Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao: Người đem mây xuống trần

12/11/2018 - Chuyên đề
Tác giả: Thực hiện Vĩnh Phương ảnh Thu Vân & nhân vật cungcấp

Được biết, ngày 19.5.2018 này sẽ diễn ra sự kiện - Triển lãm nghệ thuật cảnh quan Mây pha lê - tại đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái của hai nghệ sĩ Andy Cao & Xavier Perrot. Trước lúc lên đường ra Hà Nội để lên Mù Cang Chải chuẩn bị cho công việc, hai nghệ sĩ này đã dành cho Kiến Trúc & Đời Sống một cuộc trò chuyện.

 
Hai nghệ sĩ Andy Cao và Xavier Perrot
 
 
Ông có thể cho biết đôi nét về loại hình nghệ thuật Mây pha lê. Loại hình này đã phổ biến như thế nào trên thế giới?
Cách đây hơn tám năm, trong đầu chúng tôi nảy sinh ra câu hỏi, tại sao chúng ta không mở rộng phạm vi của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan.  Và đột nhiên, ý tưởng dùng những đám mây làm chủ đề cũng như đem mây xuống trần, gần đến con người, đưa chúng đi lang thang khắp mọi nơi theo đúng nghĩa phiêu bồng xuất hiện trong tôi. 
Và vấn đề là dùng vật liệu nào cho chủ đề này? Thay vì chỉ dùng cây cỏ, hoa lá và những vật liệu quen thuộc khác thì tại sao không thể dùng thêm những vật liệu mà trước đây chỉ sử dụng bên trong nhà như thủy tinh hay thậm chí pha lê chẳng hạn để đưa chúng ra ngoài trời. Cuối cùng chủ đề Mây pha lê được ươm mầm và định hình. Đây là một sự kết hợp giữa một vật liệu tầm thường nhất là lưới mắt cáo với vật liệu cao cấp nhất trong trang trí nội thất là những hạt pha lê của Swarovski để tạo thành những đám mây tuyệt đẹp nhờ sự tương tác, hỗ trợ của “phù thủy” thiên nhiên là ánh sáng.
 
Và đến nay thì những đám mây pha lê của ông đã lang thang bay qua những đâu rồi?
Công trình đầu tiên là ở Miami/USA cũng như nhiều nơi khác ở Mỹ, rồi qua thung lũng ở Áo, sang Pháp và bây giờ bay về Mù Cang Chải, Việt Nam. Theo dự tính, trong năm 2018 này, chúng tôi sẽ phải hoàn thành một công trình trọng điểm trong sân bay Changi Singapore. Khi quay trở lại Việt Nam thì chúng tôi rất mong muốn làm một cái gì đó ở Hà Nội, Huế, Hội An, TP.HCM,   U Minh Thượng... và một ước nguyện là sẽ có một tác phẩm để đời ở Đồng Xoài. 
 
Một trong những công trình của Andy Cao. Mây pha lê tại trụ sở của tập đoàn Swarovski, Thung lũng Áo
 
