Ảnh chụp phòng làm việc của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt do phóng viên KT&ĐS thực hiện cuối năm 2006. Ảnh đã đăng trên KT&ĐS tháng 1.2007
KTS Nguyễn Trường Lưu: “Những dặn dò của chú Sáu vẫn luôn nhắc nhở chúng tôi hàng ngày”
KTS Nguyễn Trường Lưu hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM; Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM. Những ngày cuối năm bận rộn ông vẫn dành thời gian kể chuyện cho bạn đọc KT&ĐS trong số báo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Người dân Nam bộ thường gọi Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt bằng cái tên thân mật là chú Sáu Dân hay ngắn gọn hơn là chú Sáu.
Tôi muốn nói tới hai ấn tượng của chú Sáu đối với tôi và có lẽ là với nhiều anh em hội viên Hội Kiến trúc sư thành phố.
Ấn tượng thứ nhất là dù trải qua rất nhiều công việc với nhiều cương vị khác nhau, ở cương vị nào chú Sáu cũng rất quan tâm tới lĩnh vực kiến trúc, xây dựng. Chú Sáu cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển đất nước. Hội Kiến trúc sư thành phố là thành viên duy nhất thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố được chú Sáu nhận làm hội viên danh dự.
Tháng 11 năm 1981, ngay sau khi thành lập, Hội Kiến trúc sư thành phố đã vinh dự kết nạp chú Sáu Dân làm hội viên danh dự. Khi đó chú đang làm Bí thư Thành ủy. Chú Sáu là người “mở hàng” trong cuốn sổ vàng lưu niệm của Hội. Dịp lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội cuối năm 2021, những lời chú Sáu dành cho Hội là chúc “đội ngũ của Hội ngày càng đông đảo, sinh hoạt của Hội ngày càng phong phú, hoạt động của Hội ngày càng vững mạnh” đã được trân trọng nhắc lại trong các sinh hoạt của Hội.
25 năm sau, chú Sáu lại dành cho Hội những lời tâm huyết qua “Thư gửi Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Hội”. Đó là ấn tượng thứ hai về chú Sáu mà tôi muốn nhấn mạnh.
Nhớ lại thời điểm chuẩn bị cho công tác kỷ niệm 25 năm thành lập Hội, anh em trong Ban tổ chức chúng tôi muốn nhờ chú Sáu viết một bài đăng trên Kỷ yếu 25 năm. Qua mấy lần chắp bút, nêu ý kiến trao đổi, qua những trăn trở, cuối cùng chú Sáu có lá thư đăng trong tập Kỷ yếu 25 năm thành lập Hội.
Đó là bài viết rất sâu về nghề, về lãnh vực kiến trúc, hoạt động của kiến trúc sư và hoạt động của Hội.
Trong lá thư, chú Sáu viết về nghề: “Kiến trúc sư là một nghề hoạt động căn bản dựa trên sự sáng tạo, tuy nhiên, không giống như các nghệ sỹ, các công trình kiến trúc khi ra đời còn chịu sư chi phối rất quan trọng của các chủ đầu tư và của các cơ quan quản lý. Hàm lượng tri thức và giá trị sáng tạo của các công trình kiến trúc, vì thế còn bao gồm năng lực và văn hóa sử dụng quyền lực của cơ quan quản lý và các chủ đầu tư. Trước sức ép của những bức xúc thực tế, nếu các chủ đầu tư và các nhà quản lý chỉ biết dùng quyền; nếu một đội ngũ kiến trúc sư chỉ quen đón ý, nhận lệnh thay vì là chỗ dựa tri thức thì không thể có được những công trình có giá trị”.
