Nơi hội tụ nhiều dòng kiến trúc

11/12/2017 - Điểm đến
Tác giả: Bài PGS.TS.KTS Nguyễn Khởi ảnh Thu Vân - TL KT&ĐS

Có thể nói trong tất cả các đô thị của Việt Nam, không có nơi nào hội tụ nhiều dòng kiến trúc như ở Sài Gòn - TP.HCM. Ngay từ thuở ban đầu đất Sài Gòn - Gia Định là nơi thu nạp nhiều dòng văn hóa các dân tộc người Việt, Hoa, Chăm, Khơ-Me. 

 
 
 
Gần 320 năm trước, những lưu dân từ miền Trung, Bắc đến đây lập nghiệp, rồi các di dân người Hoa vào định cư ở Biên Hòa, Mỹ Tho cũng hội tụ với cư dân bản địa. Sau đó, đất Sài Gòn đã trở thành một trung tâm của cả nước, đón nhận những ảnh hưởng văn hóa Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước. Sự đa dạng văn hóa là tiền đề cho một cơ cấu nhiều dòng kiến trúc của Sài Gòn, và chính nó đã làm nên bản sắc kiến trúc đô thị đặc trưng mà hiếm nơi nào có được. Ngày nay trong lòng đô thị Sài Gòn - TP.HCM đang lưu giữ nhiều di sản kiến trúc quý hiếm.
Trước hết đó là những di sản kiến trúc của người Việt với những phố xá tập trung dọc theo các quan lộ, kênh rạch tạo nên hình ảnh “trên bến dưới thuyền”. Nhà cửa rộng lớn thích hợp với phong thổ, mái lợp ngói cột điều mộc, vách trát đất sét lên sườn tre rồi tô hồ. Nhiều nhà cao cẳng, sàn bằng ván xếp hàng dọc theo bờ kênh, bờ sông hay dọc theo đường cái rộng rãi, quang đãng... “Đó là những nếp nhà nửa đô thị, nửa nông thôn. Tại các phố thị nhà phát triển thêm tầng lầu, mặt bằng kéo dài dạng nhà ống, bố trí kho hàng và bến thuyền dọc theo kênh rạch…”, theo thời gian chúng đã biến thành những dãy nhà phố đặc trưng đông đúc.
Năm 1772 với sự xuất hiện của Lũy Bán Bích dài gần 10km bao bọc một địa bàn rộng 50km2 đánh dấu một bước phát triển của đô thị Sài Gòn đầy đủ hai yếu tố “thành và thị”. Năm 1790, Gia Long cho xây dựng thành Quy theo kiểu Vauban, thành này có tên gọi là Gia Định thành hay Phiên An thành. Đến năm 1836, Minh Mạng cho phá thành này và xây lại thành mới ở đông bắc thành cũ, gọi là thành Phụng với mặt bằng hình vuông. Thành này bị thực dân Pháp tấn công vào năm 1859 và phá hủy. Những dấu vết còn lại hiện đang nằm trong lòng đất rất có giá trị về khảo cổ học.
Dọc theo các đường thủy bộ ngoài phố xá phải kể đến các ngôi chợ như chợ Bến Thành, chợ Cầu Muối, chợ Sỏi, chợ Quán…Trong số đó tiêu biểu nhất là chợ Bến Thành. Ban đầu ngôi chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh bên sông gần thành Gia Định. Bến này dùng cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy nên mới gọi là Bến Thành. Chợ lúc ban đầu được xây dựng bằng gạch, khung nhà gỗ mái lợp lá. Kiến trúc chợ Bến Thành lúc bấy giờ mang được nét truyền thống, được mô tả như là phố chợ, nhà cửa trù mật dọc theo bờ sông. Cạnh chợ dọc theo sông Bến Nghé các ghe thuyền thường đậu chen chúc tạo thành một phố nổi trên mặt nước. Năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định, quân ta dùng hỏa công thiêu rụi cả thành phố, tất nhiên chợ Bến Thành cũng bị thiêu hủy. Sau đó người Pháp cho xây lại ở phía Nam kênh lấp, nay là đại lộ Nguyễn Huệ. Ngôi chợ được xây bằng cột gạch, vĩ kèo sắt, mái lợp ngói, cả thảy có năm gian, riêng gian hàng thịt được lợp bằng tôn, nền lát đá xanh. Do nằm ở vị trí thuận tiện, nơi hợp lưu của hai tuyến đường thủy là Kinh Lớn và rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi) nên ghe thuyền có thể cập bến dễ dàng.
 