 
Ông có thể nói rõ hơn về tác phẩm đầu tiên của ông tại Việt Nam, tại sao ông lại chọn Mù Cang Chải mà không phải là những nơi khác?
Cũng là cơ duyên, một số người bạn kiến trúc sư tại Việt Nam (KTS Lê Việt Hà, KTS Phạm Thành Dương...), đã gợi ý và giới thiệu chúng tôi lên Yên Bái, Mù Cang Chải, và chúng tôi thấy ruộng bậc thang ở đó tuyệt đẹp, phù hợp với nghệ thuật cảnh quan của chúng tôi. Ở đây tôi còn bị thu hút bởi những phong tục của người dân địa phương, hình ảnh người mẹ địu con ra đồng làm ruộng. Tôi như bước vào thế giới của giấc mơ của huyền thoại, cổ tích. Và cảm hứng sáng tác trong tôi dâng trào.
Hơn nữa cảm xúc càng đến mạnh hơn khi tôi nhận ra rằng, ở Mù Cang Chải này, tự nhiên không phải nó có được như thế. Mà đó là cả một quá trình lâu dài với lúa nước ngàn năm của một nền văn hóa nông nghiệp từ ngàn xưa để hình thành ra ruộng bậc thang, đồi Mâm Xôi, Mùa nước đổ trong một không gian giữa núi rừng hùng vĩ. Đây đúng là một sự hòa quyện tuyệt vời giữa thiên nhiên với những kiến tạo từ bàn tay của con người. Với tôi khi đến đây và được đưa tác phẩm của mình vào đây có lẽ là cơ hội trong đời có một. Cũng từ đây, tôi hằng mong muốn mọi người có cách nhìn thay đổi về một địa điểm du lịch, cách làm du lịch cũng như hỗ trợ cho người dân địa phương có thêm lợi tức từ những thửa ruộng, tài sản của mình. Từ đây, tôi cũng có cảm nghĩ là “mây” từ những thửa ruộng bậc thang sẽ được “gió” đưa đi khắp nơi trên mọi miền đất nước này. Thế là chúng tôi với KTS Phạm Thành Dương (hội KTS tỉnh Yên Bái) và KTS Lê Việt Hà (ASHUI) là những người đã tốn rất nhiều công sức đứng ra thuyết phục người dân và UBND tỉnh Yên Bái, UBND huyện Mù Cang Chải và tìm người tài trợ cho dự án Mây pha lê. Rồi bắt tay vào việc thực hiện. Điều mà chúng tôi tâm đắc là KTS Hà & KTS Dương đã nhìn thấy triển lãm nghệ thuật cảnh quan này sẽ mang nhiều lợi ích khác nữa như đưa khách du lịch đến đây nhiều hơn, tạo công ăn việc làm tốt hơn cho người dân địa phương.
 
Còn với ông và các công sự?
Chúng tôi làm tự nguyện, miễn phí.
 
Như vậy kinh phí từ các nhà tài trợ mà nhóm của ông và các kiến trúc sư nói trên kêu gọi đã đủ cho công trình? Hiện tại các ông có cần thêm sự hỗ trợ của cộng đồng?
Chúng tôi chỉ mới có đủ kinh phí để mua nguyên vật liệu, hạt pha lê, khung giàn các loại. Vẫn còn thiếu một khoản đáng kể kinh phí để chi trả cho nhân công thi công, cho những đóng góp của những người dân địa phương nên rất cần sự hỗ trợ tiếp tục của các doanh nghiệp, các kiến trúc sư và của cộng đồng. 
 
Có thể nói đây là món quà ông dành cho Mù Cang Chải nói riêng và cho quê hương nói chung?
Xin không dám nhận những ngôn từ to tát đó. Với người nghệ sĩ, khi chọn làm vì một động cơ nào đó, vì một suy nghĩ làm gì đó cho ai thì cảm xúc không thể thăng hoa được. Ở đây, tôi làm đầu tiên là để cho mình, thỏa mãn cảm xúc sáng tạo của mình và sau đó phục vụ cho ai, ai được lợi thì nằm ở vế sau. Nghệ thuật và trách nhiệm công dân với tôi luôn rạch ròi. Để chứng tỏ tình cảm của mình với quê hương, với đất nước có nhiều cách như đóng thuế đầy đủ, tạo công ăn việc làm cho người khác, giúp đỡ những người khó khăn. Còn khi đã đưa trách nhiệm vào nghệ thuật thì theo tôi sẽ khó có thể sáng tạo được.
 
Hai nghệ sĩ Andy Cao và Xavier Perrot cùng ông Trần Văn Châu - CEO Kelly-Moore Việt Nam đang trao đổi về phương án hỗ trợ việc thực hiện Mây pha lê tại Mù Cang Chải
 
 
Ông đã hài lòng với những tác phẩm, công trình đã thực hiện của mình. Và tác phẩm nào khiến ông tâm đắc nhất?
Câu hỏi thật khó trả lời. Bởi trả lời tâm đắc với tác phẩm nào nhất thì cũng giống như một người cha trả lời là thương người con nào nhất. Tôi cũng không băn khoăn với những công trình, tác phẩm tôi đã thực hiện mà chỉ cảm thấy hiếu kỳ không biết những điều mình sắp làm sẽ như thế nào, có còn đầy đủ cảm xúc hay không...
 
