Lê Công miếu bia (Nhà bia), bên trong có tấm bia đá khắc văn chữ Hán do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm 1894
Khi mất, Lăng mộ của Ông được xây dựng trên gò đất cao thuộc vùng đất Gia Định. Năm 1835 sau cuộc binh biến do con nuôi của Ông (Lê Văn Khôi) khởi xướng, vua Minh Mạng đã cho san phẳng rồi cho xiềng xích mộ phần của Đức Tả Quân. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị và sau đó năm 1848 vua Tự Đức đã giải oan, phục hồi quan tước và uy danh cho Đức Tả Quân, đồng thời xây đắp mộ phần và tu bổ lại khu điện thờ bên cạnh khu mộ.
Cổng chính vào Lăng có tên là Cổng Tam Quan, từng được chọn là biểu tượng của Sài Gòn - Gia Định (xưa). Tổng quan về kiến trúc, Lăng được xây dựng trên một trục thẳng, gồm: Nhà bia – Lăng mộ – Miếu thờ (Tiền điện – Trung điện – Chánh điện), theo hướng từ cổng chính đường Vũ Tùng đi vào.
Quần thể khu Lăng mộ Đức Tả Quân được bắt đầu với Nhà Bia (Lê Công miếu bia), bên trong có tấm bia đá do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894) ca tụng công đức của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.
Sau Nhà bia là Khu lăng mộ được bao bọc trong một tường thành hình chữ nhật với hai cạnh hướng đông và hướng tây dài 14,5m, dày 0,8m. Cạnh hướng nam là cửa mộ có bức bình phong phía trước dài 4,2m. Cạnh hướng bắc được xây cao hơn, có bức bình phong phía sau với hình rồng 4 móng đắp nổi. Trong đó có hai nấm mộ được xây giống nhau về hình dáng và kích thước, theo kiểu “nấm liếp” (bệ dưới hình chữ nhật dài 4,5m; rộng 6,3m; cao 0,4m) và trứng ngỗng (phần úp bên trên), dựa vào sự sắp đặt tất cả các vật thờ từ xưa, vào quan niệm “nam tả, nữ hữu” thì phần mộ của Tả Quân Lê Văn Duyệt nằm bên trái theo hướng từ miếu thờ nhìn về nhà bia.
Qua khu Lăng mộ là Miếu thờ (Tiền điện, Trung điện và Chánh điện) với sân Miếu được lát đá trong khuôn viên ngang 26m rộng 15m, đây là khu vực trung tâm diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng Tả Quân Lê Văn Duyệt. Tiền điện, được xây dựng theo kiểu nhà ba gian truyền thống, với khung nhà gồm 4 cột cái và 12 cột biên. Trung điện, nơi thờ bài vị và hình thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt. Chánh điện, nơi có tượng thờ Tả Quân đúc bằng đồng cao 2,6m và nặng khoảng 3.5 tấn cùng với bốn cột chính được thiết trí thành long trụ sơn son thếp vàng. Với lối kiến trúc khảm sành sứ, dù được xây dựng và duy tu qua nhiều thời kỳ nhưng các nghệ nhân Sài Gòn – Gia Định vẫn kế thừa tính nhất quán nên kiến trúc Lăng vẫn giữ được nét đẹp độc đáo, cổ kính và đậm chất nghệ thuật đặc trưng thời Nguyễn.
Qua thời gian, Lăng mộ Đức Tả Quân được người dân khắp nơi đóng góp duy tu, mở rộng và trở thành công trình giá trị như ngày nay. Ngày 6 tháng 12 năm 1989, toàn bộ khu Lăng được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
(*) Lăng mộ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng và một cửa ở hướng tây là số 126 đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh. Do vị trí Lăng Ông nằm ở khu vực Bà Chiểu, nên người dân hay gọi chung Lăng Ông - Bà Chiểu - tức Lăng Ông ở Bà Chiểu để chỉ khu vực này. Trước năm 1975, tuyến đường chạy dọc theo phía tây Lăng Ông (đoạn từ Lăng đến cầu Bông) mang tên đại lộ Lê Văn Duyệt, tháng 8.1975 đổi thành đường Đinh Tiên Hoàng. Tháng 9.2020 đoạn đường này được phục hồi tên cũ là Lê Văn Duyệt nhân dịp giỗ lần thứ 188 của Ông (theo Wiki)
Khu Lăng mộ gồm hai nấm mộ hoàn toàn giống nhau, phần mộ của Đức Tả Quân nằm bên trái theo hướng nhìn từ miếu thờ về Nhà bia
Miếu thờ (Tiền điện, Trung điện và Chánh điện), sân trước miếu được lát đá toàn bộ là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng
Hàng năm, vào ngày mùng 7 tết, Lăng Ông Bà Chiểu tổ chức Lễ Khai hạ - Cầu an đầu năm mới. Đây là lễ hội truyền thống đã có từ hơn 100 năm qua. Đây cũng là một trong những Lễ hội còn giữ được nét truyền thống của người dân Sài Gòn - Gia Định
Tiền điện, được xây dựng theo kiểu nhà ba gian truyền thống, với khung nhà gồm 4 cột cái và 12 cột biên
Chánh điện nơi có tượng thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt, bốn cột chính được thiết trí thành long trụ sơn son thếp vàng
Tác giả Đỗ Trọng Danh sinh năm 1976, Giảng viên trường Đại Học Hoa Sen, Khoa Kinh tế Quản trị, ngành Digital Marketing. Ngoài thời gian giảng dạy, Đỗ Trọng Danh sử dụng chiếc máy ảnh của mình như một niềm đam mê, đến mọi ngóc ngách để lưu lại những bức ảnh, những khoảnh khắc của cuộc sống, những nét văn hóa của Sài Gòn đang dần mai một và mất đi.
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 188