Từ Cầu Mống, Bến Bạch Đằng, nghĩ về phát triển không gian ven sông

6/6/2022 - Chuyên đề
Tác giả: Bài HƯNG LONG Ảnh ĐINH QUANG TUẤN

LTS: Ngày 15.5.2022 vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cùng nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã có hành trình hơn 2 giờ xuôi thuyền khảo sát sông Sài Gòn. “Thành phố đang muốn phát triển không gian ven sông”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định trên Tuổi Trẻ. Báo Tuổi Trẻ ngày 16.5.2022 cũng dẫn ý kiến của Bí thư Thành ủy: “Chính quyền lo làm tốt vai của mình là quy hoạch, thiết kế, còn báo chí, chuyên gia làm tốt việc hiến kế, góp ý giải pháp và người dân cùng chung tay để tới dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước chúng ta có một dấu ấn ấn tượng từ việc phát triển, khai thác sông Sài Gòn”.

 
 
Cầu Mống hay cầu Móng, đến nay vẫn chưa có tên gọi thống nhất. Tiếc thay đó lại là tất cả thông tin về “Di tích kiến trúc nghệ thuật” mà du khách có thể thấy tại đây
 
Liên quan đến đề tài này, từ tháng 12 năm 2020, Hội Kiến trúc sư TP.HCM  phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Không gian văn hóa công cộng tại TP.HCM - Thực trạng, nhu cầu và giải pháp”. Tại đó, một trong những nội dung quan trọng đạt được là thống nhất nhận thức về tiềm năng phát triển không gian văn hóa công cộng ở TP.HCM với sự đồng thuận về vai trò sông nước. Trong phát biểu đề dẫn tọa đàm đó, KTS Nguyễn Trưởng Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM đã nhấn mạnh đến “một không gian còn giàu tiềm năng mà chưa được khai thác tương xứng: không gian sông nước”. 
Nhân lời kêu gọi của lãnh đạo thành phố, dưới góc độ một tạp chí chuyên ngành, chuyên mục “Không gian công cộng” của KT&ĐS phản ánh những ghi nhận mới tại không gian công cộng ven sông tại trung tâm thành phố là bến Bạch Đằng, cầu Mống và giới thiệu ý kiến của các nhà chuyên môn.
 
Di tích Cầu Mống đang là quán nhậu lộ thiên? 
Bài ghi nhận này bắt đầu từ phản ánh của một bạn đọc với KT&ĐS bày tỏ sự lo ngại với tình trạng kinh doanh dịch vụ ăn uống nhếch nhác ở cầu Mống, một công trình được công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật” cấp thành phố. Phóng viên KT&ĐS đã có mặt tại cầu Mống và thấy thực tế đúng như phản ánh.
Cầu Mống nối từ đường Võ Văn Kiệt, quận 1, qua rạch Bến Nghé sang đường Bến Vân Đồn, quận 4, nằm ở khoảng giữa cầu Khánh Hội và công trình chống ngập đang thi công. Phía quận 4 có một biển nhỏ ghi tên “Cầu Móng”. Muốn lên cầu phải vượt một rào chắn xe máy lên cầu thang. Phía quận 1 cũng có một bảng tên “Cầu Móng”, cũng có rào chắn xe máy. Có khác là phía quận 1, trên bức tường phía đầu cầu có gắn bảng nhỏ màu vàng đồng với dòng chữ: “Di tích kiến trúc nghệ thuật - Cấp thành phố - Cầu Mống”. (Mống chứ không phải Móng như bảng tên cầu màu xanh cạnh đó). Ngay chân cầu là nơi có xe bán nước giải khát, thuốc lá, quà vặt. Chỗ chiếu nghỉ, dưới chân cầu vương vãi rác.
Hơn 4 giờ chiều, cầu vắng vẻ, chỉ có vài thanh niên lên chụp ảnh. Trên mặt cầu, hai dãy bàn đã được bày sẵn ở hai phía gần thành cầu để đón khách nhậu. Hơn 18 giờ, quay lại cầu đã thấy lai rai khách nhậu. Công trình “Di tích kiến trúc nghệ thuật” quả là một quán nhậu đẹp, có không gian thoáng mát ở giữa dòng kênh nơi kết nối với sông Sài Gòn, nằm ngay trung tâm thành phố. Câu hỏi đặt ra cũng bày tỏ sự lo ngại là với hoạt động buôn bán ăn uống như vậy thì chuyện vệ sinh, rác sẽ xử lý thế nào, liệu có gây hại môi trường cho di tích hay không?
Cầu Mống dài 128m, rộng hơn 5m, xây bằng thép kiên cố. Cầu do công ty Vận chuyển Hàng hải Messageries Maritimes (Pháp) bỏ vốn, thuê công ty Xây dựng Levallois Perret xây cất vào năm 1893-1894. 
Tháng 8.2005, cây cầu này được tháo dỡ để thi công đại lộ Đông Tây và hầm sông Sài Gòn. Sau đó Cầu Mống được ráp trở lại. Cây cầu được sơn màu xanh ngọc nổi bật, trở thành cầu đi bộ và được xây thêm bốn lối đi bộ bậc thang lên cầu, mỗi đầu cầu có hai lối cánh tả - cánh hữu, bờ bao quanh xây bằng gạch, sơn màu vàng cam.
Tháng 4.2014, Cầu Mống được UBND TP.HCM công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật”. Trên chuyên trang TP.HCM trong trang Chính phủ tại địa chỉ tphcm.chinhphu.vn còn ghi rõ: “UBND TP nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Chủ tịch UBND TP”.
Mặc dù vậy, thực tế buổi chiều tối, Cầu Mống vẫn chỉ là quán nhậu như hình ảnh ghi nhận trong bài này.
Tìm trên mạng cũng có một vài trang web đưa thông tin Cầu Mống là điểm check-in chụp hình ưa thích của giới trẻ. Có lẽ đó là hoạt động tự phát chứ thực tế tại Cầu Mống, đã 8 năm trôi qua kể từ ngày được công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật”, chưa thấy dấu ấn nào của một hoạt động du lịch có tổ chức. Ngay điều đơn giản như một bảng thông tin về cây cầu, một tên gọi thống nhất là Cầu Mống hay Cầu Móng cũng chưa có!? 
Kết nối với Cầu Mống ngay ven sông Sài Gòn là công viên Bến Bạch Đằng vừa được làm mới cách đây không lâu. Dưới góc độ môt không gian công cộng ven sông, so với nhu cầu sử dụng thì cũng có những điều cần góp ý. 
Nhân trường hợp này, KT&ĐS đã trao đổi với KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM và KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM xung quanh việc khai thác không gian sông Sài Gòn nói riêng và không gian sông nước nói chung đang được quan tâm ở TP.HCM.

