.jpg)
Tôi chợt thích thú với cách đặt tên đó cũng bởi ngoài thực tế, lối đi trong sân vườn là thành phần quan trọng giúp định hướng suy nghĩ, cảm xúc của người thưởng ngoạn thông qua việc dẫn dắt họ đến với các yếu tố bất ngờ được định sẵn, và dĩ nhiên, đâu chỉ bước qua một lần là có thể “cảm” hết được!
Có nhiều người cho rằng đường dẫn hay lối đi chỉ đơn thuần là khoảng cách giữa các thứ mà nó dẫn đến - một kiểu gì đó có vẻ “phi thiết kế”. Nhưng không, nó cũng giống như mọi thành phần khác trong vườn, cũng là một không gian chức năng đòi hỏi đầy đủ các yếu tố lý tính và thẩm mỹ, không chỉ vậy nó còn phải tạo sự gợi mở góc nhìn và thu hút mối quan tâm khám phá của người thưởng ngoạn. Mặc dù có vẻ rất “đa mang” nhưng trái lại, một lối đi cơ bản chỉ cần đúng hai yếu tố để hình thành, đó là bố cục và vật liệu. Nghe thì đơn giản nhưng thực chất nó tựa như việc bạn chỉ được giao cho 2 loại nguyên liệu mà buộc phải nấu ra một món… mỹ thực cung đình vậy! Hơi “khó nhằn”, vậy thì có khả thi không? Xin thưa với bạn là có! Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những quy tắc và cách gỡ “nút rối” cho khu vực đường dẫn, lối đi trong sân vườn của bạn! Tất cả sẽ khiến bạn phải bất ngờ! Nào, bạn đã sẵng sàng chưa?
“Chào bạn! Bạn muốn đi đâu?”.
Khởi nguồn của mỗi một con đường luôn nằm ở đích đến của nó. Người ta hay bảo “mọi con đường đều dẫn đến La Mã”, nhưng… thôi, bỏ qua đi! Trong trường hợp này thì quá khác. Đích đến của mỗi một sân vườn sẽ tùy thuộc vào chủ đề của nó, và vì thế việc hình thành con đường dẫn đến chúng cũng sẽ khác hoàn toàn!
Nào, trước hết, bạn mong muốn những gì sẽ có ở khu vườn của mình? Một suối thác ở góc phải vườn, một bãi cỏ ở trung tâm vườn, hay một giàn hoa nơi cổng ra vào thật rực rỡ? Bố cục của lối đi trong sân vườn thực sự phụ thuộc vào tất cả các yếu tố đó. Lựa chọn những khu vực thiết yếu và nối chúng lại với nhau - như một đường động mạch chủ trong cơ thể.
Nhưng! Có một sai lầm mà hầu hết những người mới làm vườn đều mắc phải, đó là tạo ra quá nhiều con đường chỉ vì muốn trực tiếp đến khu vực mình cần mà đừng “mất công” bước ngang qua nơi khác. Thực ra, quá nhiều đường dẫn chỉ khiến sân vườn của bạn rối rắm và bất tiện hơn, yếu tố chính phụ trong chủ đề mất đi và bạn sẽ tốn cả “một mớ” diện tích chỉ để lát lối đi thay vì dành chúng cho những thứ hữu ích. Hãy nhớ rằng không nhất thiết mỗi thành phần đều phải có con đường dẫn đến các thành phần còn lại. Bạn hoàn toàn có thể có một đường dẫn trung gian qua nhiều thành phần, nó không những giúp mảng xanh của bạn “thoáng” hơn mà còn kích thích nhu cầu chăm sóc của bạn với tổng thể toàn bộ sân vườn.
.jpg)
.jpg)
Đường dẫn của khu vườn lý tưởng nhất là đủ rộng cho 2 người cùng thong thả dạo bước, nếu không thì chỉ cần vài viên đá bước dặm be bé như một lối mòn tự nhiên cũng là một lựa chọn hoàn hảo. Và việc bố trí một bộ bàn ghế ngoài trời giúp khu vườn của bạn trông có vẻ “nở rộng” thêm
Đường hay sân - cẩn thận kẻo… lạc!
Trong quy mô mảng xanh dành cho gia đình nói chung, sân là nơi chúng ta có thể tổ chức những hoạt động khác ngoài việc đi lại, nhưng đường dẫn thì không. Bạn có thể trông thấy một vài đoạn trên những con đường “nở rộng” được bố trí thêm bộ bàn ăn ngoài trời, nhưng thực chất đó là sân tiếp giáp với lối đi, chỉ vì ranh giới đã bị xóa nhòa mà thôi. Việc phân định sân và lối đi sẽ giúp tổ chức hệ thống đường dẫn của bạn tốt hơn, quan trọng là hoạt động đi lại sẽ không bị chia cắt và đảm bảo sự thông suốt khi cần.
Ngoài độ dài phụ thuộc vào những điểm đến thì bề ngang lối đi là yếu tố quan trọng để giúp phân định sân và đường. Thông thường, đường dẫn cho một khu vườn nên đủ rộng để hai người có thể đi song song cũng như vận chuyển máy móc dụng cụ làm vườn, nên tiêu chuẩn tối thiểu là 1,2m. Con số này ắt hẳn khiến những gia chủ đang sở hữu một khu vườn khiêm tốn phải “sửng sốt”. Vâng! Chúng khá là lớn! Nhưng mặt khác chúng cũng phụ thuộc vào nhu cầu riêng của chúng ta, và bạn hoàn toàn có thể hạ chúng xuống những con số khác, 0,6m chẳng hạn - vừa dư giả thoải mái cho một người đi khi chính bạn cũng chẳng cần bất kỳ loại máy móc hỗ trợ nào cho khu vườn khiêm tốn của mình.
