Những nét đẹp thân thuộc của một Sài Gòn mở
Từ một vùng đất mở
Sài Gòn là vùng đất mở từ cuối thế kỷ 17, trong bối cảnh các chúa Nguyễn tiến sâu về phía Nam. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu mở mang miền đất này, lập nên phủ Gia Định, tiền thân của đô thị Sài Gòn. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 31, (Quốc sử quán triều Nguyễn) phần về tỉnh Gia Định đã chép: “… Năm Mậu Dần (1698), đời Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế (tức chúa Nguyễn Phúc Chu - Tg) lại sai Thống suất chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính (tức Nguyễn Hữu Cảnh - Tg) kinh lược đất ấy, đặt phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn đặt làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, đặt các chức giám quân, cai bạ và ký lục…”, đây được coi là cái mốc hình thành nên đô thị thủ phủ miền Nam sau này.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (1) thì: “Nhưng trước đó, có lẽ hàng thế kỷ, nhiều sử liệu cho thấy người Việt Nam đã tới buôn bán và khẩn hoang lập ấp rải rác trong đồng bằng sông Mê Kông và sông Mê Nam bên Xiêm rồi...
Năm 1623, chúa Nguyễn sai một phái bộ tới yêu cầu vua Chey Chettha II (vua nước Chân Lạp – Tg) cho lập đồn điền thu thuế tại Prei Nokor (tức Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Đây là vùng rừng rậm hoang vắng nhưng cũng là địa điểm qua lại và nghỉ ngơi của thương nhân Việt Nam đi Campuchia và Xiêm La. Chẳng bao lâu, hai đồn điền thu thuế trở thành thị tứ trên bến dưới thuyền, buôn bán và làm ăn sầm uất...
Sử Việt Nam và sử Khơmer cũng nhất trí ghi sự kiện: Năm 1674, Nặc Ong Đài đánh đuổi nhà vua Nặc Ong Nộn. Nộn chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa liền sai Thống suất Nguyễn Dương Lâm đem binh đi tiến thảo, thâu phục luôn ba lũy Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang (trong sử ta, địa danh Sài Gòn xuất hiện từ năm 1674 vậy). Đài thua chạy rồi tử trận. Chúa Nguyễn phong cho Nặc Ong Thu là Cao Miên quốc vương đóng đô ở U Đông, cho Nặc Ong Nộn làm phó vương ngự trị tại Sài Gòn nơi đã có người Việt định cư sinh sống”.
Sử Việt Nam cũng ghi chép về việc năm 1679, chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần đã cho những người Hoa có tư tưởng “phản Thanh phục Minh” là Dương Ngạn Địch tới Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên tới Biên Hòa và Sài Gòn để lánh nạn và làm ăn sinh sống. Những nơi đó đều có người Việt tới sinh cư lập nghiệp từ lâu.
Với việc Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam vào năm 1698, các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền lịch sử và đặt dấu ấn pháp lý các miền “biên cảnh” mà Sài Gòn - Gia Định là trung tâm. Trong suốt thế kỷ 18, các chúa Nguyễn liên tục cho người mở mang bờ cõi, đặt các dinh, trấn, đạo để quản lý khắp các vùng đất trong đồng bằng sông Mê Kông. Và từ đó, đồng bằng sông Mê Kông hoàn toàn thuộc về lãnh thổ Việt Nam và trở thành một phần quan trọng trong hình hài đất nước cho đến ngày hôm nay.
Từ một vùng đất mở Sài Gòn - Gia Định, hơn 300 năm là một khoảng thời gian ngắn so với chiều dài đất nước hàng ngàn năm. Song đất Sài Gòn đã nhanh chóng trở thành một trung tâm quan trọng với nhiều dấu ấn lịch sử song hành cùng đất nước.
Sài Gòn trẻ trung, cởi mở, phóng khoáng bên cạnh một mạch ngầm chiều sâu quá khứ. Những công trình dự án đang tiếp tục mọc lên và Sài Gòn vẫn đang thay đổi từng ngày
Sài Gòn - đa diện kiến trúc
Năm 1859, người Pháp chiếm thành Gia Định và bắt đầu công cuộc quy hoạch xây dựng Gia Định - Sài Gòn thành một đô thị lớn kiểu phương Tây, là một trung tâm đa chức năng phục vụ cho việc khai thác thuộc địa. Nhưng ở một góc độ khác, sự biến chuyển của các vấn đề chính trị xã hội cũng để lại nhiều dấu ấn tích cực, mà kiến trúc là tiêu biểu. Từ hình hài một đô thị theo kiểu thành lũy phương Đông, Sài Gòn đã lột xác thành một đô thị hiện đại với diện mạo khác hẳn.