 
Mặt đứng chùa Bà Thiên Hậu với lối kiến trúc đặc trưng kiểu chùa chiền của người Hoa
 
Tuy nhiên, khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ đã trở nên cũ kỹ, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Để tránh tai họa, người Pháp lại lựa chọn một địa điểm mới trên cái ao Mairais Boresse được lấp lại để xây dựng chợ Bến Thành ngày nay. Sau hai năm thi công, đến năm 1914 thì khánh thành. Kiến trúc chợ từ đó đến nay về cơ bản không có gì thay đổi và theo thời gian chợ Bến Thành đã trở thành một biểu tượng của Sài Gòn - TP.HCM.
Cùng với chợ búa và kiến trúc nhà ở truyền thống, ngôi đình cũng được chú trọng.Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và đời sống tâm linh của người Việt, đình chiếm vị trí rất quan trọng. Những lưu dân phương Bắc vào định cư, khẩn hoang lập nghiệp, khi đã lập làng lập ấp xong thì việc dựng đình là việc làm trước tiên. Đình là nơi thờ Thành Hoàng, vốn là người có công với dân với nước, xóm làng, được cộng đồng cư dân kính trọng, được tôn lên bậc thần thánh, thờ phụng trong đình, Thành Hoàng luôn che chở cho dân làng sinh sống bình yên, thịnh vượng. Những ngôi đình nổi tiếng đất Gia Định xưa là đình Phú Nhuận, đình Hạnh Thông Tây… Trong số đó, đình Hạnh Thông Tây là một trong những ngôi đình cổ xưa nhất, được xây dựng vào khoảng năm 1679 ở Gò Vấp. Nét độc đáo của ngôi đình thể hiện ở phần chánh điện gồm hai tòa nhà kiểu tứ trụ mái liền nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Phía trước có ba hương án gỗ hình vuông được chạm khắc tinh xảo. Trên nóc điện có tượng “lưỡng long tranh châu” bằng gốm men xanh rất đẹp. Ở khu vực chính giữa là bàn thờ bằng gỗ được chạm lộng, chạm nổi hình “lưỡng long triều nhật” sống động. Đặc sắc nhất là trang thờ thần với đề tài “lưỡng long triều nguyệt” được chạm khắc tinh xảo và kỳ công nhất. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình Thông Tây Hội vẫn lưu giữ gần 40 hiện vật quý: bao lam, hoành phi, câu đối, trang thờ… Với những đường nét màu sắc sơn son thiếp vàng gần như nguyên vẹn.
Đình Phú Nhuận được xây dựng vào khoảng năm 1818 và đến năm 1852 được xây lại trên địa điểm hiện nay. Đình có hai trục, trục chính nằm bên phải có nhà võ ca, võ quy, chính điện. Trục phụ gồm sân đình, nhà thảo bạt, nhà túc, sân thiên tĩnh, nhà bếp và nhà kho. Mái đình lợp ngói âm dương, trên đỉnh có trang trí “lưỡng long tranh châu” bằng gốm. Kết cấu khung cột, vĩ kèo gỗ, theo cấu trúc cổ truyền.
