MƯA XỨ HUẾ

24/12/2024 - Điểm đến
Tác giả: HÀ THÀNH

Huế đẹp nhưng buồn! Đó là nhận định chung của hầu hết mọi người khi tới Huế và của cả chính người dân Huế. Đẹp thì rõ rồi, còn buồn thì sao? Phải chăng Huế buồn bởi phong cảnh lãng mạn trữ tình, bởi những công trình kiến trúc cổ; hay bởi đất rộng người thưa, cuộc sống chậm rãi, tính tình con người nhu mì, hiền lành; hay bởi điệu hò trên sông Hương mang âm hưởng buồn; hay bởi cảm thức hoài niệm về quá khứ vàng son của một triều đại đã kết thúc chưa lâu lắm? Vâng, có thể là một, vài hay tất cả những yếu tố đó làm nên Huế buồn. Nhưng có một điều nữa không thể không nhắc đến, đó là mưa…

 
Mưa giăng trên sông Hương, bầu trời và mặt nước mịt mờ một màu trắng xám
 
Mưa Huế là “đặc sản” của đất cố đô. Xứ Huế mưa nhiều, mưa làm Huế đẹp hơn theo một cách khác, lãng mạn hơn và buồn hơn. Và đặc biệt khi mùa mưa - cũng là mùa Đông đến, xứ Huế như chìm trong những cơn mưa triền miên. Mùa Đông, khi gió Đông Bắc thổi về Huế tới dãy Hải Vân bị chặn lại, tạo thành mưa trút xuống Huế. Mưa mùa Đông không lớn như mưa mùa Hạ, nhưng cứ rả rích, dầm dề, dai dẳng không dứt, ngày nọ nối ngày kia miên man. Có những mùa, mưa kéo dài liên tục hàng chục ngày, cả tháng không dứt, không thấy ánh mặt trời. 
 
Kinh thành trong màn mưa mùa Đông. Hàng cây sứ trụi lá làm khung cảnh thêm u tịch
 
 
 
Kinh thành, đền đài, lăng tẩm, các công trình kiến trúc cổ lặng lẽ và như buồn hơn dưới trời mưa
 
Mùa mưa Huế thật buồn, tất cả như trở nên lặng lẽ, trầm tư, u tịch và nhẫn nại; bởi đó là điều quen thuộc đã có hàng nghìn năm. Tất nhiên mưa cũng gây nhiều phiền toái, nhưng cuộc sống thì vẫn cứ phải tiếp diễn, và con người vẫn sống, vẫn sinh hoạt, làm việc, đi lại trong màn mưa ấy. Mùa mưa Huế buồn không tả xiết, nhưng nếu đã trót yêu Huế, gắn bó với Huế rồi thì có lẽ cũng yêu cả mùa mưa ấy…
 
Dù thế nào thì cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn., người dân vẫn phải mưu sinh. Trong ảnh là một quán vỉa hè che bạt bán hàng dưới trời mưa
 
Hình ảnh các mệ trùm áo mưa ngồi trên xe xích lô đi chợ trở nên quen thuộc
 
Những gánh hàng rong vẫn rong ruổi khắp cả nẻo đường, ngả phố…
 
Trên cầu Trường Tiền, trên những con phố, người đi xe máy, xe đạp hay đi bộ cũng đều phải có áo mưa, ô, hay là nón

Mưa Huế cùng âm hưởng buồn ấy đã trở thành cảm hứng của bao văn nghệ sỹ trong nhiều sáng tác nghệ thuật: Thơ, văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh… Trong đó, tiêu biểu là ca khúc Mưa trên phố Huế - sáng tác của nhạc sỹ Minh Kỳ và Tôn Nữ Thụy Khương. Bài hát mang nét ca hò Huế với giai điệu chậm buồn, da diết và phần lời cũng mang màu sắc cô đơn, nhớ nhung hoài niệm khiến người nghe không khỏi chùng lòng, thổn thức.
Chiều nay mưa trên phố Huế
Kiếp giang hồ không bến đợi
Mà mưa rơi vẫn rơi, rơi hoài cho lòng nhớ ai…
… Chiều mưa trên Kinh đô Huế
Tiếng mưa còn vương kỷ niệm
Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ em còn nhớ không?...
… Hò ơi, ơi hò
Chiều mưa phố buồn
Chiều mưa phố xưa u buồn có ai mong đợi
Một người biền biệt mà nơi mô?
Để nhớ với thương một người…

(Trích lời ca khúc Mưa trên phố Huế - Sáng tác: Minh Kỳ và Tôn Nữ Thụy Khương)
Mưa Huế buồn, nhưng có ai đó nói rằng: Đến Huế mà chưa biết mưa Huế thì chưa trọn vẹn. Có lẽ điều ấy là đúng. Mưa là một phần của Huế, Huế đẹp đủ sắc thái phải có mưa. Nỗi buồn cũng là nét đẹp trong tâm trạng con người và cuộc sống.
Nếu chưa đến Huế vào mùa mưa, hãy thử khám phá một lần, bạn nhé!
 
Hình ảnh những bóng người đi về trên Đập Đá, lối đi từ trung tâm thành phố về phía Vỹ Dạ
 
Những người làm nghề đãi hến bên Đập Đá
 
Dãy xích lô chờ khách trước Kinh thành. Xe nào cũng có một tấm ni lông trong để che mưa cho khách
 
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ 222

Các tin khác