Thư gởi Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Hội
Võ Văn Kiệt
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Thân ái gởi: Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh
Anh chị em kiến trúc sư quý mến
Với tư cách là một người có thời gian dài cộng tác, sát cánh cùng giới kiến trúc sư trong nhiều công trình quy hoạch lớn nhỏ, nhiều công trình trọng yếu của đất nước, tôi may mắn chứng kiến sự ra đời của Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh 25 năm trước. Hai mươi lăm năm không phải là một khoảng thời gian dài với một Hội nghề nghiệp. Nhưng, 25 năm qua là một khoảng thời gian rất có ý nghĩa đối với giới kiến trúc sư Thành phố.
Là một trong hai đô thị lớn nhất nước, Thành phố Hồ Chí Minh cũng không tránh khỏi những thăng trầm của thời cuộc, trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay, chúng ta đã rất lúng túng trong việc chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sự lúng túng đó phản ánh rất rõ trong việc hình thành bộ mặt đô thị. Nhiều năm tháng đã qua, nhưng bộ mặt trung tâm thành phố vẫn là trung tâm cũ được xen cấy một số kiến trúc cao tầng giàu tính ngẫu nhiên, không được nghiên cứu từ trước, Bộ mặt kiến trúc đô thị nói chung còn lộn xộn, hệ thống kỹ thuật hạ tầng còn tùy tiện, chấp vá; cảnh quan thiên nhiên bị biến dạng, hệ thống cây xanh không được quan tâm thỏa đáng và thiếu hụt trầm trọng; các công trình phúc lợi xã hội chấp vá, còn nhiều bất cập. Các công trình kiến trúc, các đường phố mới xây lặp lại gần như cùng một kiểu dáng, kiến trúc nhà ống, màu sắc lòe loẹt; phương pháp quy hoạch rập khuôn gần như chỉ xử lý theo mô hình định sẵn. Tất cả những điều đó đáng để anh chị em kiến trúc sư phải suy nghĩ.
Lịch sử luôn thay đổi, nhưng có rất nhiều công trình kiến trúc lại có thể tồn tại vượt thời gian. Kiến trúc là một trong những yếu tố phản ánh khá trung thực sự thăng trầm và trình độ văn minh của thời kỳ mà nó xuất hiện. Kiến trúc sư, vì thế, là lực lượng có nhiều cơ hội nhất để góp phần tạo ra diện mạo lịch sử và dấu ấn văn hóa cho thời đại mình. Hai mươi lăm năm, khoảng thời gian không quá ngắn để cho chúng ta nhận thấy và lưu giữ những thành quả tốt. Hai mươi lăm năm, cũng đã đủ dài cho sự lên tiếng đối với những công trình thiếu vắng sức sáng tạo. Sẽ công bằng và thẳng thắn hơn, nếu như chính Hội bày tỏ thái độ. Trước khi thời gian và xã hội thực hiện chức năng gạn lọc của mình.
Việc nghiên cứu, thực hiện kiến trúc, quy hoạch một đô thị là một quá trình nghiên cứu dày công về nhiều mặt, cần sử dụng một tri thức liên ngành rộng với đội ngũ chuyên viên đông đảo, có trình độ tri thức và chuyên môn cao, được đặt dưới sự chỉ đạo của những nhà khoa học có uy tín, với một khối lượng đầu tư thỏa đáng và một quỹ thời gian cần và đủ hoàn thành công việc. Về mặt này, tuy ra đời trong thời bao cấp, nhưng Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh có được sự tham gia của một lực lượng kiến trúc sư khá lớn từ nhiều nguồn, trong đó có một số không nhỏ được đào tạo trước 1975, nên đã thích ứng khá dễ dàng sau khi kinh tế thị trường được khôi phục. Kiến trúc sư là một nghề hoạt động căn bản dựa trên sự sáng tạo, tuy nhiên, không giống như các nghệ sỹ, các các công trình kiến trúc khi ra đời còn chịu sự chi phối rất quan trọng của các chủ đầu tư và các cơ quan quản lý. Hàm lượng tri thức và giá trị sáng tạo của các công trình kiến trúc, vì thế, còn bao gồm năng lực và văn hóa sử dụng quyền lực của cơ quan quản lý và các chủ đầu tư. Trước sức ép của những bức xúc thực tế, nếu các chủ đầu tư và các nhà quản lý chỉ biết dùng quyền; nếu một đội ngũ kiến trúc sư chỉ quen đón ý, nhận lệnh thay vì là chỗ dựa tri thức thì không thể có được những công trình có giá trị.