Kiến trúc là gương mặt phản ánh lịch sử, xã hội và những giá trị văn hóa tinh thần. Nhiều công trình ở Sài Gòn qua nhiều thời kỳ là những minh chứng rõ ràng. Một di sản người Pháp để lại cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tạo nên diện mạo đô thị. Từ cấu trúc quy hoạch đô thị phương Tây thích ứng với đặc thù sông nước địa phương, cho tới các công trình kiến trúc bền vững qua năm tháng với nhiều phong cách đa dạng. Từ Nhà thờ Đức Bà - một tuyệt tác kiến trúc đô thị với phong cách Roman cải biên pha lẫn Gothic, tới Dinh Xã Tây (sau là Tòa Đô Chánh Sài Gòn và nay là UBND TP. HCM) với phong cách Baroque, từ Bảo tàng Nam kỳ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. HCM) với phong cách Đông Dương, tới Nhà hát Lớn mang phong cách Beaux Arts... tất cả đều hiện diện hài hòa trong một tổng thể đô thị khoa học, bài bản và ngăn nắp. Có thể còn kể thêm nhiều công trình di sản nữa tạo nên gương mặt Sài Gòn như chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố, Dinh Thống đốc Nam kỳ (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM), nhà chú Hỏa (nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM), trường Pétrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), trường Lycée Marie Curie (nay là trường THPT Marie Curie)...
Có thể nhận thấy nhiều sự giao hòa trong kiến trúc Đông - Tây mà ẩn sâu trong đó là sự giao hòa, tiếp biến về văn hóa, xã hội. Những điều đó đã làm nên một Sài Gòn đặc trưng không nơi nào có được.
Trong thập niên 30-50 của thế kỷ trước, với quá trình đô thị hóa, Sài Gòn và Chợ Lớn đã sáp nhập vào nhau để tạo nên đô thành Sài Gòn. Và khi ấy, kiến trúc Sài Gòn càng đa dạng hơn với những khu phố cổ của người Hoa, cùng những công trình đậm chất Á Đông như đình, chùa, đền, hội quán... Cùng với kiến trúc là những giá trị văn hóa tôn vinh lẫn nhau và tỏa sáng.
Trong giai đoạn thể chế Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975), mặc dù ngắn ngủi và có ít nhiều những bất lợi trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh; kiến trúc Sài Gòn vẫn phát triển mạnh mẽ với nhiều công trình ghi dấu ấn hiện đại và bản sắc, là niềm tự hào của Sài Gòn cho tới ngày hôm nay. Có thể kể tới Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), Thư viện Quốc Gia Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM), trụ sở ngân hàng Công Thương, Viện Trao đổi văn hóa Pháp… Những kiến trúc đó đã phát lộ một xu hướng phát triển rực rỡ, đầy bản sắc của Sài Gòn, làm phong phú và đầy đặn thêm vóc dáng thành phố.
Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, Sài Gòn - TP.HCM vẫn là một đô thị phát triển hàng đầu của đất nước. Kiến trúc vẫn tiếp tục phản ánh gương mặt của một thành phố năng động và là đầu tàu về thương mại, cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử. Sài Gòn vẫn là một vùng đất “mở” và kiến trúc cũng không ngoại lệ. Các công trình từ đó đến nay thể hiện rõ một Sài Gòn trẻ trung, cởi mở, phóng khoáng bên cạnh một mạch ngầm chiều sâu quá khứ. Những công trình, dự án vẫn đang tiếp tục mọc lên và Sài Gòn đổi thay từng ngày.
Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, sự phát triển quá nhanh ấy đã và đang có nhiều dấu hiệu tiêu cực. Sài Gòn mắc phải nhiều căn bệnh của các siêu đô thị với sự quá tải về hạ tầng, môi trường ô nhiễm. Cấu trúc đô thị, không gian đô thị bị phá vỡ; các di sản kiến trúc có nguy cơ tổn hại và biến mất. Sự đa diện về kiến trúc đáng tự hào có nguy cơ trở thành một thứ hỗn độn phi bản sắc, mai một dần trong lòng đô thị Sài Gòn của tương lai.
Nhà thờ Đức Bà với lối kiến trúc mang đậm chất châu Âu là một trong những địa chỉ đẹp mà du khách mỗi lần ghé “bến” Sài Gòn đều phải dừng chân chiêm ngưỡng
Và một Sài Gòn mở
Là một vùng đất mở, và không chỉ “mở”, đa diện về kiến trúc, Sài Gòn còn “mở” rộng nhiều hơn thế. Nơi đây là vùng đất lành chim đậu, là sự giao lưu, giao thoa của các vùng miền văn hóa và con người.