Bản chất của hoạt động của kiến trúc sư là sáng tạo cá nhân nhưng quá trình hình thành tác phẩm lại chịu ảnh hưởng rất lớn của chủ đầu tư, của nhà quản lý. Tác động của chủ đầu tư, của nhà quản lý có thể gây ảnh hưởng tiêu cực. Sáng tạo của kiến trúc sư là cần nhưng chưa đủ đảm bảo có tác phẩm đẹp, có giá trị cho xã hội. Kiến trúc sư phải có bản lĩnh giữ được quan điểm sáng tạo của mình thay vì chỉ “đón ý nhận lệnh”; kiến trúc sư phải có đủ tri thức, trình độ thuyết phục chủ đầu tư, nhà quản lý theo quan điểm sáng tạo của mình. Kiến trúc sư còn có trách nhiệm với xã hội. Chú Sáu đã nêu rõ trách nhiệm đó: “Chính vì vậy mà xã hội chờ đợi Hội Kiến trúc sư thành phố làm tốt vai trò của mình, vai trò của một cơ quan phản biện, hoạt động hết sức độc lập và chỉ dựa vào tri thức chuyên môn, kiên trì bảo vệ những giá trị của sáng tạo”.
Chú Sáu viết, “kiến trúc sư cũng là một nghề nhưng không là một nghề chỉ để kiếm sống”.
Đến ngày hôm nay, tôi vẫn luôn cho đó là những lời nhắc nhở của chú Sáu đối với mình trong công việc hàng ngày để làm theo. Tôi nghĩ, không chỉ một mình tôi mà nhiều anh chị em hội viên Hội Kiến trúc sư thành phố cũng tâm niệm như vậy với những tình cảm chú Sáu dành cho Hội, dành cho tất cả anh chị em kiến trúc sư.
Hình chụp trang báo KT&ĐS trích đăng thư của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Hội Kiến trúc sư TP.HCM nhân dịp 25 năm ngày thành lập Hội
TS.KTS Lê Văn Năm: “Giới kiến trúc sư luôn dành cho chú Sáu sự cảm phục”
TS.KTS Lê Văn Năm là bậc lão thành trong giới kiến trúc thành phố, ông sinh năm 1938. Về chức danh quản lý, ông từng là Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản; Giám đốc Sở Xây dựng (19791992); Kiến trúc sư trưởng TP.HCM (19922001); Với Hội Kiến trúc sư thành phố, ông làm Phó tổng thư ký Hội từ khi thành lập đến giữa khoá 1, Tổng thư ký từ giữa khóa 1 (1981-1987) đến hết khóa 2 (1987-1994), Chủ tịch hội khóa 3 (1994- 2000) và khóa 4 (2000-2005). TS.KTS Lê Văn Năm từng có nhiều dịp làm việc trực tiếp với Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân.
Một ngày cuối tháng 10.2022, chuẩn bị cho số báo kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phóng viên KT&ĐS đã tới thăm TS.KTS Lê Văn Năm tại nhà riêng để nghe những hồi ức, kỷ niệm với chú Sáu Dân. Trên tường nhà, TS.KTS Lê Văn Năm treo 2 tấm ảnh: tấm thứ nhất là ảnh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với Hội đồng Kiến trúc Việt Nam; tấm thứ hai là ảnh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với TS.KTS Lê Văn Năm tại nhà riêng của Thủ tướng vào một dịp tết. TS.KTS Lê Văn Năm tâm sự: “Tôi treo hai tấm ảnh đó để nhớ một con người lúc nào cũng nghĩ đến sự phát triển của Sài Gòn- TP.HCM”.
Câu chuyện của ông quay về thời năm 1976-1977. Ông kể, khi đó mới kết thúc thời kỳ quân quản, có lần chú Sáu Dân hỏi, “thực tế lực lượng kiến trúc sư thành phố như thế nào”, tôi trình bày với chú là anh em kiến trúc sư thành phố có thành phần xuất thân rất khác nhau, được đào tạo từ nhiều nguồn. Chú Sáu căn dặn, “phải làm sao cố gắng đưa hết anh em vào làm việc”.
Chính nhờ quan điểm đó mà Viện Quy hoạch những ngày đầu tiên cho phép nhận anh em kiến trúc sư từ nhiều nguồn khác nhau, không phân biệt xuất thân chứ không chỉ có anh em đi kháng chiến, đi tập kết về. Muốn tập hợp được anh em, huy động được sức sáng tạo, phát huy tài năng của họ đóng góp cho sự phát triển của thành phố thì không được phân biệt đối xử, phải trân trọng với anh em. Tôi cho rằng đó là cách ứng xử rất đáng quý của chú Sáu.
