sài Gòn và diễn biến đó vẫn tiếp tục thu hút cho đến ngày hôm nay.
2. Trong thời kỳ khai khẩn đất hoang, nhiều thú rừng, thời tiết khắc nghiệt, bệnh tật đe dọa sinh mạng con người, cho nên cư dân phải đoàn kết thành buôn làng để chống chọi với thiên nhiên, đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ miếng cơm manh áo để tồn tại, hình thành tình làng nghĩa xóm. Gia đình nào có ma chay tang lễ, cưới hỏi, cả xóm đều đến phụ giúp, dựng lều trại, nấu nước đun bếp, thức đêm phụ giúp chuyện nhà. Thời tiết miền Nam nói chung, trời nóng có gió mát vào mùa nắng và lạnh hơn vào mùa mưa. Thiên nhiên ưu đãi, cá tôm có khắp nơi, đất đai màu mỡ, lương thực không phải lo toan tích trữ, đã tạo nên phong cách của người miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Vì thế khi “lên Sài Gòn”, họ mang theo phong cách sống phóng khoáng, rộng rãi, nghĩa tình, nhiều bạn bè. Thời tiết, yếu tố thiên nhiên đã tạo nên phong cách sống của người miền Nam, những người đã sống lâu đời, rồi những người mới đến cũng dần dần bị ảnh hưởng theo lối sống đó. Thành phố “mở” ở đây không chỉ vì thiên nhiên, kiến trúc mà cả ở tính cách con người.

.jpg)
3. Khi thành phố Sài Gòn được quy hoạch xây dựng các tuyến đường, làm cảng sông, xây dựng các công trình thành nơi giao thương đối ngoại giữa Đông và Tây và thành phố thành nơi sinh sống dễ dàng, hứa hẹn tương lai rực rỡ. Từ đó càng thu hút thành phần dân cư từ nơi khác “lên thành phố” để kiếm việc làm, sinh sống.
Đến ngày nay, thành tựu về khoa học, kỹ thuật, y tế, giáo dục, văn hóa, giải trí ngày càng phong phú lại mà Sài Gòn - TP.HCM là nơi cập nhật, nơi thể hiện rõ ràng nhất càng lôi cuốn người dân “đi thành phố”. Thành phố cũng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mang đến nhiều dự án lớn. Diện mạo đô thị có thay đổi theo chiều hướng tích cực, chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Các cơ sở giáo dục như trường học các cấp với đội ngũ giáo viên giỏi, mạng lưới y tế với các bệnh viện được đầu tư quy mô lớn, y bác sĩ giỏi có tên tuổi trong khu vực của thành phố nhưng phục vụ cả miền Nam và các nước láng giềng; các cơ sở thể dục - thể thao, văn hóa, thương mại ngày càng nhiều nhiều thể loại, nhiều cấp phục vụ.
“Thành phố” vẫn còn nguyên lợi thế vì không gian kiến trúc, không gian quy hoạch cảnh quan và các ngày lễ truyền thống thỏa mãn nhu sinh hoạt của người dân thành phố, thu hút du khách như đường hoa Nguyễn Huệ, phố đi bộ trang trí đèn trên các trục đường bằng ánh sáng nghệ thuật, tổ chức đua thuyền, sân khấu trên sông nước, bắn pháo hoa trên nhà cao tầng… Các công trình đài tưởng niệm làm cho phong phú, rộn ràng làm cho người dân nôn nao đợi xuân về. Tất cả cảnh quan, các hoạt động đã hình thành hồn đô thị và giá trị cuộc sống ngày càng được nâng cao, càng thu hút mọi người “đi thành phố”.
Ở chừng mực nào đó của sự phát triển, thành phố cũng có những hạn chế nhất định với hiện tượng tăng dân số cơ học, giảm phát triển nóng ở khu trung tâm, tạo các đô thị đa trung tâm… Nhưng điều đó không có nghĩa là thành phố hạn chế về cơ hội làm ăn, giao thương, học tập, du lịch... Đất lành chim đậu, nơi tạo niềm hy vọng vào tương lai, nơi mà môi trường sống giúp cho con cái có cơ hội phát triển, “lên thành phố” vẫn còn thể hiện trong ngôn ngữ của người dân.
Thành phố vẫn luôn “mở”, luôn chào đón và có cơ hội cho người có đủ nhiệt tâm, năng lực.

.jpg)
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 117