Sài Gòn hẻm của tôi

10/11/2017 - Điểm đến
Tác giả: Bài Trần Thùy Linh ảnh Ngọc Hoài, TL KT&ĐS

Lần đầu tiên biết đến Sài Gòn, chính là những ấn tượng về hẻm trong bộ phim Mối tình đầu của những năm 1970. Kể cũng lạ, khi những gì ấn tượng nhất để lại trong trí óc non nớt của đứa trẻ ngày ấy, không phải là những hình ảnh về một Sài thành hoa lệ, mà lại là những con hẻm ngoằn ngoèo thiếu sáng, những khu nhà lụp xụp bên bờ kênh nước đen.

 

 

Có những con hẻm chỉ đẹp vào sáng sớm, khi ánh mặt trời hắt lên bức tường xanh dương hay những khung cửa sổ đầy màu sắc điểm xuyết cỏ cây treo hững hờ trên tường
 
Hà Nội không thiếu gì ngõ, sâu hun hút, dài và tối, nhưng ngay từ ngày đó, đã thấy hẻm Sài Gòn là một cái gì đó thật bí ẩn, đầy khơi gợi khám phá. Dẫu xa lạ nhưng đầy cuốn hút.
Phải tới mười mấy năm sau đó mới được tận mắt thấy hẻm Sài Gòn. Khi đó Sài Gòn đã thành nhà, là nơi chốn đi về, và những con hẻm dù không còn xa lạ nữa, nhưng vẫn là những thế giới rất riêng, vẫn khiến người không sinh ra ở Sài Gòn có sự e dè. Lúc nào cũng cảm thấy có một xã hội khác, ẩn chứa nhiều bất ngờ và hiểm nguy trong những con hẻm chằng chịt như thiên la địa võng ấy. Trống ngực đánh lô tô theo mỗi bước chân trong hẻm.
Thế rồi, sau vài năm gom góp được chút tiền còm, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm một nơi an cư để lập nghiệp. Ai đó nói rằng, đích đến không quan trọng, quan trọng là hành trình, ngẫm lại mới thấy đúng như thế, cả với “hành trình hẻm”. Cái thế giới mà mình ngỡ rằng, chẳng thể nào chạm vào, và sẽ mãi xa lạ với mình, hóa ra lại dần dần trở nên gần gũi trong bấy nhiêu năm. Còn nhớ căn nhà đầu tiên tôi xem, nằm trong một con hẻm nhỏ quận tư không xa trung tâm thành phố. Đường đi chỉ vừa một chiếc xe máy, nhà nối nhà như những hộp diêm xếp ngang dọc xiên xẹo. Đi trong hẻm, hứng bao nhiêu ánh mắt tò mò, tai lùng bùng trong đủ loại âm thanh thổ ngữ. Tiếng con nít la oai oái, tiếng mắng chó chửi mèo chát chúa, tiếng cải lương, nhạc vàng, nhạc Pháp ì xèo. Đám giỗ lấn bàn ra hẻm, mấy người đàn ông xăm trổ đầy mình ngồi hóng gió và xe mì gõ của bà mắt xanh mỏ đỏ ngáng ngay lối đi. Căn gác cây có một cái ban công nhỏ xíu và chậu cây nhỏ nhìn ra khoảng trời chắc chỉ bằng chiếc chiếu. Bên dưới là một tiệm uốn tóc và những cánh cửa nhà hàng xóm mở suốt ngày lấy sáng, nhìn thấy từ bàn thờ tới căn bếp nhà họ. Một cảm giác thật khó tả, chật chội, gò bó, nhưng lại gần gũi. Không biết thời đó, tôi đã đi qua bao nhiêu con hẻm Sài Gòn, quận nhất, quận ba, quận tư, quận 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình..... Người ta nói, muốn “hiểu “rõ điều gì, phải “biết” cặn kẽ. Đối với hẻm Sài Gòn, tôi cho rằng, chỉ biết không thì chưa đủ, bạn cần phải “cảm“. Quá trình tìm kiếm luôn là quá trình thú vị nhất và sự khám phá luôn