Một cánh cổng xưa cũ, một góc bếp đơn sơ, đến lô xô phố xá, làng quê… từng chi tiết thân thương gợi
nhớ quê hương được họa sĩ Chu Viết Cường chau chuốt, tỉ mỉ với độ tung hứng gam màu tươi sáng, tôn lên vẻ đẹp chân chất, gần gũi, như khơi dậy nỗi nhớ quê trong tâm khảm từng người khi đối diện các tác phẩm hội họa sơn mài do anh sáng tác.
Hỏi về chuyện gắn bó với đề tài quê hương, phong cảnh bình dị, Cường chia sẻ: “Mình thích lưu lại những nét xưa cũ, cổ kính của phố xá, làng quê, của phong cảnh thiên nhiên, núi đồi vì sợ rằng ngày mai nó không còn. Cách để giữ lại những dấu ấn thời gian ấy thông qua tranh, cũng nhằm chuyển tải ngôn ngữ, cảm xúc theo cách khác với hình ảnh thực đời thường”.
Nhìn trong sáng tác của Chu Viết Cường, có thể thấy nét quê được họa sĩ biểu đạt công phu, với lối tỉa tót, chăm chút hình ảnh bằng đường nét và chi tiết mảnh, tinh tế trong nghệ thuật sơn mài. Yếu tố tả thực trong tranh của anh được đẩy lên cao độ. Nói về kỹ thuật thể hiện, họa sĩ tiết lộ: “Vẽ sơn mài theo lối hiện thực vất vả hơn nhiều so với vẽ trang trí, họa sĩ phải tự mày mò, tìm tòi, ứng dụng cách làm của người xưa, từ việc gắn trứng, trai, cửu khẩu sao cho phù hợp với thực tại. Cái thú vị của sơn mài là khi vẽ hiện thực, họa sĩ vờn giống hệt phong cảnh thực, nhưng khi mài ra trong nét vờn ấy, lại thấy yếu tố trừu tượng, bề mặt màu do kỹ thuật mài sinh ra các mảng rách, tạo chất rất hay, làm cho bề mặt và hiệu ứng hình ảnh sơn mài khác hẳn với lối vẽ các chất liệu khác”.
Trong hội họa, mỗi họa sĩ có bảng màu cho riêng mình, ở Cường cũng vậy, tranh quê hương của anh, trong sâu thẳm có gì đó gợi về kỷ niệm, về cảm xúc, nhưng các gam màu thể hiện lại tưng bừng tươi sáng, đặc biệt là sắc xanh - một màu rất khó sử dụng trong kỹ thuật sơn mài. Cường lý giải thêm: “Tôi thường sử dụng yếu tố tương phản ánh sáng bằng cách dùng quỳ vàng - quỳ bạc đẩy chi tiết tác phẩm lên tối đa, tạo cho nội dung và bố cục tranh thêm hấp dẫn hơn. Tôi cũng thường đưa yếu tố con người hoặc con vật vào bố cục để phá đi cảm giác đơn điệu, buồn tẻ, cho bức tranh thêm phần sinh khí, vui nhộn và sống động”.
Nói thêm về chất liệu sơn mài, Chu Viết Cường sử dụng sơn ta truyền thống bởi lẽ: “Mình chọn sơn ta bởi vẻ đẹp sâu lắng của nó, sơn ta cũng hợp với mình hơn, trước đây làm đủ loại sơn, nhưng khi đã làm sơn ta rồi thật dễ chán các chất liệu sơn khác. Dùng sơn công nghiệp, tác phẩm làm ra nhìn nhựa lắm. Còn sơn ta càng nhìn càng đẹp, độ trong rõ thêm theo thời gian”.
Hỏi Cường về những dự định nghệ thuật cho tương lai, anh vui vẻ: “Sẽ là một triển lãm dịp cuối năm cùng các đồng nghiệp, đề tài mình đang sáng tác là nude (khỏa thân) cho có gì đó khác đi với phong cảnh, với quê hương như đã từng thực hiện”.


Một góc phố thân quen, một mái lá đơn sơ, một con người dung dị... được họa sĩ Chu Viết Cường chau chuốt, tỉ mỉ tôn lên vẽ đẹp chân chất, gần gũi như khơi gợi nỗi nhớ quê hương trong tâm khảm mỗi người khi đối diện các tác phẩm của anh

Trong mỗi bức tranh về quê hương gợi nhớ về kỷ niệm, về cảm xúc nhưng các gam màu thể hiện lại tưng bừng tươi sáng

Vì sợ ngày mai sẽ không còn nên họa sĩ Chu Viết Cường đã lưu giữ lại những nét xưa cũ, cổ kính của phố xá, làng quê, của thiên nhiên, núi đồi vào tranh ảnh của mình không gian nghệ thuật
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 171