1. Có một ngày đi xa trở về, bỗng ngẩn ngơ thẫn thờ khi thấy hàng cây góc đường Lê Thánh Tôn - Pasteur không còn nữa. Chẳng phải là có kỷ niệm gì thật sâu sắc với những gốc cây to tới cả vòng tay ôm ấy. Mà sao da diết nhớ mỗi lần mang tranh tới nhà triển lãm 92 Lê Thánh Tôn giữa trưa nắng, chỉ mong nhanh chóng được tấp vào gốc cây. Nhớ những chiều mùa không nắng ngồi trực trong phòng triển lãm, nhìn ra những tán lá vần vũ trong gió, nhảy múa trong mưa, theo những vũ điệu bất tận của mùa. Nhớ cả những sớm mai của tháng 12 Sài Gòn lạnh bất thường, những mắt lá xanh xao ngơ ngác kiếm tìm mặt trời. Nhớ mùa lá rụng hàng năm, khi từng đợt từng đợt lá lìa cành, lượn vòng vòng trong không trung trước khi đậu xuống đường hay tìm chốn trú ẩn trên tóc, trên vai khách bộ hành. Như một lời giã từ một vòng đời của lá. Và nhớ cả một trưa hè nắng gắt, cùng bạn họa sĩ trẻ đi lượm từng cánh phượng hồng, những trái già héo khô và vỏ cây sù sì gai góc trên hè phố, để làm một sắp đặt mini. Từng mắt lá xanh yêu kiều, từng cánh hoa cong như cánh phượng mang màu của nắng, màu nâu già của cây…, tất cả đều là tình yêu cây đã trao cho người. Vậy nên, giờ đây không muốn tìm hiểu tại sao phố chỉ còn mang màu áo bê tông. Vì dù là gì - mà lý do thì bao giờ cũng hợp lý thôi - thì cũng quá đau lòng, khi thấy phố vốn duyên dáng như một cô gái trong tà áo dài nón trắng nghiêng che, giờ bỗng bỏ nón lá, cạo lông mày, phấn son toe toét, phơi mình trong một bộ dạng tân kỳ khiêu khích.
2. Có rất nhiều giả thuyết khác nhau về cái tên Sài Gòn. Nhưng hầu như các học giả đều thống nhất rằng, địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, xưa kia nằm trong một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn. Sài Gòn - hai mùa mưa nắng đã và vẫn đang đi qua những hàng cây. Sài Gòn, “Prey Nokor - Phố giữa rừng” theo tiếng Khmer, đã là tên của vùng đất này từ thời xưa lắc xưa lơ. Bao thế kỷ đã trôi qua. Người xưa đã đi xa và đương nhiên rừng cũng mất đi theo lẽ vô thường. Những dấu tích của rừng, giờ may ra chỉ còn thấy trong Thảo Cầm Viên ở cây xà cừ 150 năm tuổi cao hơn 40m với đường kính gốc gần 4m, ở cây thị 160 tuổi, ở cây cao su trăm tuổi tại công viên Gia Định hay cây bao báp cổ thụ trong trường Đại học Sư phạm. Đặc biệt hơn cả là những dấu tích cuối cùng của vùng rừng nguyên sinh như cây dây gùi có tuổi đời nhiều hơn cả Thảo Cầm Viên và cây đa 300 năm tuổi tại công viên Bách Tùng Diệp trên đường Lý Tự Trọng. Những gốc cây cổ thụ ấy đã gắn liền với sự phát triển của một vùng đất và trong những khung trời kỷ niệm riêng của mỗi người Sài Gòn. Sổ tay địa danh TP.HCM của tác giả Lê Trung Hoa - Nguyễn Đình Tư (NXB Văn Hóa Văn Nghệ, năm 2012) cho biết, trải qua nhiều thế kỷ phát triển, thành phố hơn 300 năm tuổi này có tới 217 địa danh mang tên cây cỏ và khoảng 132 địa danh chỉ sông rạch. Nhiều địa danh còn tồn tại tới nay như: Gò Vấp (đúng ra là Gò Vắp - gò có nhiều cây vắp - từ tiếng Khmer Kompap, một loại thân gỗ cứng như lim), hẻm Cây Điệp (quận 3), đường và chợ Vườn Chuối (quận 3), nhà thờ Vườn Xoài (quận 4), ngã ba Hàng Xanh (quận Bình Thạnh - đúng ra là Sanh), chợ Cây Quéo (trái quéo giống trái xoài), chợ Cây Thị, chợ Cây Da Xà (quận 6), Rạch Bàng (quận 7 - tên của loài cỏ bàng), cầu Rạch Chiếc (quận 9 - chiếc bắt nguồn từ tên Khmer là Prek Cek, một loài cây bụi hay mọc ven sông rạch), Gò Sao (quận 12 - cây sao thân thẳng, gỗ dùng đóng thuyền) v.v….