Nhỏ hơn nữa, như những mảng xanh nơi ban công hay logia thì một vài viên đá bước dặm be bé như một “lối mòn” tự nhiên sẽ là lựa chọn hoàn hảo và vừa khít. Bên cạnh đó bạn cũng đừng quên “nhấn nhá” ở vị trí mở đầu và kết thúc của con đường bằng việc tăng bề rộng của chúng lên một chút, nhất là đối với những lối đi nhỏ đến mức tối đa. Bạn biết đấy đó là điểm “chào đón” các vị khách đến tham quan khu vườn của bạn mà!
.jpg)
.jpg)
Cũng giống như mọi thành phần khác trong khu vườn, đường dẫn cũng là một không gian chức năng đòi hỏi đầy đủ các yếu tố lý tính và thẩm mỹ; không chỉ vậy nó còn phải tạo sự gợi mở góc nhìn và thu hút mối quan tâm khám phá của người thưởng ngoạn
Màn “catwalk” cùng vật liệu
Vật liệu tạo tác là một yếu tố tối quan trọng trong việc hình thành một lối đi trong sân vườn. Với rất nhiều hình thức và thể loại, vật liệu cho đường dẫn tưởng chừng dễ lựa chọn nhưng nếu xét sâu xa về sự đáp ứng công năng và tính bền vững thì hoàn toàn không đơn giản! Tôi ví chúng như một sàn diễn thời trang đầy sắc màu cùng những hiệu ứng thị giác “chuẩn không cần chỉnh”, cho đến khi bạn vác chúng về và nhận ra “hình như mình đã lầm”!
Nếu bạn đang ở trong một khu vực bị ảnh hưởng bởi triều cường hay nước ngập thì bạn nên tránh xa những loại gạch lát khít với các đường bó vỉa hai bên, mặc dù chúng có vẻ phổ thông và chắc chắn nhưng khả năng thoát nước kém sẽ khiến nước tù đọng trên lối đi dẫn đến khả năng “lội’ bì bõm trong vườn là rất cao! Thay vào đó bạn có thể xem xét các phương án sử dụng vật liệu mang tính tự nhiên và có thành phần “nhuyễn” hơn, như trải cỏ, đá sỏi, mùn gỗ,… nếu bạn vẫn thích gạch thì hãy xen kẽ chúng với nhau. Ngoài ra bạn cũng có thể xem xét sử dụng thành phần có độ thoát nước tốt cho lớp vật liệu đệm bên dưới lớp gạch cũng như tạo độ vồng cần thiết cho bề mặt để đảm bảo công năng mà vẫn đáp ứng đúng sở thích của mình.
Dù sân vườn rộng lớn hay khiêm tốn thì đá phiến là một lựa chọn cực kỳ đáng yêu và tương đối thoải mái cho nhiều loại địa hình và thổ nhưỡng. Có rất nhiều chủng loại màu sắc và kích cỡ khác nhau cho bạn lựa chọn từ các dạng đá bước dặm nhỏ xinh đến những loại đá chẻ to cho các khu vườn rộng lớn. Hình thức thường thấy nhất có thể kể đến là đá đi kèm ron, có thể là sỏi, cỏ hoặc rêu.
Bạn cũng có thể làm mềm những mép đá với các loại cây thảm nền xinh xắn, pha trộn màu sắc giữa chúng và sử dụng các khoảng ron có độ lớn bé tự nhiên đầy ngẫu hứng! Nếu bề rộng đường dẫn cho phép thì một vài loại cây bụi dạng lùm có thể xuất hiện đâu đó trên lối đi giúp tăng vẻ tự nhiên và sống động cho toàn bộ khu vườn.
Đối với những vật liệu lát lối đi như gỗ thì bạn cần chú ý khả năng chịu nước và chịu nhiệt của chúng, tránh kéo lê vật nặng trực tiếp bên trên để giữ bề mặt vân gỗ được tự nhiên và luôn đẹp mắt.
Và đừng quên trang trí cho đường dẫn của bạn bằng những viên đá theo phong cách Mosaic nếu bạn là “fan cuồng” của các thể loại hoa văn! Những hình ảnh mà chúng tạo nên thật sự sẽ khiến bạn như lạc vào “xứ sở thần tiên” đầy huyền ảo!
Vật liệu tạo tác là một yếu tố tối quan trọng trong việc hình thành một lối đi trong sân vườn, và có thể ví chúng như một sàn diễn thời trang đầy
Song song với việc định hướng cho bố cục và vật liệu, có một vài yếu tố mà bạn nên xem xét nếu khả thi, như cốt cao độ cho đường dẫn chẳng hạn. Trong các sân vườn hẹp và dài, khi đường dẫn đi qua trung gian nhiều khu chức năng thì việc thay đổi cao độ tại các vị trí tiếp giáp là cực kỳ quan trọng để kích thích cảm quan của người thưởng ngoạn. Những khu vườn có diện tích rộng lớn cũng thế, sự lên xuống dốc hay sử dụng các bậc thang là yếu tố cần thiết phải thực hiện, hẳn bạn cũng đâu muốn khu vườn của mình trông “phẳng lỳ và nhàm chán” khi phóng tầm mắt xung quanh?
Đường dẫn hay lối đi ảnh hưởng gần như hoàn toàn đến tổng thể của một mảng xanh nên thật không ngoa khi bảo rằng chúng chính là “mạch xương sống” của cả một khu vườn. Vậy nên việc tạo được một đường dẫn “thông minh” không chỉ giúp bạn có thể vô tư thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn giúp định hình rõ nét chủ đề sân vườn và tính cách của chính bạn!
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 150