Chính vì vậy mà xã hội chờ đợi Hội Kiến trúc sư làm tốt vai trò của mình, vai trò của một cơ quan phản biện, hoạt động hết sức độc lập và chỉ dựa vào tri thức chuyên môn, kiên trì bảo vệ những giá trị lao động sáng tạo. Muốn có được vai trò đó, trước hết Hội phải tập hợp được trong đội ngũ của mình những kiến trúc sư tiên phong nhất. Tập hợp bằng một cương lĩnh hành động lôi cuốn, bằng một tư tưởng phát triển đô thị tiến bộ và tạo ra một môi trường thật sự là chỗ dựa cho những hoạt động sáng tạo. Không thể có một đô thị phát triển có định hướng, có bản sắc và có tâm hồn của thời đại nếu như Hội chỉ là nơi giúp kiến trúc sư đóng dấu vào những bản thiết kế của họ trong khi bỏ mặc họ tự mày mò trong những hoạt động đơn lẻ và thỏa sức làm vừa lòng thân chủ. Hội phải đưa được khát vọng sáng tạo, khát vọng làm thay đổi diện mạo phát triển đô thị vào trong mọi hoạt động của hội viên. Kiến trúc sư cũng là một nghề nhưng không phải là một nghề chỉ để kiếm sống.
Cần lưu ý rằng kiến trúc là một nghệ thuật lớn. Hội nhập với thế giới rộng lớn và đa dạng hôm nay là một tất yếu. Học tập những tiến bộ kỹ thuật của các nền văn minh là một công việc phải làm. Kể từ thập niên 1990, chúng ta đã mở cửa cho những nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Ở Thành phố Hồ Chí Minh và ở nhiều thành phố khác xuất hiện ngày càng nhiều những công trình kiến trúc do các kiến trúc sư nước ngoài thực hiện. Chúng ta có dịp để quan sát, chiêm nghiệm, trực tiếp cọ xát kinh nghiệm và hội nhập ngay chính trên địa bàn của mình. Tôi nghĩ, từng cá nhân kiến trúc sư và Hội cũng đã rút ra nhiều điều từ cuộc giao lưu tại chỗ văn hóa kiến trúc đó. Những kiến trúc sư nước ngoài không chỉ mang đến sự cạnh tranh mà còn mang đến cả cơ hội học hỏi.
Đất nước ta, sau quá trình dài nỗ lực gian khổ, ngày càng đang ngẩng cao đầu hội nhập vào một thế giới sôi đọng, công cuộc xây dựng đô thị sẽ có những phát triển đáp ứng yêu cầu của một thế giới năng động. Tôi cho rằng nếu các nhà kiến trúc, quy hoạch cố gắng hơn nữa, chúng ta có thể làm hơn thế và quần chúng nhân dân cũng đang đòi hỏi một bộ mặt đô thị phong phú hơn. Đã đến lúc Hội Kiến trúc sư Thành phố cần phải gấp rút điều chỉnh mình để bước vào một hành trình mới, hành trình hội nhập. Vấn đề hiện nay là, các kiến trúc sư sẽ có gì để đóng góp, có đủ bản lĩnh để hội nhập và có được bản sắc để tìm chỗ đứng trong hành trình mới, hấp dẫn và đầy sức cạnh tranh này.
Chúc anh chị em sức khỏe, thành công.
Thân ái
Võ Văn Kiệt
Theo kỷ yếu 25 năm Thành lập Hội Kiến trúc sư TP.HCM (28.11.1981- 28.11.2006)