Bao thế kỷ đã đi qua. Thời gian vẫn đang cần mẫn ghi dấu trên từng góc phố và mỗi hàng cây ở nơi xưa kia từng là “phố giữa rừng”. Ngày ngày đọc báo vẫn thấy thông tin về những dự án tàu điện ngầm sắp hình thành, những cây cầu mới sắp xây và những khu cao ốc chọc trời dần định hình ở những nơi vốn chỉ có cây. Từ vùng đầm lầy đầy dừa nước quận 2 năm nào, nay đã có một đô thị mới An Phú – An Khánh khang trang. Từ vùng đất hoang vu quận 7 mọc lên một Phú Mỹ Hưng, đô thị văn minh hiện đại. Thành phố đang đổi thay đầy tích cực đối với đời sống con người. Nhưng trong những quy hoạch đầy toan tính của người, cây luôn là vật phải hy sinh đầu tiên. Từ bao giờ, cây bị coi là vô tri vô giác, thậm chí cản trở sự phát triển của người? Những hàng cây cổ thụ bỗng chốc trở nên “xưa cũ”, thậm chí thành kẻ tội đồ, phá hủy phố, làm hại người khi mưa bão. Có bao giờ người tự hỏi đã làm gì cho cây? Đã coi cây cũng như người, cần chăm sóc, cần nuôi dưỡng và cần được cho một không gian sống thích hợp như người cần không khí chưa? Phố vẫn cần “lớn lên”, nhưng phố có còn là phố Sài Gòn, nếu thiếu vắng những chứng nhân cổ thụ kia?
Mỗi ngày đi ngang khu trung tâm thành phố, lại ngẩn ngơ nhớ những hàng dầu trăm năm tuổi, giờ đã đi xa. Dòng đời vẫn trôi, và ngày ngày những hàng cây vẫn dần dần biến mất. Như một sự bắt buộc trong muôn vàn nỗi thờ ơ của con người với thiên nhiên. Ở vài nơi, thay vào những gốc cổ thụ là những hàng cây mới, gầy guộc, không quá khứ, thiếu khuôn mặt. Ít ai nhớ rằng, cái hồn của một vùng đất không chỉ do người, hay nhà, hay phố, hay cầu, tạo nên. Cái hồn của một nơi chốn còn là sự gắn bó của tất cả những nhà, những phố, những người, những cầu và những hàng cây mà thành. Và phố, dù hiện đại tới đâu, cũng sẽ vô hồn nếu để mất đi sự hài hòa đó. Phố sẽ không còn khuôn mặt, nếu để mất đi những xưa cũ hồn cây.
3. Mỗi khi máy bay hạ độ cao chuẩn bị đáp xuống một nơi nào đó, tôi hay thích tìm kiếm những mảng xanh bên dưới. Vào ban ngày, những mảng xanh và những con sông bao giờ cũng là điểm dễ nhận thấy nhất, rồi mới tới những cây cầu và những mê cung phố-nhà-xe-người trong vòng quay bất tận. Các sắc độ khác nhau của màu xanh cũng cho bạn biết rất nhiều về nơi đó: là thành phố cũ hay mới với những hàng cây và công viên, là làng quê với ruộng đồng vườn cây, hay là vùng núi bao la với thung lũng và bình nguyên. Sài Gòn nhìn từ trên cao xuống vẫn còn rất nhiều màu xanh. Ở trung tâm Sài Gòn, thấy phố là thấy cây; trong khi ở khu phố cổ Hà Nội, mật độ nhà dày đặc hơn. Đã là người sống ở Sài Gòn, ai mà không biết về những hàng cây nổi tiếng xưa và nay: những cây xà cừ, sao đen, dầu rái, và bò cạp cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng; những hàng sao, hàng dầu trăm tuổi trên đường An Dương Vương, Hùng Vương, Nguyễn Văn Cừ, Ba Tháng Hai, Trần Hưng Đạo… hay những hàng phượng phèo leo, lim xẹt, bàng Đài Loan trên đại lộ mới Nguyễn Văn Linh. Những hàng cây - những di sản văn hóa gắn bó với bao thế hệ người Sài Gòn, không chỉ làm mềm không gian phố vốn xô bồ ồn ã, mà còn là những chứng nhân của lịch sử, của đời người qua bao đổi thay.