Câu chuyện tiếp theo vẫn ở thời kỳ những năm 1976-1977, lúc mới chuyển giao từ Ủy ban quân quản sang Ủy ban nhân dân. Thời đó phải nói là quá trời việc nhưng các cấp lãnh đạo vẫn rất quan tâm đến các vấn đề đô thị. Môt lần chú Sáu Dân nói, thành phố quá ngột ngạt, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy cái công viên, mấy chú tính coi có chỗ nào làm công viên được? Tôi báo cáo sơ bộ, có một vài nơi có thể làm nhưng hoặc còn đang là nghĩa địa, hoặc là đất chưa khai thác. Chú Sáu đề nghị chụp ảnh để nghiên cứu. Thế là một chuyến bay bằng trực thăng của quân khu 7 được tổ chức. Chúng tôi nhờ người chụp ảnh là một anh đã sống ở Sài Gòn lâu năm, đang làm việc bên Viện thiết kế. Thời đó còn chụp bằng máy phim. Kết quả của chuyến bay là mấy chục tấm ảnh chụp từ trên cao. Xem ảnh, chú Sáu nói tốt quá, vẫn còn đất để làm công viên. Thực tế, ý tưởng hình thành các công viên Đầm Sen, công viên Chiến Thắng (hiện là công viên Hoàng Văn Thụ), công viên hồ Kỳ Hoà, công viên Bình Tiên - Bình Phú, công viên Lê Văn Tám, công viên Lê Thị Riêng… là bắt đầu từ chuyến bay này. Nay thì những công viên kể trên đã trở thành những mảng xanh quen thuộc ở thành phố.
Câu chuyện kế tiếp là kỷ niệm về xử lý ô nhiễm. Khoảng cuối thập niên 70 đầu thập niên 80, một lần chú Sáu bảo, “chú Năm coi kiếm một địa bàn nào cụ thể lấy làm điểm để xử lý ô nhiễm”. Sau khi cân nhắc, tôi đề xuất chọn quận 11 làm thí điểm bởi đó không phải trung tâm như quận 1 quận 5, có nhiều hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Buổi họp đầu tiên tổ chức ngay tại địa bàn quận 11, đang họp thì khói bay vào phòng họp, mọi người chịu không nổi. Đó là khói bụi từ các lò nấu tái chế bao ni lông tạo ra chất thải độc hại, ô nhiễm khủng khiếp. Nhưng cũng không thể vì đó mà cấm sản xuất ngay được. Bảo vệ môi trường là cần thiết nhưng sản xuất bao ni lông cũng cần. Tôi còn nhớ chủ tịch quận 11 lúc đó là anh Tư Cang (Huỳnh Văn Cang). Các giải pháp xử lý được bàn bạc, đưa ra. Về công nghệ là dùng hoá chất kết hợp lò kín có ống khói cao để giảm ô nhiễm trực tiếp tại khu dân cư và tiếp theo là di dời, gia tăng khoảng cách. Sau thời gian đó, việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm mới trở thành giải pháp phổ biến. Đó là bài học cụ thể về sự sâu sát thực tế, giải quyết dứt dạt ngay tại cơ sở của chú Sáu.
KTS trưởng Lê Văn Năm trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về đề án quy hoạch trung tâm thành phố. Ảnh của tác giả Trần Tiến Dũng chụp năm 1998
Đầu năm 1982, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chuyển công tác ra Hà Nội. TS.KTS Lê Văn Năm kể, mặc dù công việc ở Hà Nội rất bận nhưng chú Sáu vẫn rất quan tâm đến các vấn đề của thành phố. Có lúc chú Sáu vô Sài Gòn nghe, có lúc yêu cầu anh em ra Bắc báo cáo, xử lý. Có lần chú Sáu gọi anh Năm Nghị và tôi ra Hà Nội, ra tới nơi gặp là làm việc luôn tới tối để hôm sau còn quay vô. Chú Sáu, như thường lệ, nắm sự việc rất cụ thể, chi tiết và nhắc nhở anh em liên tục.