Chính điện là nơi thờ thần, được xây dựng theo kiểu tứ tượng, mặt bằng vuông, dạng kiến trúc đặc thù của đình làng Nam bộ. Các bàn thờ được sắp xếp thành ba dãy, hai dãy hai bên bàn thờ tả ban Bà Chúa Xứ và hữu ban thờ Đông Nam Sát Hải Đại tướng quân. Đình Phú Nhuận cũng như đình Hạnh Thông Tây rất có giá trị về văn hóa - xã hội và đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Cùng với quá trình định cư lập làng xây đình, chùa làng cũng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, cầu sự yên bình trong cuộc sống. Trãi qua bao thăng trầm của lịch sử, phần lớn các ngôi chùa Việt bị phá hủy đến nay còn lại không nhiều. Đó là các ngôi chùa Trường Thọ ở Gò Vấp, chùa Tứ Ân, chùa Gò (Phụng Sơn tự), chùa Giác Viên ở quận 11, chùa Giác Lâm ở quận Tân Bình, chùa Phước Tường ở quận Thủ Đức…
Tổ đình Giác Lâm là ngôi chùa cổ nhất ở Sài Gòn - TP.HCM. Chùa được xây dựng vào năm 1744 trên gò Cẩm Sơn đến nay đã được 271 năm. Theo sử chép vào năm 1774 thiền sư Tổ Tông - Viên Quang về đây trụ trì, từ đó có tên là Giác Lâm cho đến ngày nay. Ngôi chùa là trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho các chư tăng ở Nam bộ.
Chùa có lối kiến trúc chữ Tam gồm ba dãy nhà ngang nối liền nhau (không kể các nhà phụ) chính điện, giảng đường và trai đường.
Chính điện tổ đình Giác Lâm có kiểu kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống một gian hai chái với bốn cột chính gọi là tứ trụ, mái lợp ngói máng xối. Nội thất được bố trí theo kiểu “tiền phật, hậu tổ”. Phía trước chính điện thờ phật Adiđà, Thích Ca, Di Lặc. Phía sau chính điện là bàn thờ tổ, thờ chí vị tổ sư tiền bối đã trụ trì. Đối diện với bàn thờ tổ là giảng đường. Nhìn chung nội thất điện khá rộng và sâu, các cột được chạm khắc câu đối thiếp vàng công phu. Giữa các hàng cột là các cửa vòng, cũng được thếp vàng, chạm trổ các đề tài truyền thống như tứ linh, tứ quý, hoa điểu. Trong chùa có 113 pho tượng bằng gỗ và 7 tượng được đúc bằng đồng rất có giá trị nghệ thuật.
Trước chùa có đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát dưới cây bồ đề do Đại đức Narda mang từ Sri-Lanka sang trồng từ năm 1953. Kiến trúc chùa hài hòa với địa thế gò đồi cảnh quan cây xanh xung quanh. Tạo nên một khung cảnh vừa cổ kính vừa u tịch nơi cửa Phật. Chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
 