Mỗi lần đi từ sân bay trở về trung tâm thành phố, trên con đường thay đổi tới chóng mặt qua năm tháng với mật độ bê tông ngày một dày đặc hơn, lại thấy chạnh lòng. Chạnh lòng khi nhớ tới những con đường từ sân bay về thành phố ở những quốc gia từng qua: Áo, Đức, Thụy Sĩ, Singapore… Chạnh lòng cả khi nghĩ tới con đường Liên Khương - Đà Lạt rực rỡ sắc màu bông giấy, hay con đường Long Hải - Vũng Tàu hoa nở quanh năm, thậm chí cả những con đường dẫn tới những thị trấn nhỏ ở Thủ Dầu Một, Bình Dương… với những màu xanh của bàng, màu vàng hoa lim xẹt và tím bằng lăng xen lẫn sắc xanh non của cây lá trắng. Những con đường cửa ngõ dẫn vào một nơi chốn luôn để lại ấn tượng đầu tiên mạnh nhất cho du khách về nơi ấy. Và những hàng cây luôn đóng một vai trò không gì thay thế được trong bức tranh ấn tượng ấy. Trong lòng luôn ao ước về những tên phố gắn với tên cây như thời xa xưa, khi phố còn giữa rừng. Ai cấm người vẽ lên một gương mặt phố mới, nếu đó là gương mặt mang sự hài hòa giữa người-phố-thiên nhiên? Và ai cấm người mơ một giấc mơ về một phố mới - Phạm Ngọc Thạch chẳng hạn - trồng toàn mai, để mỗi khi tết đến xuân về, áo dài không phải xúng xính nghiêng đầu dưới những gốc giả mai vàng ngây ngô nữa? Mơ mãi một giấc mơ về một phố toàn lim xẹt xòe ô che nắng, để khi mùa về cho ai đó cầm tay nhau đi trên thảm hoa cánh vàng dài theo từng bước chân; một giấc mơ mang tên bằng lăng tím, hay phượng hoàng đỏ, hay Osaka vàng từng chùm buông dài, đung đưa bên những bức tường trên phố. Có ai nghĩ rằng, một ngày kia, những du khách từ bốn phương trời sẽ tìm tới một Sài Gòn - mùa mai vàng chẳng hạn, giống như bây giờ người ta đang đua nhau đi tour Nhật Bản - mùa hoa anh đào không?
Lại nhớ những câu chuyện thần thoại Hy Lạp khi xưa đã bao lần kể con nghe. Chuyện kể rằng, loài người được sinh ra từ loài cây. Người cao, người thấp, người da màu và người da trắng…, khác nhau như muôn vàn loài cây khác nhau trên trái đất, nhưng ai cũng được thừa hưởng khí phách và sức mạnh của loài cây, để có thể đối mặt với những sóng gió cuộc đời. Sức mạnh của cây ẩn trong hình hài của người. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ: người thì biết và tận dụng được điều đó, người thì không. Chuyện còn kể rằng, những thân cây cổ thụ là nơi ẩn náu của các vị thần, đồng thời cũng là chốn trú ẩn và chở che cho con người trong những tai ương. Huyền thoại vẫn mãi chỉ là huyền thoại thôi, phải không?
Tôi luôn có một niềm tin rất trẻ thơ rằng, trong mỗi gốc cây đều có một linh hồn, có thể truyền cho ta năng lượng sống. Trong mỗi tàng lá trên cao kia đều có một vị thần cư ngụ, người có thể “kể “cho ta biết bao điều mà ta đã không “nghe”, không “thấy” được giữa một đời bộn bề bon chen. Và tôi luôn ước ao rằng, giá mà người đừng vô tri vô giác, thì cây sẽ hạnh phúc biết bao.
Trái tim tôi thỉnh cầu loài cây
Trong im lặng
Tôi nói với cây:
Hãy kể tôi nghe về Chúa
Và cây nở hoa.
(Tagore - nhà thơ Ấn Độ, 1861-1941, Linh Trần dịch)
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 107