mang lại hứng khởi không gì so sánh được. Tới Sài Gòn, người phương xa dễ bị choáng ngợp với những con đường sầm uất, với sự bán buôn sôi động tưởng như không bao giờ ngừng nghỉ. Sài Gòn cũng có rất nhiều con đường đẹp lộng lẫy đèn hoa hay thơ mộng đến sững sờ. Nhưng tôi vẫn cho rằng, nếu bạn chỉ “biết” đô thị này trên những bề mặt ấy, có nghĩa là bạn đã bỏ qua một phần khá quan trọng của Sài Gòn. Có một mạch sống nằm trong những con hẻm sâu, một xã hội – tôi không muốn nói là khác - nhưng có lẽ rất lạ, nằm trong những hun hút, ngoằn ngoèo ấy. Phải mất vài năm sống tại một con hẻm ở quận ba, tôi mới nhận ra rằng trong những con hẻm ấy, có lẽ chất “làng xã” vẫn còn đậm nhất trong lòng đại đô thị mang tên TP Hồ Chí Minh. Cái sự quan tâm mà cư dân hẻm dành cho nhau không thể có ở cư dân phố nhà mặt tiền được. Người ác ý thì nói rằng đó là sự soi mói, là “nhiều chuyện”, và thấy khó chịu với cảnh nhà này dòm vào mâm cơm nhà kia. Nhưng dù nói gì đi nữa, trong thời buổi mà sự thờ ơ lên ngôi trên mọi phương diện, thì cái tình hàng xóm tối lửa tắt đèn, chẳng phải là quý lắm sao? Nhưng nếu chỉ vậy thôi, thì hẻm Sài Gòn có gì là lạ? Với tôi, mỗi con hẻm Sài Gòn đều hình thành nên từ cốt cách người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn là ai? Mấy ai dám tự vỗ ngực xưng mình là dân Sài Gòn gốc, khi biết rằng mảnh đất này từ thuở cha ông lập đất thế kỷ thứ 17 đã đa dạng như một hợp chủng quốc? Trong mỗi con hẻm mà tôi từng lui tới, từng ở ít nhất cũng vài ba năm, tôi đều thấy cốt cách người Sài Gòn in dấu. Từ sự bán buôn ì xèo đầu hẻm tới cuối hẻm, từ những ngôi nhà luôn mở rộng cửa tới những ngôi nhà luôn đóng im ỉm, từ bê tông tới cây leo trên ban công, từ hẻm xe hơi tới hẻm xe máy và cả hẻm chỉ đủ chỗ đi bộ, người ta luôn thấy những khác biệt song hành, bổ trợ cho nhau và làm nên một bản sắc hẻm Sài Gòn: một sự đa dạng trong không gian, đa màu sắc trong phong cách và khác biệt trong bản ngã, không bao giờ lẫn. Ở hẻm nhà cũ của tôi, cứ bốn giờ chiều là có một xe bột chiên bán cho người ta ăn xế. Chỉ cần nghe điệu nhạc A-li-ba-ba, Á- lì- bà- bà từ xa là con gái nhỏ của tôi đã cuống quýt, ngọng nghịu: “me - me- pột- chin”, và nhào ra cửa, nơi những đứa trẻ hàng xóm bạn nó đang háo hức chờ. Tới khi chuyển sang căn nhà mới xây khang trang hơn, cũng trong một con hẻm, nhưng yên tĩnh, có phần “sang trọng” giống phố hơn, nơi mà nhà nào cũng cổng đóng then cài suốt ngày, thì cô bé hai tuổi suốt ngày mếu máo: Con không thích nhà này. Con thích về nhà cũ cơ.
Ngộ ra rằng, những con hẻm không chỉ là không gian sống của cư dân già trẻ trong đó. Mỗi con hẻm nơi đây đều sống một đời riêng. Và dù thời thế có đổi thay, thì chất bao dung, hào sảng, và sắc màu “cocktail Sài Gòn”vẫn in đậm trên từng khúc quanh trong những chằng chịt lô xô. Những con hẻm là nơi lưu giữ ký ức, là chốn nương náu của hiện tại và một phần không thể thiếu trong chuyện đời của một đô thị.
