Sài Gòn - Miền gợi nhớ

12/12/2017 - Điểm đến
Tác giả: Thanh Lan

Sau 40 năm lưu lạc xứ người ngày đặt chân trở về ông đã đến đường Catinat để nhớ lại nơi ông bà gặp nhau, khởi đầu cho việc gầy dựng nên một gia đình, nơi mà thằng cháu có cái tên gợi nhớ về vùng đất từng mang đến cho ông nhiều kỷ niệm: Saigon. 

 
 
Ông vốn là một chàng trai miệt Bến Cát (1), còn bà là người đất Thần Kinh, cha mẹ mất sớm, từ nhỏ theo họ hàng vào Sài Gòn. Năm ông vào trung học, gia đình gửi xuống ở trọ nhà một người bà con để đi học. Mùa hè năm đó nhằm chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng, ông ở lại Sài Gòn để ôn luyện. Chàng trai huyện nghèo lần đầu theo bạn đi chơi, đến đường Catinat nhóm của ông gặp nhóm nữ sinh cũng đang đi dạo. Tình cờ gặp nhau, cùng là những người trẻ tuổi họ nhanh chóng làm quen rồi kết thành bạn bè. Ông đặc biệt chú ý đến cô gái Huế lúc nào cũng ăn nói nhỏ nhẹ, cử chỉ dịu dàng, đoan trang; còn bà thì “thích anh con trai dáng vẻ phong trần”, vậy là họ yêu nhau. 
Rồi ông bà kết duyên. Trôi dạt theo thời cuộc, những địa danh ông đến và đi đều được ghi dấu qua tên của các đứa con: Chương Thiện (2), Lộc Ninh, Hớn Quảng, Chơn Thành, Bù Đăng, Bù Đốp (3)
Đến năm 1972, cần một chỗ ở ổn định để con cái học hành, ông quyết định đưa gia đình về Sài Gòn mua một căn nhà nhỏ ở Đa Kao. Trước lúc lên đường, ông đi giáp xóm gặp mọi người để gửi gắm vợ con. Những lá thư nhận từ Sài Gòn làm ông an tâm: “anh nhớ không bác Hai kế nhà mình mới dạy em nấu món thịt đông của người Bắc, còn khen em sáng dạ”, “cô Tám chỉ nấu món canh chua cá lóc đúng chất miền Tây, mấy đứa nhỏ ăn cứ xuýt xoa khen ngon”, “Bù Đốp sốt cao nửa đêm, may nhờ anh Năm chạy xe lam phụ đem đi bệnh viện, các con có vợ ảnh dòm chừng”, “em làm bánh bột lọc, bánh nậm, bành bèo đãi cả xóm, ai ăn cũng khen vì nó chánh hiệu xứ Huế”…
Thỉnh thoảng về phép ông mời mọi người đến lai rai dưới cây ngọc lan. Chuyện làng, chuyện xóm, chuyện nhà, chuyện học hành của mấy đứa nhỏ, chuyện vui… được kể bằng giọng của các vùng miền. Có một chuyện gây cười cho mọi người và được nhắc đi nhắc lại là tên của các con anh, đặc biệt là con nhỏ Bù Đốp, khiến nó cứ khóc lóc nài nỉ đòi đổi tên cho bằng được. Chị Ba Sửu người được mệnh danh “dân Sài Gòn chính hiệu” trong xóm nói đùa: “ông bà ráng sanh thêm đứa nữa đặt tên Sài Gòn cho đủ bộ vì đây cũng là nơi gia đình dừng bước giang hồ”.
Gia đình ông từ giã xóm nghèo đầy ắp tình thương ấy trong một đêm mưa rả rích. 
Mấy mươi năm sống xa quê hương, ông bà vẫn nhớ về cái xóm nhỏ ngày nào, nhớ những món ăn mà bà học được và nhờ đó làm phương tiện sinh sống ở xứ người. Nhập gia tùy tục, tuy là công dân Pháp nhưng những cái tên Việt Nam trong giấy khai sinh ông vẫn để lại. Đặc biệt là cô bé Bù Đốp ngày nào đòi đổi tên thì nay cương quyết giữ lại vì “nó nhắc nhớ đến vùng đất nơi con sinh ra, kỷ niệm bị mọi người chọc ghẹo”. Rồi cô út Bù Đốp lấy chồng - chồng Tây, ngày cô sinh con, cô nói với ông rằng cháu bé sẽ có tên Việt Nam, cũng là tên vùng đất gợi nhớ một quá khứ êm đềm và thắm đẵm nghĩa tình, đó là Sài Gòn. Ông rưng rưng nước mắt ôm thằng cháu nhỏ trong tay và hứa rằng, ngày nào đó chính ông sẽ dẫn nó về Sài Gòn.
 
