Sài Gòn - Ai cho, ai nhận?

12/12/2017 - Điểm đến
Tác giả: Bài Nguyễn Vĩnh Nguyên ảnh Quỳnh Chi - TL KT&ĐS

Dường như trong động lực sâu xa của lòng bao dung, trong sự khởi sinh của đức vị tha, có một điểm tựa niềm tin vào luật nhân quả. Ta làm điều tốt cho người là góp nghiệp tốt cho ta, hay theo lối nói “có trước có sau”, ta làm điều tốt cho người vì lúc nào đó trong cuộc đời, ta từng nhận ơn nghĩa từ tha nhân và ta phải có trách nhiệm đáp trả.

 
 
 
Sài Gòn chấp nhận, dung dưỡng những giá trị khác biệt để gạn đục khơi trong, làm nên một cuộc sống phong nhiêu, giàu sáng tạo
 
 
Cách đối nhân xử thế trọng nghĩa khí, tiết độ, rộng lượng của người Sài Gòn được thiết lập trên triết lý sống như thế. Điều đó một phần gắn bó với đặc thù hình thành đô thị này. Một nơi hội tụ dân tứ xứ, từ chinh phục sông nước, đầm lầy, vung lưỡi mác sắc mà phát lau sậy, dọn kênh rạch để dựng thành, dựng trấn, dựng cửa nhà, mở phố xá… thì những cư dân đầu tiên đã hẳn mang theo trong mình máu phiêu lưu hào sảng lẫn ý thức cộng đồng rất cao. Họ hiểu rằng, nếu bơ vơ trơ trọi, sẽ không kháng cự được với điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên hoang dã, không tựa vào nhau để sống thì sao bảo toàn tính mệnh trước những hiểm họa đến từ ngoại bang. Chính cái tinh thần tương thông, tương trợ để cùng sống, cùng xây dựng ban đầu đó, mà hình thành mô thức chung cho tính cách “kiểu Sài Gòn”.
Đề cao những chuẩn mực ứng xử cộng đồng, đề cao tình người và nghĩa khí, những con người ở thành phố này hơn ba trăm năm trước để lại trong tâm thức người đến sau những bài học, những kinh nghiệm, nguyên tắc thực hành đối nhân xử thế mà từ đó, có đặc thù nếp sống, văn hóa đô thị. 
Nhìn đặc điểm phong thủy, như sử gia Trịnh Hoài Đức trong quyển 4, Gia Định thành thông chí đã đưa ra cái nhìn lý thú và tình cờ gặp gỡ với những phân tích dưới nhãn quan nhân học: “Sài Gòn thuộc quẻ Ly, hành hỏa, là quẻ văn minh, cho nên các sĩ phu chuộng tiết nghĩa, chuộng lý học”.
Như vậy, nết đất hài hòa với tánh người mà hình thành nên căn tính văn hóa một vùng đất.
Trong một không gian sống, không gian hành xử cởi mở như thế, hẳn nhiên sáng tạo là thứ được tôn trọng. Vì những người từng kinh qua những bỡ ngỡ, khó khăn để khẳng định và cống hiến cho sự phong nhiêu của miền đất này, hẳn biết quý trọng những thành tựu được làm bởi mồ hôi nước mắt người khác, biết đặt mình trong hoàn cảnh của người để cảm thông, chia sẻ. Ta gọi đó là người biết mình, biết lấy đại cuộc làm trọng, từ đó sẵn lòng nâng đỡ, bảo trợ cho những giá trị mới được thêm vào, làm giàu cho đời sống.
 
 
Chính cái tinh thần tương thông, tương trợ để cùng sống, cùng xây dựng của những cư dân đầu tiên của vùng đất này mà hình thành mô thức chung cho tính cách “kiểu Sài Gòn”
 