 

 

 

  

Cầu Mống trở thành quán nhậu lộ thiên trên kênh ngay giữa thành phố. Đây có phải là cách khai thác phát huy được giá trị lịch sử của di tích và mang lại lợi ích cho người dân thành phố và du khách nước ngoài?
 
KTS Nguyễn Trường Lưu: Di sản chỉ thể hiện giá trị khi nó được tôn trọng! 
Khi một công trình đã được công nhận là di sản dù là cấp quốc gia hay cấp thành phố, là di sản lịch sử hay nghệ thuật, kiến trúc thì ta phải có ý thức giữ gìn di sản đó. Quá trình để một công trình được công nhận là di sản là rất khó khăn thành thử ra nhiều cá nhân, đơn vị chủ thể không muốn đưa công trình của mình vào làm di sản. Ta cần xem lại Luật Di sản và các văn bản hướng dẫn thi hành xem cần chỉnh sửa gì để tạo thuận lợi cho một di sản có thể hòa vào dòng chảy của cuộc sống hôm nay chứ không phải bảo tồn một công trình di sản là đóng khung “nhốt” nó lại. 
Công trình di sản thường có tuổi thọ. Với một di sản ta thường đánh giá về giá trị lịch sử, nghệ thuật nhưng chưa chú trọng đúng mức việc đánh giá kết cấu, giá trị sử dụng để có ứng xử phù hợp. 
Ví dụ như Cầu Mống bao nhiêu tuổi, kết cấu gì, chúng ta cần kiểm định để nếu không sử dụng lưu thông thì có thể làm được những gì? 
Trước mắt, theo tôi, đây là công trình nghệ thuật kiến trúc, thì hãy tôn nó lên là một công trình nghệ thuật, một tác phẩm “điêu khắc” trong không gian đô thị. Cá nhân tôi không đánh giá cao về thiết kế chiếu sáng cầu Trường Tiền hay một số cầu khác hiện nay. Nhưng tôi cho rằng nếu chúng ta đầu tư thiết kế chiếu sáng tương xứng để trang trí Cầu Mống về ban đêm cũng là cách để tôn vinh giá trị của nó.  
Về sử dụng công trình, tôi nghĩ đây có thể là nơi trưng bày, triển lãm những hình ảnh của công trình kiến trúc Sài Gòn xưa. Du khách nước ngoài đến tham quan một công trình kiến trúc cổ, có lịch sử họ sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm kiến trúc của Sài Gòn. 
Điều quan trọng nhất là công trình chỉ thể hiện được giá trị khi bộ mặt của nó được tôn trọng chứ không nhếch nhác như quán nhậu hiện nay. 
Tiếp nối di sản đó, trong không gian ven sông ngay khu trung tâm, ta đã có công viên Bến Bạch Đằng. Sau khi làm xong, người dân có được không gian công viên “an ninh”. Người dân có thể tự tin cho con cái cùng ra hóng mát, dạo chơi mà không sợ cảnh cướp giật như xưa. 
Còn lại thì công viên còn thiếu nhiều tiện ích. 
Thói quen của người dân thành phố hay nói “đi Sài Gòn” nhưng thực ra trong câu đó, Sài Gòn là một điểm đến. Công viên Bến Bạch Đằng là một điểm đến ở trung tâm Sài Gòn, một không gian cộng đồng thì nó phải có đầy đủ các tiện ích để đáp ứng nhu cầu của xã hội, của người dân đến công viên. Ta gửi xe ở đâu? Nếu người dân để xe dưới lòng đường và ngồi gần để trông xe thì điều đó tạo ra sự bát nháo về giao thông. Nếu người dân nhấc xe lên vỉa hè là tạo ra tình trạng bát nháo về không gian. Các nhu cầu tối thiểu như vệ sinh, giải khát cũng không có. Nếu lo ngại làm những công trình nổi trên mặt đất ảnh hưởng tới cảnh quan thì rất nhiều nơi đã chọn phương án làm ngầm. Công viên Sông Hàn ở Đà Nẵng mới đây là một ví dụ cụ thể. 
Một nhu cầu nữa là mai này khi ta bình thường hóa 100%, du khách nước ngoài muốn mua món đồ lưu niệm cũng không biết làm sao? Thậm chí muốn ngồi ngắm cảnh sông Sài Gòn, thưởng thức một ly cà phê cũng không biết ngồi ở đâu? Ngồi ngắm cảnh thưởng thức một ly cà phê khác với đi lòng vòng, đứng lóng ngóng! Và điều cuối cùng là cây xanh. Với tôi, công viên mà không có cây thì không thể gọi là công viên. Cây tạo ra bóng mát, cây tạo ra không gian vi khí hậu mát và có nhiều oxy, mang lại cảm giác nhẹ nhàng thư thái cho du khách, cho người dân sau giờ làm việc. 
 