Sau khi thành phố có quy hoạch Tổng mặt bằng lần thứ nhất được phê duyệt năm 1993, chú Sáu yêu cầu “phải tính để tiếp tục phát triển thành phố, nếu mình dừng ở đây thì không được”. Muốn phát triển đô thị thì phải tìm chỗ đất trống để phát triển. Chúng tôi đã có nhiều lần đi khảo sát tìm địa điểm và phương án phát triển thành phố, khi thì đi đường bộ, lúc thì dùng máy bay trực thăng. Khoảng năm 1993, có lần chúng tôi bay khắp phía nam thành phố và đáp xuống chỗ làm nhà máy điện Hiệp Phước bây giờ. Việc phát triển đô thị ở vùng đất sình lầy nghèo khó tại Nhà Bè nằm trong định hướng đó. Chính tôi là người đưa Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên đi khảo sát thực tế tìm phương án làm đường nhưng chỉ đi được một số đoạn thì không đi nổi nữa vì bị ngập. Sau những tính toán, thay đổi mới chọn phương án làm đại lộ Nguyễn Văn Linh như hiện nay. Đại lộ Nguyễn Văn Linh lộ giới 120 mét, giúp lan tỏa phát triển đô thị là một tầm nhìn sáng suốt. Thành phố phát triển về phía nam, khu chế xuất Tân Thuận, đô thị Phú Mỹ Hưng, cảng và nhà máy điện Hiệp Phước ra đời. “Thành phố phải tiến về phía nam, tiến ra biển nhưng tiến với mức độ nào là điều phải tính”, chú Sáu đã từng căn dặn.
Sau này có một số ý kiến (một số ít chứ không phải là tất cả) cho rằng việc phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng, làm đường Nguyễn Văn Linh gây ngập bởi không tính đến việc thoát nước. Thực tế thì các vấn đề kỹ thuật trong phát triển đô thị ở đây là xây dựng trên nền đất yếu và giữ dòng chảy thoát nước đã được tính toán, có giải pháp bảo đảm dòng chảy thoát nước tự nhiên.
Một địa điểm nữa mà chúng tôi cũng khảo sát và báo cáo rất kỹ giống như báo cáo về thành phố là vùng Nhơn Trạch, Đồng Nai. Đây là tâm của tam giác gồm ba thành phố là Vũng Tàu - Biên Hòa - TP.HCM. Tôi còn nhớ chuyến bay trực thăng cuối cùng đi thực tế với chú Sáu vào khoảng năm 1994, có khảo sát Nhơn Trạch, Bà Rịa - Vũng Tàu. Chú Sáu yêu cầu đặt thành phố trong việc phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngồi lặng người để hồi tưởng về những kỷ niệm với Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hồi lâu, TS.KTS Lê Văn Năm nói chậm rãi: “Tư duy, những chỉ đạo của chú Sáu Dân luôn có tầm nhìn xa trông rộng. Chú Sáu Dân là người có sức lan tỏa rất lớn. Nhãn quan đặc biệt về kiến trúc, quy hoạch của chú Sáu luôn khiến giới kiến trúc sư chúng tôi cảm phục”.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, năm 2006
KTS Khương Văn Mười: “Chú Sáu Dân là người nêu ý tưởng phát triển du lịch Củ Chi, hình thành đô thị biển Cần Giờ”
KTS Khương Văn Mười nguyên là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ V (2005-2010) và nhiệm kỳ VI (2010-2015). Ông kể với KT&ĐS câu chuyện về phát triển đô thị, du lịch ở Củ Chi và Cần Giờ qua ý kiến chỉ đạo của chú Sáu Dân.