Theo tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu thì: “Bản thân sự “khai sinh” Sài Gòn - Gia Định đã là quá trình những con người từ nhiều nguồn gốc, nhiều vùng miền trong cả nước, có cả những nhóm người Hoa từ lục địa Hoa Nam vượt biển xuống đây, hội nhập với các tộc người đã tụ cư lâu đời ở vùng đất này. Trong dòng lưu dân khai phá Sài Gòn - Gia Định, phần đông là nông dân từ miền Bắc, miền Trung...; khi họ đến vùng đất còn hoang sơ lạ lùng, đất rộng người thưa lại cùng cảnh ngộ, việc làm ăn không còn quá vất vả như trên cánh đồng ô trũng bị che chắn bởi đê điều ở châu thổ sông Hồng hay dải ruộng hẹp sát núi liền biển ở miền Trung, mà đồng ruộng làng xóm đã mở rộng theo dòng chảy của sông ngòi, kênh rạch, theo đó có thể đến những miền đất mới... Vì vậy, sự sẻ chia bao bọc được nhân lên mà tính cách phóng khoáng, hào hiệp cũng được nhân lên cùng với sự năng động, quyết đoán hơn...” (2) .
Sài Gòn mở, hiểu là như vậy nhưng nói ra thì không biết thế nào là đủ. Sài Gòn là thành phố có nhiều người nhập cư nhất trong cả nước, đến từ nhiều vùng miền nhất trong cả nước. Sài Gòn là địa phương có nhiều hội đồng hương nhất trong cả nước. Cùng với cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn, góp phần hình thành nên một Sài Gòn hàng trăm năm qua với sự giao hòa văn hóa trong cộng đồng người Việt, Sài Gòn vẫn mở rộng vòng tay. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, có một cộng đồng người Nhật tụ cư và sinh sống ở Sài Gòn. Đoạn đường Lê Thánh Tôn (từ Tôn Đức Thắng đến Hai Bà Trưng), các con hẻm 5A, 5B Lê Thánh Tôn đi sang Thái Văn Lung và những phố xung quanh như Ngô Văn Nam, Thi Sách... đã trở thành một “Little Japan” trong lòng thành phố. Và những người Nhật Bản đã hòa nhập bằng tinh thần rất... mở.
Vừa rồi, trên báo Tuổi Trẻ, chuyên mục “Góc Sài Gòn” có một đề tài bàn luận rất thú vị: “Ở Sài Gòn bao lâu thì thành người Sài Gòn?”. Có rất nhiều kiến giải và câu trả lời. Nhưng có lẽ, sẽ không có một đáp án nào là đúng với Sài Gòn cả. Bởi Sài Gòn là một tập hợp, một cộng đồng đa dạng; chính điều đó tạo nên hình hài, diện mạo, vóc dáng, tính cách Sài Gòn. Và nếu Sài Gòn biết nói, thì Sài Gòn cũng chỉ im lặng và mỉm cười...
Qua những thăng trầm và của lịch sử, Sài Gòn có nhiều thay đổi, dĩ nhiên là như vậy. Nhưng trong thẳm sâu, Sài Gòn vẫn nguyên vẹn là Sài Gòn của thủa sơ khai, là miền đất mở và luôn rộng mở với tất cả mọi người. Có một Sài Gòn dịu dàng để nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ở lại. Vượt lên tất cả những định kiến về chính trị và thời cuộc, Sài Gòn có những giá trị văn hóa của riêng mình, luôn tỏa sáng lấp lánh cho dù hoàn cảnh nào.
Bạn bè tôi, nhiều người đã đi, đến và rồi ở lại Sài Gòn; không biết bao lâu thì thành “người Sài Gòn” nhưng thực ra điều ấy đâu quan trọng. Sài Gòn vẫn vậy, ồn ào náo nhiệt mà chân thành, lặng lẽ mà bao dung. Sài Gòn đã trở thành nhà, thành quê của bao người đến từ bao vùng đất khác. Và tôi cũng tự phát hiện ra rằng, Sài Gòn là một phần cuộc sống của tôi. Lâu lâu không đi, là nhớ, nhớ đến mức không chịu được để phải đi; để đắm mình vào Sài Gòn như người tình lâu ngày không gặp; để rồi lại xa, lại nhớ...
Mỗi lần tới Sài Gòn, tôi đều ở khu “phố Tây” quận nhất. Tôi thích ở đó, bởi nơi đó cho một không khí rất... Sài Gòn, bình dị, cởi mở và phóng khoáng. Ở đó luôn đông vui, ồn ào, náo nhiệt. Ở đó có sự giao hòa về cuộc sống, xã hội và văn hóa. Ở đó, “Tây” và “ta” dường như không phân biệt, chỉ có chung một tiếng nói, một tình yêu: Sài Gòn.
(1) Bài viết “Dân cư đồng bằng sông Mê Kông và sông Mê Nam Chao Phraya”, sách “Nam bộ xưa và nay”, tác giả: Nguyễn Đình Đầu, NXB TP.HCM, 2007.
(2) Bài viết “Sài Gòn phóng khoáng”, sách “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi”, tác giả: Hiền Hòa, NXB Hồng Đức, 2013).
Sài Gòn đa dạng về tôn giáo
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 117