 
 

Và một ngày cuối năm, ông đã trở về.  
Dù có nhiều đổi thay nhưng cái xóm nhỏ ngày xưa vẫn còn đó. Đứng trước căn nhà có cây hoa ngọc lan ông chắc chắn đó là chỗ ở của gia đình mình ngày nào. Chủ hiện giờ đã mua lại ngôi nhà này hơn hai mươi năm, lúc xây mới cô con gái đã giữ lại cây hoa này, cái giếng gần đó thì đã lấp và trồng lên một cây khế trĩu quả. Những khoảng sân rộng đã thu hẹp, nhà xây san sát nhau, cái xóm nhỏ êm đềm giờ trở nên đông đúc, ồn ào nhưng ông biết cái bao dung, cái sẻ chia vẫn cứ hiện diện đâu đấy trong từng ngôi nhà, từng góc xóm: nào là giọng Bắc, giọng Trung cả cái giọng “gồi gồi” không lẫn vào đâu của dân miền Tây hội tụ cả trong đám nít nhỏ đang vui chơi ngoài kia. 
Chiều cuối năm ông bà cùng thằng cháu ngoại “nửa Tây nửa ta” đi dạo trên đường phố: từ Catinat kỷ niệm đến Charner, Bonard (4)… Nơi ngày xưa ông đã nhiều lần đưa vợ con đi ăn, đi mua sắm, dạo chơi, giờ không còn như xưa, tuy tiếc nuối nhưng ông lại thích vì Sài Gòn hiện đại hơn, đẹp hơn, tươi mới hơn. Đến phố đi bộ Nguyễn Huệ ông bà ngắm nhìn thành phố cuối tuần về đêm, gặp gì thằng Saigon đều hỏi vì nó muốn biết thêm vùng đất mà mình mang tên. Có một nhóm bạn trẻ ngồi gần góp chuyện và trả lời những thắc mắc mà chính ông nhiều khi cũng không thể giải thích được. Khi một cô bé hỏi Saigon tên gì, với một giọng chắc nịch và hảnh diện nó trả lời “Je suis métis franco-Vietnamien et je m’appelle Saigon, le nom que mes parents m’ont donné” (5)
Ông đang chờ đón một cái tết nơi quê cha đất tổ. Đâu đó mùa xuân đã về qua từng chiếc xe chở đầy ắp hoa đủ sắc bán dạo trên các ngã đường, từng góc phố được treo đèn, kết hoa, từng ngôi nhà đang được sơn phết… Bồi hồi, xúc động ông bà đều có chung một suy nghĩ: đã ra đi nhưng sẽ trở về. Sài Gòn đã dang tay đón nhận ông bà - và rất nhiều người tứ xứ khác, thì sẽ một lần nữa đón chào người con xa xứ trở về.
 
(1) Bến Cát, một huyện thuộc tình Bình Dương ngày nay
(2) Chương Thiện nay là tỉnh Hậu Giang
(3) Hớn Quảng, Chơn Thành, Bù Đăng, Bù Đốp: thuộc Bình Long, Phước Long cũ, nay là Bình Phước
(4) Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi bây giờ
(5) Tôi là người Pháp gốc Việt, tên là Saigon, tên cha mẹ đã đặt cho
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 117

Các tin khác