Tôi được làm quen và có dịp làm việc với chú Sáu Dân khi tham gia sinh hoạt ở Hội Trí thức yêu nước lúc mới thống nhất đất nước sau 1975. Khi đó thành phố ta chưa lập Hội Kiến trúc sư. Hội Trí thức yêu nước có lịch họp hàng tuần, chú Sáu thường tham dự gặp gỡ anh em, tuần nào bận công việc thì chú cử thư ký đến ghi chép.
Tôi còn nhớ ấn tượng với chủ trương phát triển du lịch ở địa đạo Củ Chi. Sau buổi họp bàn, đoàn của Hội Trí thức yêu nước cùng chú Sáu lên tham quan địa đạo. Trong đoàn có một số kiến trúc sư cao tuổi hơn tôi như các anh Đỗ Đình Việt, Cao Xuân Lương… Có lẽ tôi là người nhỏ tuổi nhất đoàn, năm đó mới 26 tuổi.
Khu địa đạo Củ Chi lúc đó quang cảnh hoang tàn, chúng tôi đi theo đội hình hàng 1 giữa cánh đồng rộng mênh mông không có chút màu xanh, thỉnh thoảng mới gặp vài gốc cây, thân cây cháy đen nằm còng queo giữa đồng. Dẫn đầu đoàn là các anh du kích. Tôi đi cuối đoàn, khóa đuôi phía sau cũng là các anh du kích. Thỉnh thoảng, anh du kích chỉ cho tôi thấy trái mìn lộ ra sau mưa nằm ven lối đi. Sau chiến tranh, bom mìn đã được rà soát, phá hủy nhưng vẫn còn rải rác đó đây. Chính vì vậy, chúng tôi được yêu cầu phải giữ kỷ luật, không tự ý tách hàng.
Trong điều kiện như vậy mà chú Sáu nói phải xây dựng, phát triển Củ Chi thành điểm du lịch thu hút khách quốc tế thì quả thực, tôi chưa hiểu. Khi quay về thành phố, tôi nêu lại thắc mắc, chú Sáu thuyết phục bằng cách kể lại cuộc sống dưới địa đạo trong kháng chiến. Thực tế có thể coi như tồn tại cả “một thành phố” trong lòng đất, có cả trạm y tế, có trường học... Là người đã trải qua thực tế chiến đấu ở Củ Chi, chú Sáu hiểu được giá trị lịch sử của vùng đất đó và cho rằng lịch sử chiến đấu chính là yếu tố thu hút khách du lịch. Chú mong muốn cuộc sống và chiến đấu dưới lòng đất ở Củ Chi sẽ được giới thiệu với thế giới và đặc biệt, khi du lịch phát triển, bà con tại chỗ sẽ có cơ hội cải thiện, nâng cao cuộc sống.
Vì là kiến trúc sư, lại trẻ tuổi nên tôi được phân công vẽ triển khai, phát triển các ý tưởng để tổ chức du lịch. Ý tưởng ban đầu cũng chia thành các phân khu, có chỗ tham quan, có nơi phục vụ ăn uống, mua sắm…
Nay thì Đền Bến Dược, Khu di tích địa đạo Củ Chi đã trở thành điểm du lịch độc đáo, nổi tiếng của thành phố được cả thế giới biết tiếng. Cuộc sống và chiến đấu dưới lòng đất đã được tái hiện thành tour du lịch trải nghiệm, vùng đất Củ Chi đã thành điểm đến hấp dẫn. Củ Chi đang được quy hoạch phát triển thành đô thị du lịch xanh, nông nghiệp công nghệ cao mang lại cuộc sống ấm no cho bà con Củ Chi như mong muốn ngày nào của chú Sáu.
Chú Sáu Dân cũng là người có công lao rất lớn cho sự phát triển của vùng đất Cần Giờ. Cần nhắc lại, ngay sau tiếp quản 1975, Cần Giờ lúc đó là huyện Duyên Hải thuộc địa phận Đồng Nai.