Trở lại với các công trình ông sẽ làm ở Việt Nam, được biết sau Mù Cang Chải, ông sẽ đưa mây “lang thang” đến một vài nơi nữa, và đặc biệt trong đó chắc chắn có Lâm Viên Đông A, Đồng Xoài. Xin hỏi, ở đây có gì hấp dẫn ông?
Cuộc đời là những hành trình và có những lần đi và những cuộc gặp gỡ thật tình cờ, không sắp đặt sẵn nhưng lại định hình cho những dự tính ở tương lai. Cái duyên ở Đồng Xoài bắt đầu từ khi chúng tôi gặp ông Trần Văn Châu, CEO Kelly-Moore Việt Nam rồi sau đó được ông Châu giới thiệu với ông Trần Văn Tấn, chủ trang trại ở Đồng Xoài và trực giác mách bảo cho chúng tôi rằng với những người bạn này, chúng tôi có thể tin tưởng và hợp tác được. Cùng với đó là một không gian của núi rừng với hàng trăm mẫu còn hoang sơ mà ông Tấn đã cày sâu cuốc bẫm trên từng tấc đất. Nhìn thiên nhiên ở đây, chúng tôi như bị hớp hồn, mê hoặc. Từ cái hồ, bờ ao, dòng suối, đồi tâm linh, đồi hoa, đồi cỏ, đá cây, đá chẻ, rừng sao, rừng điều, rừng cao su, rừng tre, vườn cam, vườn quýt… cũng như mới đây vào đầu năm 2018, ông Tấn đã khánh thành Cầu Ngói Độc Mộc đạt kỷ lục Guiness Việt Nam nên sau khi lên Đồng Xoài nhiều lần, ngủ lại hàng chục đêm để tối về nghe tiếng côn trùng ru giấc ngủ hay buổi sáng thức dậy vì tiếng chim rừng kêu nhau gọi đàn hay tiếng gà rừng gáy sáng. Còn trưa về mà theo ông Tấn vào rừng thì thật vui tai vì nghe được tiếng ve sầu kêu inh ỏi. 
Ở nơi đây, chúng tôi biết chắc là mình sẽ có được hai điều:
Thứ nhất, không gian và môi trường.
Ở đây với núi rừng bao la bát ngát; có những vị trí cho chúng ta có cái nhìn đến tận chân trời. Môi trường thì còn rất hoang sơ, sinh thái; cây lá xanh tươi mượt mà, đầy dinh dưỡng cho biết bao thú rừng và chim muông. Ngoạn mục là nó được tạo dựng rất tương hợp. Lý thú nhất là những đêm trăng sao đầy trời mà được ngồi đàm đạo với ông Tấn để nghe ông diễn tả từng hạng mục, từng địa danh trong khu rừng này mà mỗi nơi là một câu chuyện dài đầy thú vị.
Thứ hai, thỏa mãn tính sáng tạo.
Ở nơi đây, chúng tôi biết được một điều là ông Tấn sẽ cho chúng tôi cái cơ hội được sáng tạo, và được kiến tạo để thỏa mãn những ý tưởng đột phá của một người nghệ sĩ cảnh quan. 
Ở nơi đây, dựa trên vẻ đẹp của thiên nhiên đã sẵn có và với sự hỗ trợ của tất cả mọi người, đặc biệt là những anh chị em và bạn bè mà chúng tôi thân quen thì chúng ta chỉ cần tôn tạo thêm cho bức tranh hoàn mỹ là sự sáng tạo đó nó sẽ được chấp cánh và rồi từ đó một tác phẩm nghệ thuật sẽ nối gót chiếc Cầu Ngói Độc Mộc để được tạc ghi trên vùng núi đồi của Đồng Xoài. 
 
Xin cảm ơn và chúc ông có nhiều những tác phẩm đẹp trên đất nước Việt Nam.
 
Minh họa cho triển lãm Mây pha lê Mù Cang Chải
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 144

Các tin khác