
Ông có thể phân tích lý do ngành gỗ xuất khẩu của chúng ta vẫn tăng trưởng tốt bất chấp đại dịch?
Một lý do không thể phủ nhận là người Việt chúng ta khéo tay, có tố chất khi gia công, sản xuất các mặt hàng gỗ. Vậy nên dù cho các công ty, xưởng mộc của chúng ta đa số có quy mô không lớn nhưng vẫn có ưu thế khi tìm kiếm khách hàng, thị trường xuất khẩu. Một trong những yếu tố tích cực giúp ngành gỗ chúng ta phát triển nhanh là nhờ thương chiến Mỹ - Trung. Dù rằng người Trung Quốc nghề gỗ rất giỏi, họ còn có những nhà máy lớn do Mỹ đầu tư. Thế nhưng khi thương chiến Mỹ - Trung diễn ra vào cuối năm 2018 thì nhờ Mỹ đánh thuế vào mặt hàng gỗ xuất khẩu của Trung Quốc cao nên hướng đầu tư và khách hàng chuyển hướng vào Việt Nam. Và nhờ thế ngành gỗ xuất khẩu của chúng ta tăng trưởng vượt bậc.
Điều đáng nói là chúng ta có thể giữ được ưu thế này kể cả qua 2 năm đại dịch là nhờ các nguyên nhân:
Gỗ Việt Nam xuất khẩu hiện nằm ở phân khúc đồ gỗ gia đình và bán ở các cửa hàng bán lẻ nên không ảnh hưởng mấy vì dịch bệnh. Trong khi với các mặt hàng gỗ thương mại khác bị ảnh hưởng thì Việt Nam không tham gia nhiều.
Trước đây từ 2010 các sản phẩm gỗ Việt Nam đã hầu hết làm từ gỗ đặc. Chúng ta lại có ưu thế trong sản xuất loại này vì đòi hỏi xử lý thủ công nhiều, nếu có máy móc cũng không xử lý được hết các chi tiết. Gần đây, đồ gỗ lại kết hợp với nhiều vật liệu khác như kim loại, đan lát, vải... Càng ngày kỹ năng nhân công Việt Nam ngày càng đa dạng và chúng ta đã đón được nhu cầu này.
Hàng Việt Nam chủ yếu đi Mỹ. Bên cạnh lợi thế nhờ thương chiến thì đồ họ dùng rất truyền thống và Việt Nam hợp với nhu cầu này.
Như vậy nhờ có yếu tố may mắn vì Việt Nam đang làm ở dòng hàng không bị suy thoái nhiều. Các mẫu mã của hàng Việt Nam tương đối phổ biến, người ta có thể mua online mà không cần trải nghiệm nên chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu mua sắm online bùng nổ trong mùa dịch.
Về tiêu thụ ít gặp khó khăn nhưng trong sản xuất, vận chuyển thì việc cách ly do dịch bệnh chắc cũng ít nhiều ảnh hưởng?
Trước hết đợt dịch năm 2020 chúng ta may mắn là ít bị ảnh hưởng nhờ các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa kịp thời. Đợt dịch năm 2021 thì chúng ta đã có sự hỗ trợ của vaccine cùng với các doanh nghiệp khá linh hoạt khi xử lý khó khăn để sản xuất ngay trong đợt giãn cách.
Cụ thể như thực hiện mô hình sản xuất ba tại chỗ. Đây là mô hình thú vị và đặc thù Việt Nam. Công nhân bám trụ chia sẻ khó khăn và doanh nghiệp chuẩn bị tốt hậu cần. Nhờ vậy gần 50% nhà máy tồn tại sản xuất đều suốt mùa dịch, duy trì được đơn hàng cho xuất khẩu. Dù rằng nhân công vẫn thiếu, thiếu từ nhiều năm nay.
Nền tảng triển lãm trực tuyến Hopefairs.com giúp nhà mua hàng quốc tế dễ dàng tìm kiếm sản phẩm, nhà cung cấp trong mùa dịch
Ông có tiên lượng đến những khó khăn chúng ta phải đối mặt?
Bên cạnh những khó khăn triền miên như thiếu nhân công, hiện đã xuất hiện những khó khăn mới. Mất cân đối từ cung ứng, vận chuyển, phân phối, nhân lực… do dịch bệnh, do giãn cách trên toàn cầu dẫn đến nhiều nguyên vật liệu tăng giá. Từ gỗ, thép, xăng dầu… và đặc biệt là phí vận chuyển tăng rất mạnh. Do vậy dù sản xuất tất bật nhưng lợi nhuận không bao nhiêu. Thậm chí có nhiều đơn hàng doanh nghiệp không dám ký vì không có lợi nhuận hoặc không đáp ứng được các đòi hỏi về thời gian giao hàng.
Hiện châu Âu về thiết kế thay đổi không nhiều nhưng tiêu chuẩn mua hàng thì có khó hơn. Trước đây đòi hỏi gỗ hợp pháp rồi đến các tiêu chuẩn về lao động. Sắp tới là tiêu chuẩn về môi trường. Tiêu chuẩn này sẽ xuất hiện nhiều vấn đề phải xử lý. Thí dụ như tái chế, quản lý môi trường trong nhà máy, bao bì…
Đồ gỗ khác thời trang. Trong thời trang thương hiệu chiếm hết phân nữa còn lại là chất liệu, thiết kế. Với đồ gỗ thì cái hình thành giá trị thương hiệu chính là các tiêu chuẩn cụ thể là xanh, an toàn…
Thách thức lớn nhất sắp tới là tiêu chuẩn về môi trường và tính bền vững. Bền vững là một khái niệm rất rộng. Dù vậy, với những khách hàng đòi hỏi bền vững, đi với họ thì có thể lợi nhuận thấp nhưng lâu dài vì quy mô họ thường lớn.
Do vậy chúng ta cần tái cấu trúc lại khách hàng để tìm ra những mặt hàng có giá trị cao để có thể bù chi phí vận chuyển. Đồng thời phải chọn chuỗi cung ứng sao cho đầu vào tiết kiệm hơn.

Xưởng sản xuất công ty HHL Decor
Công ty TNHH Hố Nai- Biên Hòa, Đồng Nai
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 188