Đền Bến Dược cùng Địa đạo Củ Chi hiện đã là những điểm du lịch được nhiều người biết tiếng
Tôi nhớ mãi kỷ niệm chuyến đi công tác đầu tiên với chú Sáu về Duyên Hải vào khoảng đầu năm1977, trước khi Duyên Hải được sáp nhập vào thành phố. Trong đoàn ngoài chú Sáu còn có các cán bộ thành phố, kiến trúc sư Nguyễn Trung Tín và tôi.
Thời đó chưa có đường xuống Duyên Hải, chúng tôi đi xe ra Vũng Tàu rồi từ đó đi tàu về Duyên Hải. Khi tàu vào đến Cần Thạnh, trước mắt chúng tôi hiện ra một vùng ngập nước mênh mông trắng xóa, trơ trụi, chỉ có ít cây xanh trồi lên trên mặt nước. Điều kiện sống ở Duyên Hải lúc đó rất khó khăn, không có đường bộ, không có điện, thiếu nước ngọt, bà con phải đào sâu mấy mét mới tìm được nước sinh hoạt. Chúng tôi đi ra cửa sông, bùn từ sông theo dòng chảy tràn ra bãi biển. Chú Sáu nói muốn cải tạo thành bãi tắm thì phải tìm cách ngăn bùn.
Quan điểm của chú Sáu là thành phố Hồ Chí Minh phải có bờ biển. Thành phố hướng ra biển để làm cửa ngõ lưu thông, có chỗ tắm biển, du lịch cho người dân thành phố. Chú Sáu cũng mong muốn làm đường, đưa được nước ngọt về giúp cuộc sống của bà con tại chỗ bớt khó khăn.
Điều thuận lợi là khoảng cách từ trung tâm thành phố ra Duyên Hải chưa tới 50km. Sau chuyến đi trên, nhiều công việc đưa Duyên Hải về thành phố được xúc tiến. Tháng 11 năm 1977, huyện Duyên Hải đón Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm. Cùng đi có Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt. Sau khi đi thực địa và làm việc với lãnh đạo huyện, Tổng Bí thư trao đổi về đề nghị của Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt liên quan đến sáp nhập Duyên Hải vào thành phố.
Tháng 2 năm 1978, Duyên Hải được sáp nhập vào TP.HCM. Sau đó, đường đi và nước ngọt cho Duyên Hải được xúc tiến giải quyết. Duyên Hải cũng được đổi tên thành Cần Giờ. Trong một cuộc họp, chú Sáu đề nghị vạch tuyến đường từ thành phố, đó là tuyến đường xuống Cần Giờ hiện nay. Về nước ngọt thì sau nhiều phương án, thời điểm đó thành phố chọn giải pháp tạm thời là dùng xà lan chở nước ngọt xuống Cần Giờ.
Đồng thời, ý tưởng lấn biển làm bãi tắm, cải tạo bờ biển làm khu du cũng được tiến hành. Đó là thời gian tôi được giao triển khai khu du lịch khoảng 300ha ở biển Cần Thạnh, Cần Giờ. Từ ý tưởng của lãnh đạo, mình mới đưa ra hướng giải quyết về chuyên môn. Vùng biển này có đặc thù là nhiều sình nên tôi cho làm hai bờ bao nhân tạo hút sình ra, thổi cát vào tạo thành khu tắm biển, vui chơi giải trí.
Nay thì giao thông, nước ngọt, điện, hệ thống bệnh viện, trường học, chợ, cửa hàng tiện ích đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của bà con Cần Giờ. Cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Mới nhất, tháng 10.2022, thông tin quy hoạch phát triển Cần Giờ trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao đã được công bố. Cần Giờ đã trở thành cửa ngõ ra biển của thành phố, có hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, có khu dự trữ sinh quyển thế giới, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 100 ngày sinh của chú Sáu, tôi muốn nhắc đến câu chuyện phát triển của Củ Chi, Cần Giờ để thấy được tầm nhìn trong tư duy của chú, tầm nhìn khiến giới chuyên môn kiến trúc, quy hoạch thực sự cảm phục.
Rừng phòng hộ Cần Giờ: Cầu đường và điện đã về với Cần Giờ
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 197