Shigeru Ban - Sáng tạo xây công trình, nhân đạo xây tương lai

2/11/2017 - Nhà ở

Qua những công trình dành cho nạn nhân ở các vùng thiên tai và xung đột trên khắp thế giới, Shigeru Ban đã truyền tải những thông điệp mạnh mẽ nhưng cũng thật khiêm nhường.

 

Từng bước đường ông đã đi qua trên hành trình sự nghiệp theo đuổi các công trình nhân đạo không chỉ là cảm hứng mà còn là bài học cho giới kiến trúc.

 

Kiến trúc sư Shigeru Ban sẽ đến Việt Nam vào tháng 12 tới đây

 

Kiến trúc sư Shigeru Ban là chủ nhân của giải thưởng kiến trúc Pritzker danh giá năm 2014. Sau một thời gian thiết kế những tư gia, những tòa nhà, bảo tàng, hội trường... cho khách hàng - những người mà ông coi là “privileged people” (người có đặc quyền), Shigeru Ban đã nhận thấy kiến trúc sư cần gánh vác vai trò lớn hơn với xã hội - nhất là khi có quá nhiều người bị mất nhà cửa bởi thiên tai. Và hành trình đặc biệt của ông được bắt đầu từ đó. 


Xây công trình bằng sức sáng tạo
Sức sáng tạo của Shigeru Ban đã mang đến nhiều giải pháp thiết kế đa dạng, dựa trên những phát triển về kết cấu, vật liệu, nhấn mạnh tầm nhìn, thông gió và lấy sáng tự nhiên... từ đó tạo nên một môi trường sống dễ chịu cho người sử dụng. Ông nổi tiếng với tính nguyên bản, hiệu quả về kinh phí và khéo léo trong các thiết kế, đặc biệt là không phụ thuộc vào các giải pháp công nghệ cao hiện nay.
Với triết lý: “Tôi không tạo nên bất cứ điều gì mới mẻ mà chỉ đang sử dụng chất liệu sẵn có theo một cách khác”, khi xây dựng những khu ở tạm sau thảm họa, Shigeru Ban thường dùng những ống giấy các-tông để làm cột, tường và hệ khung. Giải pháp này đã gây được tiếng vang bởi tính tiết kiệm thời gian, sẵn có ở hầu hết mọi nơi, chi phí thấp, dễ vận chuyển - lắp ráp - tháo dỡ, có thể chống nước, chống cháy và tái sử dụng.
Những thiết kế độc đáo mà Shigeru Ban đã thực hiện trên khắp thế giới có thể kể đến như khu nhà tạm và nhà thờ bằng giấy cho người tị nạn Việt Nam trong trận động đất ở Kobe vào năm 1995; Trung tâm Pompidou ở Metz, Pháp vào năm 2009 với phần mái cong uốn lượn đã trở thành biểu tượng; khu nhà tạm 3 tầng làm bằng container cũ cho nạn nhân sóng thần ở Onagawa, Nhật Bản năm 2011; và The Cardboard Cathedral - nhà thờ bằng giấy các-tông ở Christchurch, New Zealand vào năm 2013.

Xây tương lai bằng lòng nhân đạo
Các thiết kế và công trình vì mục đích nhân đạo của Shigeru Ban đã thể hiện cho điều mà ông cam kết: đến nơi cần có sự góp sức của người kiến trúc sư nhất. Đó là sứ mệnh mà ông muốn gánh vác. Vượt lên trên những yêu cầu cần có của những ngôi nhà tạm, các thiết kế của Shigeru Ban luôn được yêu thích và trân trọng bởi người sử dụng nhờ sự thoải mái, chỉn chu và đầy tính cân nhắc.
Cùng với tổ chức phi chính phủ Voluntary Architects’ Network (VAN) do mình thành lập vào năm 1995, Shigeru Ban và đội ngũ tình nguyện đã và đang thực hiện những công trình vì cộng đồng, hỗ trợ cho các vùng bị động đất, bão, sóng thần và chiến tranh trên khắp thế giới, từ Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Haiti, Ý, New Zealand, Philippines... để góp phần cùng dựng lại cộng đồng, tạo nơi nương náu về cả nghĩa đen lẫn tinh thần cho người gặp nạn, đồng thời xây đắp cho một tương lai mới dựa trên nền tảng của lòng nhân đạo.

 

The Cardboard Cathedral - Nhà thờ bằng giấy các-tông tại Christchurch, New Zealand được xây dựng vào năm 2013

 

Các tin khác