 
Những tính cách tự nhiên ấy hình thành trong đời sống đô thị có thể một giai đoạn nào đó từng bị những bể dâu chính trị can thiệp nhưng không thể làm đổi thay, khi, văn hóa là thứ bắt sâu vào trong tâm thức con người trong vô thức cộng đồng và phát tiết ra hành xử một cách tự nhiên. Tâm tính đó không bạc màu hay mai một bởi cái biến động nhất thời.
Sài Gòn cho hay nhận? Bạn hỏi tôi. Bản thân Sài Gòn cũng nhận từ những người nhập cư những đóng góp, sáng tạo (là nguồn nhân lực - theo cách nói của xã hội học). Mỗi con người nhập cư lương thiện, gắn bó, mến yêu thành phố này biết cách trở thành một tế bào thật khỏe mạnh trong cơ thể đô thị lúc nào cũng nồng nàn sức sống. 
Sài Gòn nhận về hay cho đi? Tôi hỏi lại bạn. Bản thân mỗi người cũng nhận ở Sài Gòn những cơ hội bình đẳng để thể hiện mình, để chạm đến giấc mơ sung túc, văn minh và hạnh phúc trong đời. 
Cạnh tranh là thuật ngữ thời thượng trong nền kinh tế thị trường hóa. Mươi năm trước, nó được dùng nhiều. Người ta dùng nó để nói đến cả việc con người cá nhân tìm cách vượt trội lên tha nhân để định hình giá trị bản thân. Nhưng ngày nay, gần như nó được trả về cho những văn cảnh thuần túy kinh tế. Quan hệ con người trong văn hóa, phức tạp hơn nhiều. Triết lý “cùng thắng” (win-win) đang hợp thời hơn. Con người trong đô thị mở như Sài Gòn, cũng thế, tương tác đời sống chắc chắn rằng không đơn giản phản ánh bởi hai từ “cạnh tranh” là đủ. Người ta nói nhiều hơn đến một Sài Gòn bao dung, nghĩa là thừa nhận tính chất đa nguyên trong một thực tiễn, một bối cảnh văn hóa không ngừng khai triển. Trong nhãn quan đó, đô thị này chấp nhận, dung dưỡng những giá trị khác biệt để gạn đục khơi trong, làm nên một cuộc sống phong nhiêu, giàu sáng tạo. Có lẽ là chỉ có những nền tảng văn hóa đủ mạnh mới có thể làm được.
Sài Gòn công bằng về cơ hội sống cho mọi người. Vậy nên mới có câu ca dao rằng:
          Ai về Gia Định thì về
         Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn

Là cách hành xử với nhân thế đề cao tinh thần phóng khoáng và trọng khả năng ứng biến, thích nghi:
          Ra đường gặp vịt cũng lùa
         Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu.

                                                         (Ca dao)
Rồi cũng có khi trong cơn gió bụi bể dâu, những người bất bạt nơi đô thị này lấy điểm tựa là tình nghĩa tao khang mà đối đãi trong cuộc sinh tồn nghiệt ngã:
          Chợ Bến Thành dời đổi
         Người sao khỏi hợp tan
        Xa gần giữ nghĩa tao khang
       Chớ ham quyền quý mà đá vàng phụ nhau.

                                                                (Ca dao)
 
 
 
Có thể một giai đoạn nào đó vùng đất này từng bị những bể dâu chính trị can thiệp nhưng không thể làm đổi thay, khi, văn hóa là thứ bắt sâu vào trong tâm thức con người vô thức cộng đồng và phát tiết ra hành xử một cách tự nhiên. Tâm tính đó không bạc màu hay mai một bởi cái biến động nhất thời
 

Nhưng rồi sự “dời đổi” hướng ra bên ngoài, cộng với sự nhạy cảm với các giá trị mới, liệu có đánh mất bản sắc sẵn có của một thành phố? Lo ngại đó là có thật, mỗi khi ta thấy một công trình di sản bị bức tử, một nét duyên dáng thiên nhiên nào đó trong đô thị bị truất hữu thô bạo. Nhưng cũng lập tức, lúc đó, những tiếng nói thẳng thắn, có trách nhiệm lại được cất lên, thức tỉnh cộng đồng, phản tỉnh với nhà chức trách. Đó chính là cơ chế tự nhiên của văn hóa, cho thấy bản lĩnh và sức sống nội tại của tinh thần tiết nghĩa, trung thực hình thành nơi cư dân là phẩm chất để giữ gìn đô thị này một cách tự nhiên nhất. 
Khi mà nơi mỗi thị dân nhập cư mới, cũ đều có ý thức được chính mình phải biết cho đi vì đã và đang nhận từ tha nhân, từ mảnh đất mình sinh sống, thì đó là phúc đức của tương lai một đô thị. Phúc đức ấy được tạo ra từ những bước chân máu trộn bùn non của người khẩn hoang, từ mồ hôi bao thế hệ từng đến và gửi đời mình ở lại đây, chỉ để gieo vào chúng ta, lớp hậu sinh, những kẻ nhập cư đến muộn một thông điệp nhỏ nhẹ mà đầy thanh cao trong hành trình trở thành một thị dân đúng nghĩa văn minh.
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 117

Các tin khác