Công viên Bến Bạch Đằng hiện tại vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách
 
KTS Khương Văn Mười: Tránh tình trạng bảo tồn giữ lại rồi… cũng để đó!  
Cầu Mống đã được công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật” cấp thành phố. Giữ gìn được công trình này là một điều đáng trân trọng. Vấn đề đặt ra là khi đã gìn giữ được thì ta phải phát huy giá trị của nó. 
Việc phát huy giá trị công trình, trước hết, phải làm cho người dân và du khách hiểu được lịch sử hình thành, các thông tin cần thiết về hình thức kiến trúc, tác giả thiết kế và xây dựng, thời gian xây dựng, hoàn chỉnh, đặc điểm vật liệu vì vật liệu cũng là dấu ấn lịch sử. Các thông tin đó cần biên tập hoàn chỉnh, truyền thông qua bảng thông tin tại công trình hoặc qua thuyết minh. Ta cũng cần nói được đặc điểm và sự kết nối của công trình này với các công trình khác trong khu vực. Tại sao lại có tên là Cầu Mống (hay Móng), tại sao lại có chiếu nghỉ đi bộ? 
Việc phát huy giá trị công trình tiếp theo là phải làm cho công trình sống động. Có rất nhiều giải pháp để làm cho công trình kiến trúc trở nên sống động. Ta có thể tổ chức các sự kiện, các hoạt động phù hợp với không gian kiến trúc, với thực tế địa điểm. Cầu Mống là một cây cầu có lịch sử lâu đời, nằm chiếm trọn không gian giữa dòng kênh ngay trung tâm thành phố, nơi đầu mối kết nối các trục giao thông thủy, bộ. Cần xem xét tính kết nối, sự liên hệ của di tích này với các di tích, di sản khác trong khu vực, trong thành phố. 
Muốn khai thác hiệu quả một cây cầu thì cần có một chương trình cụ thể. Thành phố  có nhiều công trình kiến trúc đã được xếp hạng di tích cấp quốc  gia, cấp thành phố. Ta cũng có những di sản phi vật thể, những không gian sinh hoạt cộng đồng có tính cách truyền thống phù hợp với thói quen của người dân đô thị Sài Gòn trước đây, nay là TP.HCM. Vấn đề là làm sao để xây dựng chương trình, kế hoạch quản lý đầu tư và có hiệu quả.
Tôi muốn dẫn chứng một thí dụ cụ thể, ta đang triển khai phân loại biệt thự để xếp hạng bảo tồn. Người dân bây giờ sợ tình trạng tài sản bị đưa vào xếp hạng di sản vì thực tế, đã xếp hạng là di sản thì vướng nhiều thủ tục, khó triển khai việc khai thác. 
Ta cần kịch bản hoạt động cho cả cả địa bàn, cho một chuỗi các di sản. Có như vậy thì di sản mới sống được. Cần tránh tình trạng nói thì ai cũng biết nhưng không ai làm, tránh tình trạng bảo tồn giữ lại rồi… để đó.
 
Thực trạng Cầu Mống như vậy đã đủ thể hiện sự tôn trọng di tích, đã đủ để tôn vinh công trình hay chưa?
 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 192

Các tin khác