TP Hồ Chí Minh nay đã quá nhiều đổi thay, cả những con hẻm cũng đã thay đổi rất nhiều. Nhưng trong những đổi thay ấy, người ta vẫn thấy song hành mới – cũ in dấu trên những con hẻm. Bạn muốn sống chậm? Hãy thả bộ trong những con hẻm của người Hoa ở quận 5. Hẻm Hào Sĩ Phường, đường Trần Hưng Đạo là nơi bạn nên tới. Trong những dãy nhà từ đầu thế kỷ trước, vẫn còn nguyên vẹn một không khí sinh hoạt của người Sài Gòn – Chợ Lớn như những ngày xưa. Vào ngày cuối tuần, tôi thích lang thang trên phố và dừng chân nơi những con hẻm đậm chất “Sài gòn nay” trên đường Hai bà Trưng, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Du, Pasteur, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng…. Những con hẻm truyền thống, những con hẻm – lối vào chung cư – đầy rẫy bất ngờ, đón chờ bạn với những quán café xinh xắn, những shop thời trang, nhà hàng nhỏ, đầy phong cách và có cả những ngôi chùa. Có những con hẻm chỉ đẹp vào sáng sớm, khi ánh mặt trời hắt lên bức tường xanh dương hay những khung cửa sổ đầy màu sắc điểm xuyết cỏ cây treo hững hờ trên tường. Có những con hẻm lại chỉ đẹp trong nắng chiều gay gắt, khi nhà nhà đóng cửa tránh nắng và bạn bỗng thấy mình lọt giữa hai bức tường hun hút sâu, đường cong màu xanh non của miếng bạt che nắng bừng lên nơi cuối hẻm. Có những con hẻm ồn ào lộn xộn, bàn ghế và thực khách tràn ra đường, sực nức mùi đồ ăn như trong một gian bếp bề bộn nhiều hương vị. Có cả những hẻm cụt rộng rãi, nhiều cây xanh, rộng mở như một quảng trường thu nhỏ với những nhà hàng Pháp, Ý, Việt, Lebanon và một không khí lãng mạn trong tiếng nhạc du dương mỗi khi đêm về. Có những con hẻm mang tên những cư dân nổi tiếng của nó, như hẻm Hoa hậu, hẻm Trịnh Công Sơn, hay đơn giản là ở đó có những hàng quán mà người Sài thành không ai không biết, như hẻm Cafe Văn Cao, hẻm phở Bà Dậu…. Cũng có không ít những con hẻm lam lũ không tên, nơi có bếp ăn từ thiện phát cơm cho người nghèo mỗi tờ mờ sáng. Và cũng có không ít những con hẻm, nơi khách bộ hành có thể dừng chân uống miếng nước từ thùng trà đá miễn phí ai đó đặt ven đường.
Hẻm Sài Gòn đa dạng như người Sài Gòn. Hẻm Sài Gòn nhiều màu sắc như thành phố sinh ra nó. Đó là nơi lưu giữ ký ức của người Sài Gòn gần xa. 
Nơi dành cho yêu thương quay về.
 
 
Có những con hẻm lại chỉ đẹp trong nắng chiều gay gắt, khi nhà nhà đóng cửa tránh nắng và bạn bỗng thấy mình lọt giữa hai bức tường hun hút sâu, đường cong màu xanh non của miếng bạt che nắng bừng lên nơi cuối hẻm
 
     
Ngộ ra rằng, những con hẻm không chỉ là không gian sống của cư dân già trẻ trong đó. Mỗi con hẻm nơi đây đều sống một đời riêng
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 106

Các tin khác