 
Các hoa văn được thiết kế theo chủ đề riêng như tứ linh, tứ quý, hoa, điểu... cho từng ngôi đình, chùa, miếu
 
Đối với Sài Gòn - TP.HCM khi nói đến văn hóa người Hoa người ta nghĩ ngay đến Chợ Lớn. Ngược dòng thời gian vào khoảng năm 1776 khi những người Hoa ở Cù Lao phố chạy về định cư ở Đề Ngạn (sau này gọi là Chợ Lớn) thì từ đó Chợ Lớn mới thật sự phát triển. Do nhu cầu, người Hoa xây phố, lập chợ buôn bán và dần trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất cả nước với những khu phố buôn bán sầm uất, những con đường, cửa hiệu cùng lối kiến trúc rất đặc trưng, những mái nhà lợp ngói ống, những cửa hàng chuyên doanh như phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông, Lương Như Ngọc, Triệu Quang Phục, các tiệm ăn, xưởng thủ công…
Xen lẫn vào các khu phố người Hoa còn có các đình chùa, hội quán. Chúng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa.
Một trong số những kiến trúc nổi tiếng ở Chợ Lớn phải kể đến chùa Bà Thiên Hậu. Ngôi chùa tọa lạc tại số 710 Nguyễn Trãi, quận 5. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa được xây dựng vào năm 1760.
Chùa có lối kiến trúc rất đặc trưng, kiểu chùa chiền của người Hoa với cổng tam quan cách điệu, cửa vào ở chính giữa và hai cửa vào hành lang hai bên phù hợp với công năng sử dụng của công trình. Phần kiến trúc chính giữa gồm bốn ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng chữ khẩu. Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện, giữa còn có sân thiên tĩnh (giếng trời) để lấy ánh sáng cho hậu cung và thoát khói hương. Dọc theo phần kiến trúc chính là hai dãy hành lang nối liền từ ngoài vào bên trong chùa.
Trang trí trong dùng nhiều phù điêu bằng gốm, tượng tròn với các đề tài chim, hoa lá và hoành phi dày đặc từ nóc chùa, mái đến bàn thờ, vách tường…
Kỹ thuật xây dựng chùa dùng vĩ kèo khung gỗ được sơn son, viền vàng xanh, trên cột gắn các câu đối màu đỏ, mái lợp ngói ống tráng men xanh vàng cũng là điểm đặc trưng của kiến trúc chùa Hoa.
Chùa Bà Thiên Hậu là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng người Hoa ở TP.HCM. Không những thế đây còn là một di tích có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, điêu khắc. Chùa được công nhận là di tích văn hóa - nghệ thuật quốc gia.
Năm 1859, thực dân Pháp chiếm Sài Gòn và sau khi thành Gia Định bị thất thủ thì trên vùng đất hoang tàn này, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng một trung tâm hành chính công thương nghiệp mới, mở đầu cho sự giao lưu với văn hóa phương Tây.
Bước đầu của kiến trúc Pháp ở Sài Gòn được đánh dấu bằng các công trình được xây dựng vào giai đoạn “các đô đốc toàn quyền” ban đầu là những kiến trúc “thực dân tiền kỳ” với những sản phẩm kiểu kiến trúc quân sự như trại lính, xưởng đóng tàu Ba Son, tổng kho quân nhu…
Chỉ sau quyết định của Hoàng đế Napoleon III năm 1865 chính thức xác nhận nước Pháp sẽ ở lại vĩnh viễn đất Nam kỳ, kiến trúc Pháp đã có những chuyển biến mạnh mẽ, xuất hiện các công trình hành chính, nhà thờ, thương mại, bệnh viện, trường học… có phong cách kiến trúc cổ điển, Roman, Gôtic hay tân cổ điển có chú ý đến khí hậu nhiệt đới và bước đầu sử dụng những mô típ trang trí lấy đề tài văn hóa bản địa như Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện, Dinh Xã Tây (nay là UBND TP.HCM), tòa án…
Sau chiến tranh thế giới thứ I, công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 bắt đầu. Người Pháp đã có nhiều cố gắng tìm kiếm một phong cách kiến trúc mới, đó là phong cách kiến trúc Đông Dương. Phong cách này đã kết hợp được một cách hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây mà cho đến nay vẫn cho nhiều bài học quý giá như Bảo tàng Lịch sử trong Thảo Cầm Viên.
Cuối cùng là sự xuất hiện các công trình mang phong cách “kiến trúc hiện đại nhiệt đới”, trong đó đã sử dụng công nghệ và vật liệu mới có tính đến những đặc thù của nền văn hóa phương Đông và khí hậu địa phương như dưỡng đường Saint Paul (Viện Mắt TP.HCM), chợ Bến Thành (mới), chợ Tân Định…
Chính các phong cách kiến trúc tân cổ điển, phong cách kiến trúc Đông Dương và phong cách kiến trúc hiện đại nhiệt đới đã góp phần tạo nên tiền đề cho sự phát triển của nền kiến trúc Việt Nam sau này.
Như vậy với sự đa dạng và phong phú các loại hình kiến trúc Pháp cùng với quỹ di sản kiến trúc đồ sộ của các tộc người anh em đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, chúng như một phần máu thịt tất yếu góp phần làm nên tính Sài Gòn xưa và cũng là nền móng vững chắc cho sự phát triển của kiến trúc đô thị mang sắc thái riêng của TP.HCM ngày nay.
 
Với sự đa dạng và phong phú các loại hình kiến trúc Pháp cùng với di sản kiến trúc đồ sộ của các tộc người anh em đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị Sài Gòn
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 117

Các tin khác